Tại sao “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc bị tắc ở Thái Lan?

Thứ sáu, ngày 06/05/2016

(BDO) Thái Lan đã không chấp thuận việc Trung Quốc triển khai dự án “Con đường tơ lụa” trên lãnh thổ Thái Lan với lý do là “vì lợi ích quốc gia”. 

Mối quan hệ tốt đẹp giữa Thái Lan và Trung Quốc cũng không giúp thay đổi quyết định của giới lãnh đạo Thái Lan. Ảnh Wiki

Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều lãnh đạo nước này đã đưa ra một dự án mang tên “Một vành đai – Một con đường” hay được so sánh một cách ví von như là một “Con đường tơ lụa” như thời cổ đại. Dự án này nối cực Đông của Trung Quốc tới tận châu Âu, đi qua một loạt các quốc gia châu Á. Sau 3 năm, dự án đang bị “tắc” ở Thái Lan.

Trải qua 4 thập kỷ, mối quan hệ bền vững giữa Trung Quốc và Thái Lan gần như trật bánh bởi thất bại trong việc đạt một thoả thuận cuối cùng về xây dựng hệ thống sắt cao tốc xuyên Thái.

Sau 9 vòng đàm phán qua lại kể từ hồi tháng 1/2015, Thái Lan bất ngờ tuyên bố sẽ không vay vốn của Trung Quốc để thực hiện dự án và theo Thủ tướng nước này Prayut Chan-Ocha thì đó là “vì lợi ích quốc gia”.

Tuyên bố của ông Prayut được đưa ra hồi cuối tháng 3, tại thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-Ocha mạnh dạn tuyên bố rằng Thái Lan sẽ bỏ dự án tàu cao tốc với Trung Quốc trong thời gian này. Sau đó, ông cho hay, Bangkok sẽ thực hiện một dự án đường sắt của riêng họ.

Thái Lan dừng dự án trong mơ của mình

Sau tuyên bố của ông Prayut, quan hệ Thái–Trung đang thay đổi và trở nên phức tạp hơn với những tính toán chiến lược.

Từ lâu, siêu đường sắt trị giá 15 tỷ USD này được coi là dự án trong mơ của Thái Lan. Hiện tại, hệ thống đường sắt của Thái Lan cũ kỹ với những toa tầu rỉ sét. Nếu thực hiện, hệ thống đường sắt cao tốc mới sẽ nối liền các thành phố quan trọng trong cả nước, đặc biệt là Chiang Mai ở phía Bắc, Nong Khai, Nakhon Ratchasima ở Đông Bắc và Hai Yai ở phía Nam, gần biên giới Malaysia. Từ Hai Yai có thể kết nối với Malaysia để tới tận Singapore.

Cơ hội đến khi Trung Quốc muốn mở rộng kết nối của họ theo sáng kiến “Một vành đai – Một con đường”, bao gồm xuất nhập khẩu công nghệ, vận hành và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thái Lan đã hồi đáp bằng sự nhiệt tình và muốn là bên đầu tiên khai thác đề án.

Trước khi chính quyền quân sự tiếp quản đất nước vào năm 2014, các chính phủ trước đó đã tổ chức những cuộc thảo luận và ký kết nhiều văn bản ghi nhớ về một số dự án đường sắt đã được đề xuất.

Tuy nhiên, công việc thực sự bắt đầu với Tướng Prajin Junthong, người giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từ tháng 5/2014 đến tháng 8/2015. Ông đã vui mừng đến mức muốn khởi công nhanh tuyến đường sắt dưới quyền lãnh đạo của ông. Vì vậy, ông thúc đẩy việc sớm kết thúc dự án. Nhưng tất cả đều dừng lại.

Trung Quốc giảm lãi suất, Thái Lan vẫn không vay tiền

Những báo cáo trước đó cho thấy mức lãi suất cao hơn 2%, là trở ngại chính, nhưng thực sự không phải vậy. Lãi suất 2% mà Thái yêu cầu đã được giải quyết. Trung Quốc thậm chí sẵn sàng giảm lãi xuất và giá của những gói thầu khác.

Giới truyền thông Thái Lan và Trung Quốc đã đưa các tin bài khác nhau để thuyết phục người dân. Truyền thông Thái Lan tập trung vào lãi suất và nhấn mạnh nó là lý do chính của vấn đề tại sao các cuộc đám phán về tuyến đường sắt tiếp tục bị trì hoãn.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin chủ yếu nhấn mạnh việc đàm phán trơn tru và ổn định tiến bộ về các vấn đề liên quan đến thiết kế, giá cả và những thứ khác.

Thực sự, những cuộc tranh giành xảy ra khi cả 2 bên đều kiêm quyết giữ vững lập trường. Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan Ning Fu Kui và người tiền nhiệm Guan Mu bày tỏ sự thất vọng cho những gì đã diễn ra.

Họ nói rằng tình bạn 40 năm không thể giúp gì cho cuộc những cuộc đàm phán, thứ cần dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau để đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, trong một cuộc cải tổ nội các hồi cuối tháng 8 năm ngoái, Prajin được thay thế bởi Arkhom Termpittayapaisith, một nhà kỹ trị với nền tảng kỹ thuật.

