Tắm hồ đá: Nguy hiểm chực chờ!

Thứ tư, ngày 04/06/2014

Vừa ra đến Hồ đá (HĐ) hay “Hồ tử thần” đối diện Nhà khách Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM thuộc KP.Tân Lập, phường Đông Hòa, TX.Dĩ An, 5 em học sinh (HS) lớp 7 nhanh chóng cởi bỏ quần áo, trèo lên một mỏm đá chênh vênh, rồi thi nhau thực hiện cú nhào lộn từ độ cao hơn 10m. Đáng lưu tâm là khu vực này đã từng xảy ra nhiều vụ tử vong do đuối nước rất đỗi thương tâm!

Bất chấp nguy hiểm!

5 em HS trên của trường THCS T.V.L ở quận Thủ Đức, TP.HCM, sau khi thi học kỳ 2 vừa xong đã rủ nhau ra HĐ tắm cho mát! Khi được hỏi: “Các em có biết tắm ở đây rất nguy hiểm và đã có nhiều người bị đuối nước không thì các em đều hồn nhiên trả lời: “Có! Mà mấy em tắm tí là lên, với lại các em đều biết bơi hết mà. Không sao đâu!”. Liệu các em có biết rằng: dù nhiều người bơi rất giỏi nhưng cũng không ít người bị “Hồ tử thần” này cướp đi mạng sống! Nhóm thiếu niên này lại tiếp tục thi tài nhào lộn trên không, bằng những bước chạy đà, nhảy cuộn tròn thân người, lộn nhiều vòng trên không ở độ cao chục mét trước khi thả mình lao người xuống mặt nước lạnh buốt với độ sâu hơn 20m. Cứ thế hết lượt này đến lượt em khác vô tư nhảy tắm cho đến chiều mới cắp sách trở về nhà. Cách nơi 5 HS này đang tắm không xa, cũng có 4 sinh viên (SV) khác đang liên tục ngụp lặn và đùa giỡn dưới nước hồ cho dù trời đã hơn 18 giờ chiều.

Nhóm học sinh thi tài nhào lộn từ trên bờ hồ lởm chởm đá

Nhào lộn để đăng… facebook!

Vào buổi chiều 14-5, ở HĐ có nhóm 4 SV trường Đại học Khoa học tự nhiên tụ tập trên một vách đá cao khoảng 12m để “thi thố” tài nhào lộn. Từ trên vách đá, Hoàng Anh chạy đà khoảng 2m rồi lao người xuống HĐ, trước khi tiếp nước, Hoàng Anh còn kịp lộn được 2 vòng. Một SV trong nhóm tên Chí đang dùng điện thoại chụp cảnh bạn mình đang nhào lộn trên không. Đứng trên vách đá, hai SV còn lại liên tục vỗ tay tán thưởng; Vũ Em đưa nắm tay ra với ngón cái đưa lên (như ký hiệu thích một điều gì đó trên facebook) tỏ ra thán phục: “Tụi mày! Tao thích Hoàng Anh rồi đó! Có tư chất nghệ sĩ!”. Sau khi bơi vào bờ, Hoàng Anh bước lên nhăn mặt đau đớn, răng va lập cập vào nhau vì lạnh, cố nói: “Ghê quá tụi bây ơi! Tao tưởng còn không được gặp tụi bây nữa! Rơi xuống hồ tao thấy tối tăm mặt mũi, thấy đau rát toàn thân!”. Nói xong, Hoàng Anh quay lưng lại như để minh chứng cho lời của mình. Trên lưng Hoàng Anh có hai vết sướt dài khoảng gang tay đang rỉ máu. Thấy vậy, Tài xen ngang: “May cho mày đó! Chắc Diêm Vương ổng chê mày xấu quá nên không nhận!”. Nghe vậy, cả nhóm cười lớn. Tuy vậy, nhóm SV này vẫn tiếp tục “làm xiếc” cho đến chiều tối thì mới tan hàng. Trước khi về, Vũ không quên nhắc bạn: “Thằng Chí có chụp hình rồi phải không? Tối nay về nhớ úp lên facebook đó nha! Nhớ lựa mấy tấm ảnh đẹp đẹp tí! Tối lên “chém gió” cho sướng!”.

Hình ảnh chụp cảnh tắm HĐ đăng lên facebook để câu được nhiều like!

