Tâm lý ngại sinh con đang kéo giảm mức sinh xuống thấp
(BDO) Hiện nhiều gia đình trẻ có tâm lý ngại sinh con đang ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Chính tâm lý này đã kéo giảm tỷ lệ sinh của Bình Dương xuống thấp trong khi tỷ lệ tăng dân số của tỉnh chủ yếu là do nhập cư.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An
Tâm lý ngại sinh con
Thực tế hiện nay cho thấy phụ nữ trên địa bàn tỉnh ngày càng sinh ít con, ngại sinh con. Một trong những nguyên nhân được xác định là do chi phí, áp lực về kinh tế, công việc, thu nhập, nhà ở khiến nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ phải cân nhắc trong việc sinh con. Thậm chí nhiều cặp vợ chồng kết hôn đã 4 - 5 năm nhưng vẫn không muốn sinh con. Họ muốn tận hưởng trọn vẹn cuộc sống cá nhân, muốn xây dựng và phát triển bản thân trở thành phiên bản tốt nhất mà không muốn vướng bận con cái.
Chị Đặng Thị Bích Lài và anh Nguyễn Tuấn Hòa quê tỉnh Nghệ An vào TP.Dĩ An lập nghiệp làm công nhân may từ năm 2019, năm 2021 họ kết hôn. Công việc của anh Hòa và chị Lài khá ổn định nhưng cả 2 vợ chồng không muốn sinh con vì sợ không có điều kiện chăm lo. Chị Lài chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng đều xa quê vào Bình Dương lập nghiệp, cha mẹ nội ngoại thì không ở gần. Chúng tôi ở nhà trọ, mỗi tháng lương cộng với tăng ca cả 2 vợ chồng gần 14 triệu đồng, nếu sinh con thì 1 người phải nghỉ làm ở nhà trông con, chi phí phát sinh, áp lực kinh tế rất lớn”.
Hay như trường hợp chị Nguyễn Thị Lắm ở TP.Thủ Dầu Một đã có 1 con trai 10 tuổi nhưng vẫn chưa có ý định sinh đứa con thứ 2. Chị Nguyễn Thị Lắm cho biết: “2 vợ chồng đều làm công nhân, thu nhập chỉ đủ tiền thuê nhà, ăn uống và lo chi phí cho con đi học. Tháng nào có đám tiệc hay con đau ốm thì không thể tiết kiệm được. Sinh thêm con rất áp lực, mệt mỏi, ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình”.
Bên cạnh nguyên nhân bài toán chi phí thì tâm lý muốn dành thời gian trải nghiệm, đi du lịch, chăm sóc sức khỏe, nâng cao hiểu biết bản thân hơn cũng khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ ngại sinh con. Vợ chồng trẻ Lâm Thị Hồng Nguyên quê ở TP.Dĩ An đã kết hôn gần 5 năm. Gia đình nội ngoại ngày ngày mong ngóng “tin vui” nhưng vợ chồng Hồng Nguyên không mảy may đến chuyện con cái.
Chị Lâm Thị Hồng Nguyên chia sẻ: “Em rất ngại sinh con. Bản thân còn trẻ nên em nghĩ mình cần đi đây đó khám phá xung quanh, trải nghiệm nhiều hơn. Hiện tại có rất nhiều vấn đề xung quanh mà em chưa hoàn thiện. Nếu sinh con, em chưa sẵn sàng thì không thể dành hết những thứ tốt nhất cho con mình”.
Không riêng trường hợp của chị Lài, chị Lắm hay đôi vợ chồng trẻ Lâm Thị Hồng Nguyên, hiện nay thực trạng nhiều phụ nữ mang tâm lý ngại sinh con đang rất phổ biến và có chiều hướng gia tăng nhanh. Trong khi đó, Bình Dương đang là tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.
Tỷ lệ tăng dân số chủ yếu từ nguồn nhập cư
Tre già măng mọc, đó là quy luật tự nhiên trong sự phát triển bền vững của một quốc gia. Thực tế không ít cặp vợ chồng vẫn cho rằng, chuyện con cái là chuyện riêng mà chưa thấy rằng, con trẻ chính là hạt giống quyết định tương lai đất nước.
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, từ đầu năm đến nay, ước tính tổng số trẻ sinh ra trên địa bàn tỉnh là 14.594 trẻ, đạt 48,1% kế hoạch; số cặp kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là 3.082 cặp; số người cao tuổi được tư vấn và chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng là 39.196 người. |
Tại Bình Dương, bên cạnh mức sinh thay thế có xu hướng ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ già hóa dân số ngày càng tăng. Nhiều gia đình trẻ có xu hướng không muốn sinh con, sinh ít, sinh con thưa ngày càng cao. Thanh niên thành thị kết hôn muộn hơn khu vực nông thôn làm ảnh hưởng đến xu hướng sinh con và số con của các cặp vợ chồng.
Mức sinh của nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên cũng tăng lên trong khoảng 20 năm qua đặt ra vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và việc phòng tránh thai của nhóm đối tượng này chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh vẫn còn ở mức cao và có xu hướng tăng. Trong khi mức sinh của nhóm phụ nữ hơn 35 tuổi cũng có xu hướng tăng ảnh hưởng đến việc cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Bà Lê Thị Tuyết Bình, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho biết: “Hiện dân số của tỉnh hơn 2,9 triệu người. Tốc độ gia tăng dân số của tỉnh nằm trong nhóm cao nhất của cả nước nhưng tỷ lệ tăng dân số chủ yếu từ nguồn dân nhập cư ở các tỉnh, thành khác đến sống, làm việc đang trong độ tuổi lao động và sinh đẻ.
Đây được coi là nhóm đối tượng khó tiếp cận, quản lý do đặc thù không ổn định về chỗ ở và cường độ, thời gian làm việc cao trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng chính là nhóm đối tượng trực tiếp mà tỉnh cần hướng đến trong hoạt động tuyên truyền, thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn”.
HOÀNG LINH