Tại sao Mỹ và phương Tây đánh giá sai sức mạnh quân sự của Nga?
(BDO) Do chỉ chú tâm vào những hạn chế về trang bị quân sự của Nga nên phương Tây đã đánh giá thấp sức mạnh quân sự của nước này.
Các chương trình cải cách quân sự của Nga đã bị hiểu sai và sức mạnh quân sự của Nga đã bị Mỹ và phương Tây đánh giá thấp - đó là kết luận của một báo cáo mới đây của Ủy ban Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR).
Đặc nhiệm Nga. Ảnh: Armyromantic.ru
Những điểm yếu về chiến thuật và chiến dịch của quân đội Nga đã bộc lộ ở cuộc chiến với Cộng hòa Gruzia năm 2008, khi các lực lượng Gruzia được Mỹ huấn luyện tỏ ra chiếm ưu thế về khả năng cơ động và sự hiện đại về trang thiết bị, vũ khí.
Đây có thể là một trong những động lực để Nga thúc đẩy chương trình cải cách quân sự quy mô lớn nhất (được gọi là “tầm nhìn mới”) kể từ những năm 1930. Chương trình cải cách này được chia làm 3 giai đoạn khác nhau:
Một là, nâng cao trình độ nghiệp vụ thông qua đánh giá toàn diện công tác huấn luyện nhân sự và cắt giảm số quân nghĩa vụ; hai là, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu với cơ cấu chỉ huy được tổ chức hợp lý và tăng cường diễn tập huấn luyện; ba là, hiện đại hóa vũ khí và nâng cấp trang thiết bị.
Mỹ và châu Âu chủ yếu tập trung vào giai đoạn thứ ba và gần như không đánh giá được đầy đủ những cải cách này của quân đội Nga, bỏ qua sự tiến bộ quan trọng mà Nga đã đạt được ở giai đoạn thứ nhất và thứ hai.
Một cách lặng lẽ, quân đội Nga đã giải quyết được một trong những điểm yếu lớn nhất từ thời Xô viết và Sa hoàng, trình làng một lực lượng hạ sĩ quan dự bị được huấn luyện một cách chuyên nghiệp. Báo cáo của ECRF chỉ ra rằng: “Lần đầu tiên, quân đội Nga đã có một cơ cấu hình chóp, với ít lãnh đạo cấp cao và nhiều sĩ quan phục vụ hơn”.
Bên cạnh đó, mức lương của sĩ quan cũng tăng gấp 5 lần và nhiều phương pháp quản lý hiện đại hơn đã được áp dụng.
Những cải cách này cũng góp phần tiết kiệm chi phí, dành ngân sách để đầu tư nâng tỷ lệ phần trăm “quân nhà nghề” trong các lực lượng vũ trang của Nga. Điều này cho phép các lực lượng được trang bị phương tiện công nghệ cao hơn (quân nghĩa vụ phục vụ thời gian quá ngắn để có thể được huấn luyện sử dụng một cách có hiệu quả các hệ thống vũ khí phức tạp) và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tinh nhuệ (lính dù, hải quân đánh bộ và lực lượng đặc nhiệm).
Hệ thống giáo dục quân sự cũng được cải cách mạnh mẽ - một phần dựa trên mô hình của Thụy Sĩ và Áo – với mục tiêu đưa vào “những kỹ thuật lãnh đạo tiên tiến nhất”. Ngoài ra, quân phục và phương tiện cá nhân cũng được cải tiến nhằm thúc đẩy tinh thần và niềm tin của quân đội.
Giai đoạn hai của chương trình cải cách được tiến hành bằng việc cơ cấu lực lượng chỉ huy hợp lý và tổ chức lại các lực lượng vũ trang Nga thành các đơn vị nhỏ hơn nhưng có tính cơ động cao hơn. Theo đó, cách thức huy động lực lượng cũ – triệu tập quân dự bị để tăng cường sức mạnh chiến đấu, và lực lượng chỉ huy về mặt hành chính không cần thiết đã bị loại bỏ: “Các quân khu được chuyển thành các bộ tư lệnh tác chiến hiệp đồng và số lượng được giảm xuống. Điều này giúp giảm mạnh các tầng nấc chỉ huy khi các thuộc khu hiện tại có thể tiếp cận tất cả các lực lượng lục, không, hải quân trong khu vực của họ”, theo báo cáo của ECFR.
Ngoài ra, số lượng các cuộc diễn tập quân sự cũng tăng lên đáng kể và “các cuộc tập trận chớp nhoáng” được thực hiện liên tục, nhằm kiểm chứng khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị đổ bộ đường không và các lữ đoàn “tầm nhìn mới” (các đơn vị mới có khả năng triển khai trong vòng 24 giờ). Mặc dù chưa đạt được các mức sẵn sàng chiến đấu cao như vậy nhưng cần phải nhớ rằng trước khi cải cách thì các sư đoàn của Nga phải mất khoảng 1 năm chuẩn bị trước khi triển khai tới được Chechnya.
Chương trình cải cách đã giúp Nga có khả năng duy trì một lực lượng từ 40.000 đến 150.000 quân có khả năng sẵn sàng chiến đấu 100% dọc biên giới Nga – Ukraine nhiều tháng trời, trong khi vẫn tiến hành các cuộc tập trận với khoảng 80.000 quân ở các khu vực khác của đất nước.
Chính khi đang phân tích giai đoạn cuối cùng chương trình cải cách quân sự của Nga thì các chuyên gia quân sự phương Tây đã phạm sai lầm do quá chú trọng vào những khó khăn mà ngành công nghiệp quốc phòng Nga gặp phải trong việc cung cấp các công nghệ quân sự mới, từ đó kết luận rằng các cuộc cải cách của Nga đã thất bại. ECFR đánh giá: “Đây là một sự hiểu sai về bản chất các giai đoạn cải cách quân sự của Nga. Những giai đoạn đầu không nhằm tạo ra một quân đội mới về mặt trang thiết bị, mà là nhằm đảm bảo rằng các trang thiết bị hiện có ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao và tổ chức lực lượng có hiệu quả và chuyên nghiệp hơn”.
Chính nguyên nhân này đã khiến giới chuyên gia quân sự phương Tây “đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Nga và bỏ qua những khái niệm chiến dịch mới, chẳng hạn như biện pháp độc đáo của Nga kết hợp các phương pháp tác chiến chính quy và phi chính quy cùng với nhau”.
Theo VOV