Tấm khiên trong đại dịch và một đảng biết lo cho dân

Thứ ba, ngày 16/03/2021

(BDO) Với việc nhanh chóng nhập những lô vaccine đầu tiên và triển khai kế hoạch tiêm phòng Covid-19 đại trà nhanh hơn nhiều so với dự kiến, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá rất cao về chiến lược phòng, chống dịch, sớm tạo tấm khiên vững chắc trong cuộc chiến với đại dịch.

Việt Nam cũng đã ghi tên mình vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử nhân loại. Ấy vậy mà vừa qua, lại xuất hiện những tiếng loa rè lạc lõng xuyên tạc những nỗ lực đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước ta.

Những luận điệu gian xảo, hẹp hòi

Trang mạng xã hội của tổ chức khủng bố Việt Tân gần đây đã có bài viết thể hiện tâm địa đen tối khi cố tình bôi nhọ phong trào vận động đóng góp tiền mua vaccine do một số cơ quan báo chí, đoàn thể xã hội tổ chức. Họ so sánh đây là một dạng phong trào “kế hoạch nhỏ kiểu mới” với hàm ý hạ thấp ý nghĩa nhân văn cao cả của các phong trào, để rồi chê bai những việc làm tốt đẹp của các em bé 7-8 tuổi hay cụ già trên 90 tuổi góp sức vì cộng đồng. Họ tầm thường hóa những việc làm rất đáng trân trọng, có thể khơi dậy mạnh mẽ tinh thần cộng đồng, góp phần lan tỏa niềm tin và sự chung tay chiến thắng đại dịch với những ngôn từ đầy ích kỷ, nhỏ nhen khi cho rằng: Phải chăng chính quyền túng thiếu tới độ phải ngửa tay nhận tiền của người già và trẻ nhỏ?

Họ đưa ra luận điệu: Mua vaccine, chăm lo sức khỏe cho dân đã đóng thuế nuôi cả bộ máy công quyền là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước chứ không phải để... đẩy qua cho dân! Rồi họ lập luận kể cả có tiền như nhiều nước Âu, Mỹ cũng không mua được vaccine ngay nếu không đặt hàng sớm. Họ đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước đã chậm trễ trong cuộc chiến lo vaccine cho dân.

Nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: minh họa/suckhoedoisong.vn

Liên quan đến chuyện vaccine, một số đài, trang mạng từ nước ngoài lại đưa ra luận điệu: Lộ trình tiêm vaccine ưu tiên chưa thấy nhắc đến người nghèo, các nhóm yếu thế. Những người đó chưa biết đến bao giờ mới có cơ hội tiếp cận vaccine.

Trắng trợn hơn, cái gọi là Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Hoa Kỳ đã đưa ra cáo buộc xuyên tạc sự thật, xếp Việt Nam vào số các chính phủ lợi dụng Covid-19 vi phạm nhân quyền, Việt Nam “bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội và hỗ trợ của Chính phủ”.

Đảng lo cho dân - nhìn từ chuyện vaccine

Ngày 8-3 vừa qua, tham dự buổi tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã đánh giá: Những mũi tiêm phòng đầu tiên này đánh dấu chiến lược chống dịch đúng đắn của Việt Nam. Việt Nam cũng đã ghi tên mình vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử nhân loại. Hiện nay, nguồn cung cấp vaccine Covid-19 trên toàn cầu hiện vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu được chủng ngừa của tất cả mọi người, chiến lược tiêm chủng mà Việt Nam đã xây dựng là rất đúng đắn, phù hợp với đánh giá, tư vấn của WHO.

Chiến lược đúng đắn của Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn của một đảng biết lo cho dân mà sinh thời Bác Hồ từng căn dặn: “...Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi”.

Khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 đặt ra chưa từng có trong lịch sử nhân loại cũng như lịch sử Đảng ta. Đại hội XIII của Đảng cũng là lần đầu tiên, danh từ "Covid-19" xuất hiện trong văn kiện đại hội. Cũng chưa bao giờ tại một đại hội của Đảng diễn ra nhiều cuộc họp bên lề ngay tại nơi tổ chức đại hội để bàn giải pháp cấp bách khi làn sóng Covid-19 thứ 3 xuất hiện tại Việt Nam. Trong những quyết sách lớn được quyết định tại đại hội, có một quyết định kịp thời, đúng đắn, công bố ngay ở phiên bế mạc sáng 1-2. Quyết sách ấy đã trở thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm (nhiệm vụ thứ 2), được ghi trong nghị quyết Đại hội XIII: "Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho cộng đồng...".

Có thể nói đây là một quyết định đúng đắn, mang tính lịch sử và đầy trách nhiệm, thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn của một đảng biết lo cho dân khi mà trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nhận thức về vaccine Covid-19 còn khác nhau. Với quyết định đó, Đảng, Nhà nước đã đưa Việt Nam vào danh sách không nhiều quốc gia trên thế giới sớm chủ trương tiêm vaccine Covid-19 đại trà cho toàn dân.

