Tài sản vô giá của người lính năm xưa

Thứ sáu, ngày 21/09/2018

(BDO) Những lúc rảnh rỗi, ông Nguyễn Văn Sắc, cựu chiến binh xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên lại đem những kỷ vật thời chiến ra ngắm nghía, lau chùi… Trong những kỷ vật ấy có những vũ khí do ông cùng đồng đội chế tạo và cả chiếc đèn ancol đồng hành với ông trong suốt cuộc chiến. Tất cả đều được làm từ những trái bom, đạn. Giờ đây, những kỷ vật thời chiến ấy của ông là “kho tàng” vô giá cho thế hệ trẻ hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh, những sáng tạo của cha ông để chiến thắng quân thù.

Kỷ vật thời chiến

Một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi đến Bảo tàng tỉnh Bình Dương để tìm hiểu những hiện vật thời chiến nơi đây. Trong kho, cũng như phòng trưng bày có rất nhiều hiện vật được những chiến sĩ năm nào trao tặng để Bảo tàng tỉnh lưu giữ lại thời gian, minh chứng cho thế hệ trẻ hiểu thêm về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Mỗi hiện vật gắn với một nhân vật, một cái tên. Nó không chỉ có cái tên của hiện vật mà kèm sau đó là tên người tặng, lịch sử của hiện vật ấy. Trong số những cái tên và hiện vật được cán bộ bảo tàng nhắc đến, tôi ấn tượng với ông Nguyễn Văn Sắc, người đã tặng lại cho “ngôi nhà thời gian” này chiếc đèn ancol, đầu đạn… và kèm sau đó là câu chuyện chế tạo vũ khí trong thời chiến.


Ông Nguyễn Văn Sắc
(trái) giới thiệu với ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Bình về vỏ đạn thời chiến

Không dừng lại ở việc nghe, chúng tôi tìm đến nhà ông để biết. Ban đầu là biết để chào hỏi một người nhiều lần nhận danh hiệu chiến sĩ diệt cơ giới, diệt xe tăng; biết để viết lại cho thế hệ tương lai của đất nước biết được cách chế tạo vũ khí ngày xưa như thế nào. Theo hướng dẫn của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, chúng tôi đi theo con đường ĐT741, qua một, hai con hẻm chúng tôi đã tìm đến nhà ông Sắc. Lúc này đây, ông đang chăm sóc cho những chậu cảnh trước sân. Nghe tiếng gọi cửa, ông vui vẻ đón chào khách lạ dù chưa biết tôi là ai.

Gạt đi những thành tích của mình trong chiến tranh, ông bộc bạch: “Ngày ấy thế hệ thanh niên trong xã đều lên đường chiến đấu vì hòa bình, độc lập. Và ông cũng như họ, hết mình cho kháng chiến”. Cứ như vậy câu chuyện thời chiến của ông tuôn chảy từ quá khứ đến hiện tại. Ông tham gia du kích xã khi bước sang tuổi 17. Cái tuổi của những hoài bão, ước mơ chiến thắng mọi kẻ thù để giành lấy độc lập cho quê hương, đất nước. 3 năm làm du kích, ông được phụ trách rất nhiều việc từ hỗ trợ người dân vào vùng an toàn, chống càn, đưa thư… Năm 1968, giặc xây dựng đồn bót, lúc này tránh bị phát hiện ông cùng một số thanh niên trong xã xuống Xóm Cũ (địa danh cũ của xã Tân Bình) để làm vũ khí. Vũ khí do đội ông chế tạo thời kỳ ấy không phải có máy móc hiện đại mà chỉ là những cái cưa để cưa đạn, bom lép của địch. Phát hiện vùng nào có bom lép do địch thả xuống cả đội đi đào mang về. Đào xong cưa lấy thuốc, sau đó nấu lên và đổ vào khuôn làm những trái mìn. Ngày ấy không có khuôn thiếc nên đội ông làm khuôn bằng những hố đất sâu. Sau khi thuốc nguội lấy lên để sử dụng. Còn những trái mìn lép thu gom được, ông cùng đồng đội chế tạo chui gài làm vũ khí chiến đấu. Nói đến đây, ông Sắc cười khà: “Ngày đó ý chí chiến đấu vì quê hương cao lắm nên không ai sợ chết. Thật sự nếu trong quá trình cưa bom chỉ cần sơ suất một tí có thể không tìm được xác. Do đó, đội của ông rất cẩn thận, khéo léo để bảo đảm an toàn”.

Cũng từ những vũ khí thô sơ đó, ông cùng đồng đội đã gài mìn phá cả chục chiếc xe tăng, phá đồn, tiêu diệt bộ binh của giặc. Chứng minh cho điều đó, ông bước vào trong phòng ngủ lấy ra cho chúng tôi xem hơn 10 bằng khen, danh hiệu của mình, trong đó có dũng sĩ diệt cơ giới từ những năm 1972, 1973. Ngoài ra, với những năm tháng chống đế quốc Mỹ, 2 lần ông được tặng danh hiệu dũng sĩ quyết thắng cấp II, III; Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất.

