Tái xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo trên mạng
(BDO) Sau vài tháng im ắng, gần đây, thủ đoạn giả danh cán bộ thuế gọi điện thông báo hoàn tiền thuế thu nhập cá nhân hay cung cấp đường link và hướng dẫn người nộp thuế cài đặt các phần mềm, ứng dụng giả mạo xuất hiện trở lại.
“Bình cũ rượu mới”
Sáng 12/3, anh Hoàng Nam (ngụ thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) nhận được cuộc gọi qua số điện thoại 0816038316, của một người tự xưng là cán bộ Phòng tuyên truyền và hỗ trợ thuộc Chi cục thuế Quận 3, thông báo anh có một khoản hoàn thuế thu nhập cá nhân của năm 2021 chưa nhận.
Theo như người gọi thông báo, anh Nam có một khoản hoàn thuế hơn 2,6 triệu đồng và yêu cầu anh chuẩn bị thông tin cá nhân để lên Chi cục thuế là thủ tục.
Người này dặn khi đến thì trình CCCD kèm mã số mà Chi cục thuế đã nhắn qua điện thoại để nhận tiền hoàn thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, do anh Nam đang lái xe và cũng có hiểu biết chút về thông tin thuế nên thẳng thừng từ chối và ngắt cuộc gọi.
Thông tin cảnh báo của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh.
“Tôi nghĩ, mình làm cơ quan nhà nước, thu nhập đóng thuế hay hoàn thuế đều do phòng Tài vụ của cơ quan thực hiện. Bản thân tôi không kinh doanh hay có thu nhập gì bên ngoài, không thể có khoản tiền hoàn chưa nhận. Do đó, tôi có trả lời cảm ơn và bảo với người này cơ quan tôi sẽ làm thủ tục hoàn thuế cho tôi. Thế nhưng, người gọi điện cho tôi đã gắt gỏng bảo là “tiền thuế cơ quan đóng là từng quý, còn đây là tiền hoàn thuế cá nhân trong đợt dịch 2020 - 2021, không liên quan gì đến cơ quan cả” rồi cúp máy”, anh Nam kể lại.
Qua tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức với Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, cơ quan này khẳng định trường hợp trên là lừa đảo, vì Phòng tuyên truyền và hỗ trợ không có chức năng liên hệ với các cá nhân để làm thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân. Vì thế, cơ quan thuế cũng cảnh báo người dân khi nhận được điện thoại xưng là cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thông tin cần hết sức cẩn trọng.
Từ cuối năm 2023 đến nay, cơ quan thuế nhiều địa phương cũng đã phát đi thông báo cảnh giác với những cuộc gọi điện thoại giả danh cán bộ thuế để cung cấp đường dẫn và hướng dẫn người nộp thuế cài đặt các phần mềm, ứng dụng, giả mạo cơ quan thuế để chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền của người dân...
Bên cạnh các hình thức lừa đảo bằng cách gọi điện hướng dẫn cài đặt các ứng dụng dịch vụ công, giả mạo cán bộ thuế hay công an, hình thức lừa đảo liên quan đến đầu tư tài chính cũng đang nở rộ. Cụ thể ngày 11/3, Amazon Global Selling Việt Nam đã phát đi thông báo cảnh giác có những đối tượng mạo danh Amazon yêu cầu các đối tác bán hàng, khách hàng chuyển tiền đầu tư kinh doanh.
Theo Amazon Global Selling Việt Nam, đơn vị không bao giờ yêu cầu khác hàng hay đối tác, người dân chuyển tiền đầu tư hoặc thực hiện bất cứ thanh toán online vào một chương trình đầu tư nào; đồng thời khẳng định mọi yêu cầu như vậy đều là hành vi lừa đảo và không liên quan đến đơn vị. Để tránh bị lừa đảo, mọi khách hàng và đối tác nên liên hệ qua các kênh chính thức của đơn vị và báo cáo các hành vi đáng ngờ này để Amazon Global Selling Việt Nam có thể điều tra.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, hình thức lừa đảo liên quan đến đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền mã hóa phổ biến và không mới. Đáng chú ý, việc giá của một số đồng tiền mã hóa, tiền ảo tăng trong thời gian gần đây đã khiến hình thức lừa đảo này quay trở lại. Theo đó, các đối tượng lừa đảo đã liên tục tăng hoạt động quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tiền mã hóa trên không gian mạng thông qua các sàn giao dịch, các website mà đối tượng đưa ra.