Trước đó, vào quý II-2020, báo chí đã đăng tải thông tin cho biết Việt Nam chủ động đàm phán mua số lượng vaccine Covid-19 rất lớn từ nước ngoài. Ngày 24-2 vừa qua, hơn 117.000 liều vaccine Covid-19 đầu tiên về tới sân bay Tân Sơn Nhất, sớm hơn 4 ngày so với kế hoạch, được các cơ quan chức năng tạo điều kiện nhập khẩu với tốc độ rất nhanh. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine, bảo đảm đủ tiêm cho hầu hết người dân. Nguồn vaccine từ chương trình COVAX (cơ chế vaccine quốc tế toàn cầu do WHO đứng đầu và các đối tác) có thể cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều, nguồn nhập khẩu của hãng AstraZeneca với số lượng 30 triệu liều, của hãng Pfizer 30 triệu liều, vaccine của Nga 60 triệu liều. Đối với vaccine do Việt Nam sản xuất theo tiến độ đến năm 2022 thì Việt Nam sẽ có vaccine. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở đáp ứng mục tiêu đủ vaccine sử dụng cho toàn dân trong năm 2021-2022.

Những thông tin cho rằng Việt Nam chậm trễ, bị động, Đảng, Nhà nước thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm vaccine Covid-19 là hoàn toàn không có cơ sở, bịa đặt.

Việt Nam thực sự đã có một chiến lược đúng đắn ngay từ khi thế giới chưa có vaccine Covid-19, các nhà khoa học, trong đó có cả nhà khoa học y tế quân sự đã chủ động vào cuộc nghiên cứu. Theo Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thông thường theo cách làm cũ, chúng ta mất đến 5-10 năm mới có thể cho ra đời một vaccine mới. Lần này với vaccine Covid-19, quá trình nghiên cứu và sản xuất thần tốc cũng chưa có tiền lệ ở cả trên thế giới và Việt Nam. Trong lịch sử phát triển vaccine thì vaccine Covid-19 phát triển nhanh nhất, ra đời nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất, do đó cần thêm thời gian theo dõi, đánh giá đầy đủ hiệu quả của vaccine này.

Chính vì vậy, Việt Nam đã và đang có một chiến lược hết sức phù hợp, khoa học, không vội vàng, ồ ạt trong việc mua và tiêm vaccine, cũng không phụ thuộc vào một loại vaccine nào mà tiếp tục nghiên cứu, đàm phán với nhiều nhà sản xuất. Song song việc nhập khẩu vaccine, Việt Nam cũng đồng thời nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 nội địa...

Tư tưởng hẹp hòi cũng như virus độc hại

Những người đưa ra thông tin người nghèo không được tiêm vaccine đã cố tình nói lấy được và bất chấp sự thật: Trong Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 có quy định đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí đã nêu rõ: Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội ở vị trí thứ 7 trên tổng số 9 nhóm đối tượng. Quan điểm "không ai bị bỏ lại phía sau" đã luôn được Đảng, Nhà nước ta thực hiện ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam.

Tổng kết những bài học kinh nghiệm sau một năm chiến đấu với Covid-19, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã rút ra bài học kinh nghiệm: “Từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19, muốn thành công phải khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay hành động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị văn hóa dân tộc ta”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nêu quan điểm: “Chúng ta cần huy động thêm các nguồn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ cung ứng vaccine, giúp bảo đảm ngân sách nhà nước, tăng độ bao phủ tiêm vaccine”.

Với tinh thần đó, việc các cơ quan báo chí, tổ chức, đoàn thể xã hội kêu gọi chung tay phòng, chống dịch Covid-19, xã hội hóa thêm các nguồn lực vì đây là cuộc chiến lâu dài, còn nhiều cam go phức tạp, thiết nghĩ cũng là điều bình thường. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là sẽ tiêm vaccine Covid-19 đại trà cho toàn dân, ngân sách, nguồn lực và lộ trình đã có nhưng trong cuộc chiến đầy thách thức này không phải vì thế mà không cần phát huy sức mạnh toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân đẩy lùi dịch bệnh. Chính vì thế, cùng với những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương, nhiều địa phương cũng đã chủ động chung tay vào cuộc từ rất sớm. Hải Phòng là địa phương đi đầu cả nước. Chiều 29-1, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đang dự Đại hội XIII của Đảng tại Hà Nội đã chủ trì họp khẩn trực tuyến Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về phòng, chống dịch Covid-19, đi tới quyết định trích ngân sách địa phương mua đủ vaccine loại tốt nhất, tiêm phòng cho hơn 2 triệu dân thành phố. Ngày 3-2, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đề xuất trích ngân sách thành phố mua vaccine cho toàn dân Thủ đô. Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày 8-2, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách các cấp, hạn chế mua sắm tài sản, cắt giảm chi phí hội họp, đào tạo, tham quan học tập, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết để dành toàn bộ nguồn lực này kết hợp với các nguồn lực khác mua vaccine Covid-19 cho người dân Quảng Ninh.

Vì vậy, những tiếng nói hẹp hòi rằng chống dịch Covid-19 hay mua vaccine là chuyện của Nhà nước, không cần sự chung tay của toàn xã hội chẳng những đi ngược lại truyền thống "tương thân tương ái", "tắt lửa tối đèn có nhau" của dân tộc ta mà còn nguy hiểm như chính loài virus độc hại, cần phải bị loại bỏ!

Theo QĐND