Thắp sáng vùng quê

Trong các hiện vật của ông trao tặng và lưu giữ lại tại nhà có chiếc đèn ancol nhỏ nhỏ, xinh xinh được ông rất trân quý. Cầm chiếc đèn trên tay khoe với chúng tôi, ông bảo: “Nó nhỏ mà có nhiều công dụng!”. Chiếc đèn được ông chế tạo trong thời chiến, nó thắp sáng khi đêm đêm nằm giữa rừng âm u, hay bữa cơm tối cùng đồng đội. Chiếc đèn này được chính tay ông tạo ra từ năm 1970. Thân đèn được làm từ 1/2 quả đạn M72 và 1/2 quả M79, đầu chụp, nắp nhôm là của cối 81, dây inox nhỏ là dây đeo thẻ bài của lính Mỹ, tim đèn là ruột của viết bít và đạn là của súng cabin. Vừa miêu tả các chi tiết của đèn, ông vừa nói: “Ngày ấy không hiểu sao tôi thích chế tạo lắm. Cứ thích cái gì là làm cái đó bằng chính những thứ giặc để lại trên mảnh đất Tân Bình”. Với chiếc đèn nhỏ này, ông có thể mang đi thắp sáng khắp nơi.


Danh hiệu, bằng khen được ông Sắc ép lại cẩn thận

Không chỉ chế tạo cho mình, ông còn tặng cho đồng đội, những người xung quanh. Có lẽ ngày nay khi ánh sáng điện đã thắp sáng tất cả các tuyến đường, tuyến ngõ, sáng bừng trong mỗi căn nhà thì những chiếc đèn dầu này không còn được dùng. Thế nhưng ngày xưa nó là cả một vật quý không phải để bán mà để tặng cho nhau, thắp sáng mỗi đêm về, để xua đi bóng tối của quy luật, bóng tối của quân thù trên quê hương.

Lưu giữ thời gian

Khi ông Sắc đang say sưa tiếp chuyện cùng chúng tôi, vợ ông từ dưới bếp bước lên nói: “Ổng có nhiều hiện vật lắm, giờ ổng cho hết rồi! Gia đình khuyên để lại cho con cháu xem nhưng ông muốn tặng lại bảo tàng, nhà truyền thống. Ổng nói tặng ở đó không chỉ con mình được xem mà thế hệ mai sau có thể hiểu hơn về những năm tháng chiến tranh. Cứ như vậy, từ từ ông tặng hết”. Nói xong 2 vợ chồng ông nhìn nhau cười hạnh phúc.


Chiếc đèn ancol do ông chế tạo

Nhớ về chiến tranh, muốn lưu giữ lại kỷ niệm ngày ấy hiện nay ông còn lưu giữ lại 1 chiếc đèn ancol và vỏ đạn. Lâu lâu nhớ nhớ ông lại đem ra xem. “Tôi thiết nghĩ thế hệ mai sau nếu chỉ biết về kháng chiến qua những trang sách thì khó có thể cảm nhận được. Để hiểu hơn về giá trị lịch sử, tinh thần đấu tranh của quân dân Bình Dương cần phải được xem các hiện vật thời chiến. Xem, ngắm và nghe kể về những hiện vật, các cháu sẽ hình dung thêm phần nào về chiến tranh Việt Nam, chiến đấu bằng những thiết bị thô sơ nhưng lại đã thắng một đế quốc hùng mạnh như Mỹ”. Có lẽ điều ông nói cũng là suy nghĩ của những người từng một thời sống trong mưa bom, bão đạn. Cũng từ suy nghĩ đó họ đã tặng rất nhiều hiện vật cho bảo tàng, nhà truyền thống… để từ đó thế hệ mai sau hiểu, trân quý những giá trị lịch sử.

Câu chuyện giữa tôi và ông cứ vậy tiếp diễn suốt 2 tiếng đồng hồ. Nhiều lúc ông kể rất say sưa về kháng chiến nhưng cũng có khi trầm lặng. Ông bộc bạch: “Cả một thời trai trẻ của tôi đã gắn bó với rừng, với vũ khí. Hòa bình lâu lắm rồi nhưng mỗi đêm những năm tháng chiến tranh ngày ấy cứ ùa về trong tâm trí mình. Rồi hình ảnh những đồng đội ngày ấy, có người đã hy sinh, người còn sống cứ ùa về làm tôi giật mình tỉnh giấc”. Không để ký ức chiến tranh “ngủ say” trong tâm trí, ông kể cho con cháu nghe về những năm tháng hào hùng đó. Và chính những người con, người cháu noi theo tấm gương người cha, người ông đã nỗ lực học tập, trở thành những người công dân có ích cho địa phương, cho quê hương.

Khi những tia nắng trong buổi chiều tà chiếu vào góc sân nhà ông cũng là lúc chúng tôi ra về. Một quãng đường dài từ nhà ông về đến nhà nhưng trong đầu tôi luôn suy nghĩ về hình ảnh của ông. Một dũng sĩ diệt cơ giới, một cựu chiến binh quá giản dị. Và hình ảnh của ông cũng chính là hình ảnh của những người đã qua những năm tháng chiến tranh, họ hùng dũng trước quân thù nhưng rất đỗi nhẹ nhàng, bình dị giữa đời thường. Đặc biệt, họ luôn là tấm gương sáng để thế hệ mai sau noi theo, học tập!

Trao đổi với chúng tôi về ông Sắc, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên nói: “Ông Sắc là một hội viên tiêu biểu, tích cực tham gia công tác hội. Về phía gia đình, mỗi năm đều đạt gia đình văn hóa. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn chung tay giúp đỡ những hội viên khó khăn trong xã. Ông Sắc xứng đáng là tấm gương sáng cho mọi người học tập”.

THIÊN LÝ