Tạm ngừng sử dụng 2 lô vắc xin viêm gan B
Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế tiếp cận hồ sơ tài liệu liên quan đến vụ 3 trẻ tử vong tại Bệnh viện đa khoa H.Hướng Hóa
Do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân!Mất điện trước và sau thời điểm chích vắc xin
Theo chi nhánh điện Khe Sanh (H.Hướng Hóa) thì vào khoảng 6 giờ đến 12 giờ ngày 20.7, trạm 110 KV của Xí nghiệp cao thế thuộc Tổng công ty điện lực miền Trung thực hiện việc cắt điện theo lịch công tác, làm cho thị trấn Khe Sanh và một số vùng phụ cận bị mất điện. Theo đó, BV đa khoa H.Hướng Hóa nằm trong thị trấn Khe Sanh, vắc xin của BV được bảo quản trong tủ lạnh và 3 trẻ sơ sinh đã được tiêm các mũi vắc xin viêm gan B vào lúc 8 giờ sáng, tức là 2 giờ sau khi tủ lạnh bị mất điện. Liên quan đến câu hỏi, liệu sau 2 tiếng đồng hồ mất điện, chất lượng của số vắc xin được bảo quản trong tủ lạnh có còn được đảm bảo thì cả ông Lâm Chí Đức - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng H.Hướng Hóa và ông Nguyễn Xuân Tường - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị đều khẳng định “vẫn đảm bảo”.
14 giờ chiều 22.7, tại Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cuộc họp chính thức của đoàn chuyên gia Bộ Y tế với UBND và các ban ngành liên quan của tỉnh Quảng Trị đã bắt đầu. Hàng chục PV đến từ nhiều cơ quan truyền thông dù đã túc trực từ trước nhưng bị khước từ vì “đây là cuộc họp kín”.
Sau hơn 3 giờ 30 phút, phòng họp mở cửa để PV vào dự. Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị Trần Văn Thành đã dành khoảng 10 phút để công bố bản kết luận về nguyên nhân vụ việc. Theo lời ông Thành, kết luận này đã được đưa ra sau cuộc tranh cãi rất căng thẳng giữa các bên liên quan. Tuy vậy, phần nguyên nhân chính được dẫn ra trong bản kết luận ngắn gọn và rất chung chung: “Nguyên nhân chính là do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân”.
Cũng trong phần kết luận, có 3 nguyên nhân được đưa ra để “bổ sung” cho phần “chưa rõ nguyên nhân” gồm: trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ; do vắc xin; do dịch vụ tiêm chủng tại Bệnh viện (BV) đa khoa H.Hướng Hóa. Đối với nguyên nhân “trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ” đoàn chuyên gia của Bộ Y tế và ngành y tế tỉnh Quảng Trị đã thống nhất quan điểm là "chưa nghĩ đến" bởi tiền sử thai nghén của các bà mẹ bình thường, lại đẻ thường, con bú tốt và có cân nặng từ 2,8 đến 3,1 kg.
Đối với 2 nguyên nhân còn lại dù đều được gắn với 1 dãy từ chung chung khác là “ít nghĩ đến nhưng không loại trừ” nhưng mức độ nặng nhẹ lại khác nhau. Cụ thể, nguyên nhân "do vắc xin" được “bảo vệ” bằng các luận chứng: toàn quốc có khoảng 600.000 liều thuộc 2 lô vắc xin V-GB 020812E và V-GB 030812E (do Công ty vắc xin sinh phẩm số 1 cung cấp) đã được sử dụng mà không có báo cáo trường hợp phản ứng nào; vắc xin được kiểm định có giấy phép xuất xưởng của Viện Kiểm dịch quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế. Còn nguyên nhân "do dịch vụ tiêm chủng tại BV đa khoa H.Hướng Hóa" bị “đánh tơi tả” với các luận chứng: việc bảo quản vắc xin tại đây chưa đúng quy định (để vắc xin cùng sinh phẩm khác); việc quản lý vắc xin tại BV cũng chưa đúng theo quy định (không ghi chép quản lý vắc xin hằng ngày, không lưu vỏ, lọ theo quy định); y tá đã không triển khai tiêm vắc xin tại phòng tiêm riêng mà tiêm tại phòng bệnh.
Cuối cùng, đề nghị của các bên là được gửi mẫu nghiệm đến phòng thí nghiệm quốc gia, quốc tế để xét nghiệm kiểm định chất lượng vắc xin và các chất lạ có trong mẫu nghiệm.
Không nên vội vàng tiêm
Chiều 22.7 Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị tạm ngừng sử dụng trên toàn quốc 2 lô vắc xin viêm gan B 020812E và 030812E do Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư sản xuất do có liên quan đến các trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin này tại Quảng Trị.
Theo GS Nguyễn Đình Bảng - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm quốc gia, cần xem xét kỹ về thực hiện an toàn tiêm chủng, về chỉ định tiêm chủng sớm (giai đoạn sơ sinh). Tại Việt Nam, trong giai đoạn sơ sinh, trẻ được tiêm 2 mũi vắc xin là lao và viêm gan B. Với vắc xin phòng lao (BCG) có thể chấp nhận được vì vi khuẩn lao lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với môi trường bên ngoài, trẻ dễ lây nhiễm. Còn viêm gan B lây qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Nếu không lây từ mẹ thì trẻ cũng không lây từ hai con đường còn lại, vì vậy không nên vội vàng tiêm cho trẻ. Theo GS Bảng: “Thời điểm tiêm sớm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, tôi thấy chưa hoàn toàn yên tâm vì trẻ còn non nớt chưa thích nghi với điều kiện khi vừa lọt lòng mà vắc xin là một chất lạ”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng lại cho rằng việc tiêm sớm trong vòng 24 giờ sau sinh dựa trên các nghiên cứu, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Về ca tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại Bình Thuận, đến cuối giờ chiều qua, một lãnh đạo của Cục Y tế dự phòng cho biết chưa nhận được báo cáo về sự việc này.
Theo TNO