Tâm đức ngành y: Y đức vẫn là kim chỉ nam của người thầy thuốc

Thứ sáu, ngày 28/02/2014

Bài 3: Y đức vẫn là kim chỉ nam của người thầy thuốc

>> Bài 2: Trong khó khăn vẫn sáng ngời y đức

>> Bài 1: Y đức của người thầy thuốc kháng chiến

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, những thế hệ thầy thuốc vẫn đang ra sức học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nhằm trang bị cho mình một kiến thức vững vàng để hết lòng phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Họ luôn đặt mình vào vị trí bệnh nhân (BN) và xem “BN như chính người thân yêu của mình” để từ đó có thái độ phục vụ, ứng xử khéo léo, tạo được thiện cảm và lòng tin đối với BN…

Cao cả sự nghiệp cứu người

Đã chọn cho mình con đường chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, mỗi thầy thuốc đều ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Họ chính là người “giành lại mạng sống của người bệnh từ tay tử thần”, giúp người bệnh sớm lấy lại sức khỏe, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Bởi thế, dù trong quá trình công tác cũng có lúc vui, lúc buồn, nhưng chính tình yêu nghề nghiệp đã giúp họ đứng vững và gắn bó lâu dài với sự nghiệp cứu người.

Các bác sĩ Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh đang khám bệnh cho người khuyết tật trên địa bàn phường Phú Mỹ (TP.TDM)

Sau hơn 30 năm gắn bó với nghề y, cử nhân điều dưỡng Huỳnh Thị Thu Hà, Trưởng phòng Điều dưỡng Trung tâm Y tế TX.Thuận An nhớ lại ca trực cấp cứu một trường hợp sốc phản vệ ngưng tim, ngưng thở đầu tiên khi bước vào nghề. Khi chứng kiến, người chị toát đầy mồ hôi, tay thì run vì lo sợ. Nhưng rồi, chỉ mấy phút sau thôi chị đã phấn chấn, hoạt bát trở lại khi thấy người bệnh nhè nhẹ thở và bắt mạch thấy đập rõ ràng. Chị biết, vậy là ca cấp cứu đã thành công. Và sau ca trực lần đầu tiên đó, chị trở nên bình tĩnh, chuẩn xác và yêu cái nghề mà mình đã chọn nhiều hơn - cái nghề “giành giật từng nhịp tim, hơi thở của người bệnh từ bàn tay lôi kéo của tử thần” như chị tâm sự. Nhận thức được vai trò quan trọng của người thấy thuốc đối với người bệnh, chị đã cố gắng sắp xếp thời gian tham gia học tập nâng cao tay nghề để phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn. Từ một y tá sơ học, đến năm 2006 chị đã hoàn thành chương trình cử nhân điều dưỡng của trường Đại học Y dược TP.HCM. “Với tấm lòng của người làm công tác ngành y chắc ai cũng muốn chia sẻ, cùng đau với nỗi đau của người bệnh, vui khi người bệnh được khỏe mạnh, nguyên vẹn về thể chất lẫn tinh thần để trở về với mái ấm gia đình. Thế nhưng, điều làm mình trăn trở nhất là làm sao cho mọi nhân viên y tế trong thực hiện nhiệm vụ của mình luôn hết lòng vì người bệnh từ khâu tiếp đón ban đầu, đến theo dõi, chăm sóc, thực hiện chính xác các y lệnh điều trị. Quan tâm đến việc ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân, động viên, tư vấn giáo dục sức khỏe để người bệnh an tâm điều trị…”, chị Hà bộc bạch.

BS Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa ngoại tổng hợp Trung tâm Y tế huyện Bến Cát cũng có thâm niên gắn bó với ngành y hơn 30 năm nay. Anh chia sẻ rằng, từ những ngày đầu chọn nghề y để gắn bó mỗi thầy thuốc đều phải đọc lời thề Hippocrates. Đó là lời thề danh dự và mỗi người phải toàn tâm, toàn ý với công việc mình đang làm. Thực hiện lời thề đó chính là y đức của người thầy thuốc. Vừa làm công tác quản lý, vừa làm công tác chuyên môn nên anh phải sắp xếp công tác sao cho phù hợp. Thấm nhuần lời Bác dạy “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, dù trong hoàn cảnh nào anh cũng luôn nhắc nhở mình phải xem người bệnh như người thân yêu của mình, đặt lợi ích của BN lên trên lợi ích của bản thân. Điều đó đã thể hiện rõ nét qua công việc hàng ngày của anh. Những lúc bệnh đông hay có bệnh cấp cứu, dù không phải là ca trực của mình, nhưng nếu đồng nghiệp nhờ hỗ trợ thì anh luôn sẵn sàng. Có những khi đêm khuya đang nghỉ ở nhà, nhưng có BN nhập viện cấp cứu cần hội chẩn, sự giúp đỡ của anh là anh có mặt. Bởi thế, điện thoại của anh luôn ở chế độ mở và tinh thần luôn ở trong tư thế thường trực cấp cứu BN.

