Tại sao dân ta mà không biết sử ta?

Thứ ba, ngày 09/08/2011

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta- Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thế nhưng, kết quả môn thi lịch sử của các trường đại học, cao đẳng năm vừa qua thấp đến không ngờ, nhiều trường đại học có trên 98% bài thi môn sử dưới điểm trung bình, rất nhiều thí sinh bị điểm 0 môn sử... cho thấy giới trẻ hiện nay không mấy thiết tha với lịch sử nước nhà.

Lý giải về nguyên nhân tại sao điểm thi môn lịch sử lại thấp đến như vậy, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên và kể cả học sinh... đều cho rằng do đề thi môn sử năm nay khó, các câu hỏi không tập trung vào một bài cụ thể mà dàn trãi, nên đòi hỏi thí sinh phải nắm vấn đề một cách xuyên suốt mới có thể làm tốt bài thi. Trong khi đó, đối với môn sử hầu hết các em học sinh đều học vẹt, không hiểu tường tận vấn đề, không xâu chuỗi được sự kiện... Những lý giải trên thoạt nghe qua tưởng chừng có lý, nhưng khi đi sâu phân tích cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả điểm thi môn lịch sử thấp suy cho cùng vẫn là cách dạy và học môn lịch sử ở trường phổ thông còn thiếu căn cơ, người dạy thì dạy cho lấy có, còn người học cũng chỉ học cho qua. Kết quả điểm thi như là hàn thử biểu đo “độ nhạy” của học sinh và kết quả đã làm cho mọi người phải giật mình!

Không phải đến bây giờ người ta mới giật mình mà điều này đã được cảnh báo từ rất lâu. Còn nhớ, tại TP.HCM một thời người ta cho dựng rất nhiều pa-nô trên các trục đường nhằm kêu gọi “Dân ta phải biết sử ta”, bằng cách tóm tắt tiểu sử các danh nhân, những trận đánh, chiến dịch được đặt tên đường... Báo chí cũng từng hao tốn giấy mực đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, người ta chỉ “nghe rồi để đó” mà chưa thấy được hệ lụy của việc lơ là lịch sử nước nhà! Làm sao một công dân hun đúc được lòng yêu nước khi không am tường lịch sử nước nhà, chân dung các vị tiền hiền hay sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân tộc thông qua những bài học lịch sử? Làm sao huy động được sức mạnh toàn dân tộc vào việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ khi giới trẻ không biết yêu những bài học giữ nước được đúc kết từ xương máu của các thế hệ cha ông đi trước?

 Không riêng môn lịch sử và các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như văn học, địa lý..., mà ngay cả môn toán cũng đang có nguy cơ thụt lùi. Kết quả kỳ thi toán quốc tế mới đây cũng cho thấy điều này và được người ta lý giải đây là những môn học, ngành học mà sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc làm và nếu có việc làm thì đồng lương cũng rất thấp. Chính vì thực dụng, chạy theo những ngành học dễ kiếm việc làm và kiếm được nhiều tiền đã khiến học sinh lơ là với các môn học có thể nói là cơ bản nói trên. Sẽ như thế nào nếu một dân tộc mà trong đó tất cả đều chạy theo tiền? Chính vì vậy mà tại diễn đàn Quốc hội mới đây, khi đề cập vấn đề này, Tiến sĩ sử học Huỳnh Ngọc Đáng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cho rằng: “Nếu cho hàng ngàn điểm 0 trong môn sử là bình thường thì đó là bình thường về thực tế thiếu trách nhiệm...”. Và theo ông Huỳnh Ngọc Đáng thì ngành giáo dục “cần nhiều hơn tinh thần trách nhiệm trước thực trạng giáo dục”.

Thiết nghĩ, chúng ta thường tự hào là “con Rồng, cháu Tiên” thì phải biết phát huy truyền thống của cha ông và tự hào với bề dày lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, để từ đó nghiêm túc hơn với việc dạy và học môn sử.

LÊ QUANG