Thống kê của cơ quan chức năng mới đây, Việt Nam hiện có tới gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số trong khi Nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào. Đáng nói là, số nạn nhân bị lừa đảo đầu tư tiền ảo tại Việt Nam có thể chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, Công an một số tỉnh, thành phố đã liên tiếp nhận đơn trình báo của người dân về việc bị lừa số tiền từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng. Cá biệt, có nạn nhân bị lừa nhiều nhất tới 57 tỷ đồng.
Nhận diện các chiêu lừa đảo
Mặc dù chiêu trò của các đối tượng lừa đảo không mới nhưng rất tinh vi nên khiến nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy. Cụ thể, với trường hợp mạo danh cán bộ thuế yêu cầu cài đặt ứng dụng dịch vụ công để nộp thuế hay hoàn thuế, các đối tượng lừa đảo đã khéo léo dẫn dắt nạn nhân cài đặt ứng dụng theo đường link mà các đối tượng này cung cấp thông qua Zalo để xác nhận thông tin. Tuy nhiên, sau khi truy cập vào đường dẫn trang web trên thì máy điện thoại bị treo. Lúc này, kẻ giả danh sẽ chiếm quyền truy cập vào điện thoại và sao chép các thao tác truy cập thẻ, tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP của nạn nhân và chiếm đoạt số tiền trong tài khoản.
Để tránh bị lừa đảo, Tổng Cục thuế cảnh báo doanh nghiệp và người dân không nhận các bưu phẩm có trả tiền "Tài liệu Luật Thuế". Trường hợp khi gặp nghi vấn, người nộp thuế nên liên hệ các đầu mối của Cục Thuế, Chi cục thuế trên địa bàn để được hỗ trợ qua số điện thoại được niêm yết trên Trang thông tin điện tử của các Cục Thuế có tên miền quốc gia Việt Nam ".vn". Trường hợp nhận được các tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi bất thường hay có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến lĩnh vực thuế, người nộp thuế cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn, số điện thoại hoặc ghi âm cuộc gọi. Người nộp thuế đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của cơ quan Công an và cơ quan thuế nơi gần nhất, đề nghị xem xét xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật. Các thông tin liên quan đến công tác của cơ quan thuế với người nộp thuế đều được công khai tại địa chỉ website: gdt.gov.vn.
Với phương thức đầu tư tài chính dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp, các đối tượng lừa đảo thường quảng cáo các sàn này đều có nguồn gốc từ nước ngoài, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao, an toàn, có thể rút vốn bất cứ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian. Chính vì thế, các đối tượng đã thu hút được rất nhiều người tham gia.
Sau khi nhà đầu tư tham gia vào nhóm (Zalo, Telegram), các đối tượng và thành viên trong nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện để thuyết phục nhà đầu tư tham gia giao dịch đầu tư tài chính cũng như mua bán tiền ảo, tiền mã hóa. Để tạo “uy tín”, thời gian đầu, chúng trả hoa hồng cho các nhà đầu tư rất đúng hạn. Thậm chí, có những nhà đầu tư “chim mồi” liên tục khoe chiến tích chốt lời để kích thích lòng tham của nạn nhân. Khi nạn nhân chuyển số tiền lớn thì các app bị sập và biến mất.
Thực tế tại Việt Nam, khung pháp lý để điều chỉnh, quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tiền mã hóa chưa cụ thể, rõ ràng, người dân vẫn có thể tham gia giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa công khai trên không gian mạng và qua các sàn giao dịch quốc tế cũng như các sàn giao dịch trong nước hoặc thông qua ứng dụng OTT, hay trên các hội nhóm, diễn đàn.
Do đó, để tránh bị lừa đảo, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, đặc biệt là không gian mạng. Đặc biệt, người dân cần tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường cùng với các khoản phí không rõ ràng; tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư.
Nếu muốn đầu tư tài chính, người dân cũng cần tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư; nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo. Trong trường hợp gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, đừng ngần ngại liên hệ với cơ quan Công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Theo TTXVN