“Tấm lá chắn” Thổ Chu

Thứ ba, ngày 25/02/2020

(BDO) Thổ Chu - quần đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Ở đây từng có những câu chuyện bi thương đã đi vào lịch sử. Và hôm nay, Thổ Chu trở lại là vùng biển thanh bình mà sôi động. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn so với đất liền, nhưng quân, dân trên xã đảo Thổ Châu luôn nỗ lực xây dựng đảo ngày càng phát triển.


Cô giáo Hà Thị Oanh đã có 25 năm gắn bó với Thổ Chu

Từ quá khứ đau thương

Nói đến Thổ Chu làm người ta nhớ đến một biến cố lịch sử đau thương của nhân dân ta trong cuộc chiến chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt (Khmer Đỏ). Vì vậy, khi đặt chân lên đảo, điều đầu tiên mà mọi người vẫn thường làm là đến thăm đền thờ Thổ Châu, dâng hương tưởng niệm hơn 500 đồng bào bị quân Pôn Pốt xâm lược thủ tiêu vào năm 1975 và tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ đảo.

Quần đảo Thổ Chu gồm có 8 hòn đảo. Những người dân ra đây từ rất sớm đã dựa theo những đặc điểm riêng của từng đảo để đặt tên cho dễ nhớ. Như Hòn Nhạn là nơi loài nhạn biển tập trung về ở và sinh sản. Hòn Từ do có nhiều cây khoai từ mọc hoang dại. Còn Thổ Chu là hòn đảo lớn nhất, có rất nhiều đất đỏ.

Trước khi bị quân Khmer Đỏ chiếm đóng, Thổ Chu là hòn đảo thanh bình, bởi trong suốt hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến sự hoàn toàn không lan tới vùng đảo này. Vì vậy, đã có nhiều hộ dân ra đây để tìm sự an toàn và kiếm kế sinh nhai. Họ là dân tứ xứ, có người từ Rạch Giá ra, từ Cà Mau sang và cả các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi chạy tàu cá vào vùng biển Tây đánh bắt rồi bén duyên luôn với đảo.

Để tìm hiểu về hòn đảo này, theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, chúng tôi tìm đến gặp ông Lê Trường Giang (thường gọi Hai Giang). Ông Giang năm nay 65 tuổi và đã có gần 30 năm sinh sống trên hòn đảo này. Ông là những người di dân đầu tiên ra đây sau khi hòn đảo được giải phóng. Theo lời kể của ông Giang, vào khoảng giữa tháng 5-1975, lợi dụng Quân đội Nhân dân Việt Nam vừa trải qua những trận đánh lớn để thống nhất đất nước, bọn diệt chủng Pôn Pốt đã đưa quân chiếm đóng quần đảo Thổ Chu. Trên 500 người dân sinh sống ở đảo thời đó đã bị chúng bắt cóc đưa đi biệt tăm, đến tận bây giờ cũng không có thông tin gì. Trong số những người bị giặc Pôn Pốt bắt đưa đi, chỉ có duy nhất một hộ trốn thoát đó là gia đình ông Nguyễn Văn Sỹ (Tư Sỹ). Do phần lớn người dân đều bị lùa xuống tàu cá đưa đi, khi tàu đầy, họ mới cho phép người dân xuống tàu nhỏ của gia đình buộc kéo theo sau. Trên đường đi, lợi dụng đêm tối, ông Tư Sỹ đã cắt dây thả trôi một đoạn rồi mới nổ máy quay đầu chạy về phía Việt Nam. Cũng chính nhờ vào cuộc tẩu thoát này mà tin tức về việc bọn Pôn Pốt đánh chiếm đảo, bắt cóc dân đưa đi mới được báo về đất liền.

Đến trưa ngày 23-5-1975, tàu chở các lực lượng của ta gồm bộ binh, hải quân, đặc công nước và du kích Huyện đội Phú Quốc… từ cảng An Thới (Phú Quốc) xuất phát thẳng tiến ra Thổ Chu. Chỉ sau 3 ngày, bộ đội ta đánh chiếm và giải phóng xong toàn bộ quần đảo; 200 quân Khmer Đỏ đã bị tiêu diệt, bắt sống 175 tên; lực lượng của ta có 1 chiến sĩ tử trận và 2 sĩ quan bị thương. Sau khi thắng trận, bộ đội ta đã chia nhau đi tìm dân nhưng toàn đảo chỉ còn lại vài người. Họ may mắn được ở lại do bọn Pôn Pốt đã lùa dân xuống đầy tàu, không còn chỗ chứa.