Y đức vẫn đứng hàng đầu

Trong thời gian qua, ở đâu đó vẫn có sự than phiền của người bệnh trước thái độ cư xử lạnh lùng, thờ ơ của nhân viên y tế, những hành vi thiếu đạo đức nghề nghiệp hay sự xuống cấp về y đức… Điều đó là có thật, nhưng nếu mang ra so sánh với sự đóng góp, cống hiến quan trọng của các thế hệ thầy thuốc thì đó chỉ là những con sâu mà thôi. Trong trái tim hồng của những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng vẫn đập nhịp đập yêu thương và đang ngày đêm ra sức giành giật với tử thần sự sống của người bệnh. Đó không chỉ là nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã giao phó, mà còn là lương tâm, trách nhiệm của mỗi thầy thuốc - những người vinh dự được Bác Hồ chỉ dạy, được xã hội tôn vinh “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.

Là giám đốc một bệnh viện, nhưng BS Nguyễn Văn Hóa, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng (ĐD-PHCN) vẫn thường xuyên tham gia khám, điều trị bệnh cho BN. BS Hóa còn là người khơi mào và cùng tham gia với đồng nghiệp trong nhiều chuyến khám bệnh từ thiện cho người khuyết tật. Tiếp xúc với ông, ai cũng nhận ra sự điềm đạm, từ tốn, nhẹ nhàng trong giao tiếp ứng xử với nhân viên cũng như người bệnh đang điều trị. Tất cả cán bộ, công nhân viên trong bệnh viện đều được quán triệt tinh thần phục vụ người bệnh: “BN đến tiếp đón niềm nở. BN ở chăm sóc tận tình. BN về dặn dò chu đáo”. Chính vì triển khai và thực hiện tốt điều này, nên Bệnh viện ĐD-PHCN đã nhận được sự tín nhiệm cùng nhiều lời khen ngợi, cảm ơn từ phía BN về thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo của người thầy thuốc đối với BN. Chia sẻ với chúng tôi, BS Hóa bảo rằng, mỗi người thầy thuốc đã chọn ngành y là phải có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Y đức thể hiện bằng lòng nhiệt huyết của người thầy thuốc đối với nghề nghiệp, sẵn sàng phục vụ BN vô điều kiện, phải thấy được nỗi đau của người bệnh là nỗi đau của người thân ruột thịt của mình. Họ phải luôn tận tâm với người bệnh trong chăm sóc, điều trị, giao tiếp ứng xử. Không quản ngại khó khăn gian khổ trong việc phục vụ người bệnh dù bất cứ giờ nào, ở đâu. Giữa người thầy thuốc với thầy thuốc, phải biết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và phải có trách nhiệm đào tạo thế hệ thầy thuốc tiếp nối. BS Hóa chia sẻ: “Qua 34 năm công tác trong ngành y, tôi rất tâm đắc với nghề mình đã lựa chọn. Soi rọi qua thời gian làm việc, tôi đã làm tất cả những gì mà mình có thể làm được để đem lại sức khỏe cho người bệnh. Tất nhiên, trong khoảng thời gian công tác lâu như vậy, cũng có những niềm vui, nỗi buồn nhưng niềm vui lớn nhất của tôi là được phục vụ người bệnh, là đấu tranh với tử thần để mang lại sự sống cho người bệnh và điều trị cho họ trở về đời sống khỏe mạnh…”.

Thầy thuốc ưu tú - BS Đào Thị Mỹ Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cũng quan niệm, y đức là điều vô cùng quan trọng đối với thầy thuốc và mọi người đều phải thực hiện được không ngoại trừ một lý do gì. “Ở đơn vị mình, vi phạm về y đức sẽ bị kỷ luật rất cao. Mình là thầy thuốc ở đây, nhưng ở bệnh viện khác người nhà mình cũng là BN. Ở đó, nếu mình chịu không nổi trước những biểu hiện thiếu y đức của người thầy thuốc, thì thử hỏi làm sao người bệnh chịu nổi. Phải luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh để làm việc cho tốt. Vì thế, mình luôn nhắc nhở nhân viên trong đơn vị và cả bản thân mình phải nêu cao y đức trong phục vụ người bệnh. Đừng vì một lý do nào đó mà làm trái lương tâm, làm trái y đức nghề nghiệp. Bí quyết thành công trong công tác của mình muốn chia sẻ với những thầy thuốc trẻ đó là, luôn gần gũi, lắng nghe BN…”, BS Phượng nói.

BS Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế nói rằng, bảo vệ, chăm sóc và tăng cường sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ rất nặng nề, song cũng rất vẻ vang. Bác Hồ đã từng căn dặn “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Lời Bác dạy cũng chính là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành y tế. Các thế hệ thầy thuốc tỉnh nhà đã và đang không ngừng phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác, ra sức thi đua phục vụ người bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Giám đốc Sở Y tế, BS LỤC DUY LẠC: “Nhiệm vụ của ngành y tế khá nặng nề, nhưng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, với sự hỗ trợ của các sở, ngành, đoàn thể, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế sẽ phát huy phẩm chất cao đẹp của người cán bộ y tế, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hăng hái thi đua lao động vượt khó để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm nay, góp phần quan trọng vào thắng lợi của kế hoạch 5 năm 2011-2015”.

 

HỒNG THUẬN