Ngày hôm sau, có 3 em Nguyễn Văn Đạt, Lê Thị Kiều Mi và Lê Văn Minh cùng quê Cà Mau đã bỏ học lên Bình Dương cùng gia đình mưu sinh, cũng tụ tập tại vách đá trên. Hai chị em Mi và Minh ngồi vắt vẻo trên vách đá, còn Đạt thì liên tục thực hiện nhiều pha nhào lộn. Thấy vậy, chúng tôi lấy máy ảnh ra chụp. Khi từ dưới hồ nước leo lên, Đạt lại gần nói: “Anh chụp hình hả? Có úp lên facebook không? Anh có úp thì chọn tấm nào của em đẹp đẹp mà úp nha! Hay là thế này, để em nhảy lại, anh chụp cho “ăn ảnh” để khi lên face sẽ được nhiều người like! Lúc trước, cũng có mấy anh chị tới cầm cái máy ảnh lớn hơn của anh nhiều để chụp em nhảy hồ đó!”. Chúng tôi hỏi: “Em có hay ra đây tắm không?. Đạt đáp: “Ngày nào em cũng cùng hai chị em Mi, Minh ra đây tắm. Vui lắm, hiện giờ ba mẹ tụi em đang đi làm công ở ngoài Dĩ An tối mới về. Tụi em ở nhà trọ một mình nên buồn lắm!”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Mấy đứa em ra đây tắm ba mẹ có nói gì không?”. Mi nhanh nhẩu trả lời: “Ba mẹ em cũng không nói gì, mà ở dưới quê, ngày nào tụi em chẳng tắm sông!”. Chúng tôi hỏi thêm: “Các em có biết ở đây rất nguy hiểm và nhiều người bị đuối nước không?”. Đạt và Mi đồng thanh đáp: “Có chứ! Chết nhiều quá trời luôn! Mới cách đây mấy tuần, tụi em còn thấy có người chết nữa”. Vừa trả lời dứt câu, Đạt lại nhanh chân leo lên vách đá để thực hiện thêm một pha nhào lộn mà bất cứ ai chứng kiến cũng phải “nổi da gà”! Thấy Đạt liên tục “làm xiếc” như vậy, chúng tôi không khỏi e ngại và lo cho sự an toàn của em.

Một người dân thường đánh bắt cá ở khu vực này cho biết: “Chiều nào mà chẳng có SV, HS ra đây tắm, có hôm cả chục đứa bay nhảy từ trên vách đá cao xuống nước, tôi thấy mà lo cho tụi nó. Khuyên răn thì tụi nó cười”!

Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Thấy được sự nguy hiểm của HĐ, đã từ lâu, chính quyền phường Đông Hòa kết hợp với Ban Quản lý ĐHQG TP.HCM đã có nhiều biện pháp nhằm cảnh báo và ngăn cấm người dân vào tắm, như: lập rào chắn, dựng biển báo, tuần tra nhắc nhở và thậm chí là đào hào bao quanh để chặn các lối vào nhưng một số người dân, trong đó có cả SV vẫn tìm mọi cách vào HĐ để câu cá, chụp ảnh… gây nguy hiểm cho chính bản thân và khó khăn trong công tác quản lý an ninh, trật tự cho cả khu vực HĐ rộng lớn.

Bởi vậy, để không xảy ra những cái chết tức tưởi, cũng như giữ gìn an ninh trật tự xung quanh khu vực HĐ thì nhất thiết phải có sự phối hợp nhiều phía; từ chính quyền địa phương, các ngành chức năng cho đến Ban Quản lý ĐHQG TP.HCM, các trường đại học trong khu vực và đặc biệt nhất vẫn là nâng cao ý thức của mọi người.

Sự ra đời của hồ là kết quả của việc khai thác đá để lại. Sau một thời gian, nước mưa và các mạch nước ngầm trong đá chảy ra tạo thành hồ. Khu vực HĐ bao gồm 4 hồ nước sâu hơn 20m, nước trong hồ quanh năm lạnh giá. Bao quanh hồ là những mỏm đá lởm chởm, dựng đứng với những lối đi cheo leo, sơ ý một chút có thể té xuống lòng hồ. Nước trong hồ luôn ở trạng thái đứng do không có dòng chảy. Các thợ lặn cho biết, cấu tạo lòng hồ này rất phức tạp, độ sâu thay đổi đột ngột; chỉ cần xê dịch vài phân, độ sâu có thể thay đổi cả mét. Với thống kê không chính thức, HĐ này đã cướp đi gần 60 sinh mạng của công nhân, SV và người dân địa phương. Vì vậy, nhiều người còn gọi HĐ là “Hồ tử thần”.

 

Bài, ảnh NGUYỄN HẬU