Ông Lê Trường Giang cho biết, sau vụ thảm sát, một thời gian dài trên đảo chỉ có lực lượng bộ đội đóng quân. Mãi đến năm 1993, ba của ông là Lê Trắc (bí danh Tư Lùng), một cán bộ về hưu, người từng có thời gian dài làm chuyên gia quân sự giúp nước bạn Campuchia trong những năm chiến tranh, dẫn 3 hộ dân đầu tiên ra đây lập nghiệp theo chính sách di dân của Chính phủ, có hỗ trợ kinh phí để sinh sống. Ông Trác đã thành lập chi bộ Đảng với 3 đảng viên và trở thành Bí thư chi bộ đầu tiên của đảo. Theo đó, xã Thổ Châu, được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 1993.

Sức sống mới

Xã Thổ Châu hình thành từ lịch sử đau thương, mất mát quá lớn trong chiến tranh, đang được chính quyền, quân và dân cùng bắt tay xây dựng lại, trở thành hòn đảo xinh đẹp và là cửa ngõ quan trọng trên tuyến hàng hải quốc tế. Dù cuộc sống hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự chung sức, chung lòng của chính quyền, quân và dân đã và đang bắt tay xây dựng xã đảo Thổ Châu ngày càng phát triển. Bà Hồ Thị Giao Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết, năm 1993, tỉnh Kiên Giang đưa ra 17 hộ dân đầu tiên ra sinh sống, đến nay đã có khoảng 500 hộ gia đình với hơn 2.000 nhân khẩu. Trên đảo có trường mầm non, cấp 1, cấp 2, có trạm y tế khang trang, có bưu điện, có các trạm thu phát sóng điện thoại di động của Viettel, Vinaphone, Mobifone… Từ cầu cảng ở Bãi Ngự bước lên đảo là gặp chợ xã, nhà cửa xây dựng khang trang, tập trung buôn bán khá tấp nập, từ các mặt hàng phục vụ dân sinh cho đến các dịch vụ vui chơi, giải trí chẳng thua kém gì các xã trong đất liền.

“Chính ánh mắt bọn trẻ đã níu tôi ở lại”, đó chính là lời tâm sự của cô giáo Hà Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS Thổ Châu trên đảo Thổ Chu này. Cô Oanh theo chồng ra đảo khi mới 23 tuổi, nay đã gần 25 năm. Khi ấy, Thổ Châu chỉ có khoảng 20 nhà ở, đường sá đi lại khó khăn. Không những thế, thời tiết nơi đây còn vô cùng khắc nghiệt, nhiều khi cả tháng mới có một chuyến tàu về đất liền vì biển động liên tục. Với cô Oanh, cùng với những người dân ở đây bám đảo, không chỉ đơn thuần là xây dựng cuộc sống, thiêng liêng hơn là họ đang góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Còn Trung úy Đặng Văn Toản ở Trạm Ra đa 610 đóng trên đảo Thổ Chu, người con của huyện Phú Giáo (Bình Dương) thì tựnhận mình làđã trót “phải lòng” với đảo. Anh nói: “Yêu biển đảo thì ở đâu cũng là nhà”. Vì vậy, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh theo quân nhân chuyên nghiệp và xung phong ra đảo. Anh đã gắn bó với vùng đảo này được gần 7 năm và chưa có ý định trở về đất liền.

Cũng như nhiều xã khác trên cả nước, Thổ Châu đang trên đường phấn đấu trở thành xã đảo nông thôn mới. “Đề án chi tiết xây dựng nông thôn mới của xã đã được phê duyệt và đang trong giai đoạn triển khai thực hiện. Phấn đấu đến cuối năm 2020, Thổ Châu sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí, để Thổ Châu thực sự trở thành xã nông thôn mới, với mục tiêu mang lại cuộc sống no ấm, sung túc hơn cho người dân”, Bà Hồ Thị Giao Hoa cho biết.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 5 và 9 tỉnh, thành khu vực Nam bộ, doanh nghiệp, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đến thăm, chúc tết và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 610, Đồn Biên phòng, Trạm Hải đăng, Cảnh sát biển 4, Đảng ủy, UBND xã Thổ Châu và Trung đoàn 152 thuộc Quân khu 9 (đảo Thổ Chu). Đem hơi ấm từ đất liền đến với đảo, các thành viên trong đoàn công tác đã ân cần, thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, các đơn vị tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, gắn kết tình quân dân thắm thiết. Tại đây, đoàn công tác của tỉnh Bình Dương cũng tặng quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho 6 cán bộ, chiến sĩ là người Bình Dương đang công tác tại quần đảo Thổ Chu.

THU THẢO