Sau đó, đàm phán đã có những bước đột phá ấn tượng khi Arkhon tập chung vào các khía mạnh mà Prajin đã lãng quên – như những tác động lâu dài đến môi trường, mô hình thiết kế và quan trọng nhất trong tất cả, nghiên cứu tính khả thi bí mật trong dự án. Những yêu cầu mới đã gây một số khó chịu cho các nhà đàm phán Trung Quốc.

Giống như sát muối vào vết thương, Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak tiếp quản công việc của Prajin, giám sát các vấn đề ngoại giao và kinh tế. Ông đột nhiên đề xuất dự án nên làm theo các mô hình mà Lào sử dụng các ưu đãi về khoản vay và đầu tư của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những nhà đàm phán Trung Quốc cảnh báo phía Thái Lan, 6 khoản cung cấp cho Lào không phù hợp với quốc gia này. Trung Quốc trích dẫn 2 ví dụ: Thứ nhât, Lào đã đồng ý bao gồm các đặc quyền của khu vực thuộc đường sắt đến việc cho phép Trung Quốc khai thác gỗ.

Thứ hai, điều kiện cho phép bồi thường theo hình thức nhượng khoáng sản. Những điều kiện này được đặt ra để dành riêng cho Lào. Ví dụ, doanh thu trong tương lai từ một mỏ bauxite và 3 mỏ kali ở Lào có thể được dùng để đảm bảo tiền vay của Trung Quốc. Lãi suất hàng năm sẽ là 3% trong thời gian 20 năm và không trả tiền gốc trong 4 năm đầu tiên.

Sau đó, Phó Thủ tướng Somkid yêu cầu Trung Quốc đầu tư vào hệ thống tàu cao tốc Thái Lan nhằm chia sẻ những rủi ro kinh doanh bất kỳ trong tương lai. Điều này gây sốc cho phía Trung Quốc vì đây là một dự án của Thái Lan, không phải của Trung Quốc, dù cả 2 đều hưởng lợi từ việc kết nối. Sự việc diễn ra sau khi cả 2 bên tổ chức lễ khởi công vào hôm 9/12 năm ngoái nhằm đảm bảo việc xây dựng sẽ sớm bắt đầu.

Mô hình kinh doanh được đề suất khá đơn giản. Ông Somkid muốn Trung Quốc là một chủ sở hữu chung – điều mà quốc gia đông dân nhất thế giới tỏ ra khá miễn cưỡng. Đầu tiên, Thái Lan chia tỷ lệ 70:30, với việc Trung Quốc gánh phần lớn rủi ro. Sau đó, tỷ lệ giảm xuống 60:40. Tuy nhiên, các bên vẫn không thể thống nhất.

Sau đó, Trung Quốc đưa ra một yêu cầu mới dựa theo nhu cầu của Thái Lan, sắp xếp lại các đề xuất xây dựng. Các chuyến tàu sẽ chậm hơn, hành trình ngắn hơn, từ Nong Khai đến Keangkhoi và không có tuyến nối từ Keangkoi đến Mabtaput, một khu vực nằm trong Vịnh Thái Lan. Tình trạng chênh lệch giá cả lớn đến từ các đánh giá của 2 bên là khoảng gần 2 tỷ bath (khoảng 600 triệu USD).

Mối quan hệ 40 năm vẫn mỏng manh

Trên bàn đàm phán, phía Trung Quốc đưa ra khả năng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong khi phía Thái Lan kịch liệt phản đối. Họ chỉ ra rằng quyết định của Thái Lan dựa trên lợi ích quốc gia. Thủ tướng Prayut quyết định khởi động chương trình đường sắt của Thái Lan, giữa Bangkok và Nakhon Ratchasima ở Đông Bắc.

Tại cuộc gặp ở thành phố Tam Á, ông Prayut nhắc lại với Thủ tướng Lý Khắc Cường rằng việc kết nối các tuyến đường sắt cần tiến triển. Cách duy nhất để đạt được điều đó là phía Thái Lan phải thực hiện ngay.

Để xoa dịu Trung Quốc, Thái Lan hứa rằng Bắc Kinh sẽ được mời tham gia trong giai đoạn thứ 2 và thứ 3 của việc mở rộng. Tài trợ trong tương lai, công nghệ và các gói thầu sẽ vào tay Trung Quốc.

Thái Lan vẫn xem Trung Quốc như một người hàng xóm lớn và giàu có, kẻ cần phải sẵn sàng cho đi nhiều hơn. Suy nghĩ này có thể gây tổn hại đến mối quan hệ hai nước nhất là nếu xét đến môi trường chiến lược trong khu vực hiện nay.

Theo lịch trình, cuộc gặp tiếp theo sẽ diễn ra ở Bắc Kinh. Liệu Thái Lan có cố gắng để chiều lòng Trung Quốc và ngược lại. “Con đường tơ lụa” mới của Trung Quốc đang gặp đe dọa nghiêm trọng, nhất là trong hoàn cảnh, Ngoại trưởng Nhật Bản vừa mới đến Thái Lan cũng để bàn về việc làm đường sắt./. 

Theo VOV