Tái nhiễm Covid-19 khác tái dương tính như thế nào

Thứ tư, ngày 16/03/2022

(BDO) Người khỏi Covid-19 một thời gian vẫn có thể nhiễm biến chủng khác, nguy hiểm không kém lần đầu, còn tái dương tính là do xác virus chưa kịp đào thải hết.

Test nhanh Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trần

Chị Thủy Tiên, ngụ thành phố Thủ Đức, mắc Covid-19 cuối tháng 10/2021 với triệu chứng sốt, khó thở, mất mùi, mất vị, gần hai tuần sau xét nghiệm âm tính. Khỏi bệnh, chị tiêm vaccine mũi ba. Đầu tháng 3, chị chăm sóc người thân là F0, sau đó sốt, ho có đờm, đau họng, mệt mỏi, test nhanh hai vạch. "Tôi cứ tưởng mình từng nhiễm, đã tiêm ba mũi vaccine là sẽ miễn nhiễm", chị Tiên nói và cho biết lần này chị bệnh nhẹ, sau 5 ngày là âm tính.

Cũng hai lần dương tính nhưng cách nhau chỉ nửa tháng, anh Minh, ngụ quận 12, không rõ mình tái nhiễm hay dương tính giả, hay chưa khỏi bệnh từ lần trước. Anh kể, lần đầu bị sốt, ớn lạnh, ho nhiều, đau rát họng (triệu chứng đặc trưng của biến chủng Omicron). Ba hôm trước, sau khi âm tính được hai tuần, anh đi ăn cùng nhóm bạn. "Khi về nhiều người test nhanh có kết quả dương tính, tôi cũng thử xét nghiệm thì thấy mình bị hai vạch. Lần này tôi không có triệu chứng, khỏe mạnh bình thường nên tự cách ly", anh Minh nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết không ít người vừa khỏi bệnh một vài tuần, lo lắng nên liên tục test nhanh hay PCR, kết quả đều dương tính. Trường hợp dương tính quá gần thời gian nhiễm lần trước như thế này, bác sĩ Khanh cho là "tái dương tính do xác virus chưa kịp đào thải". "Xác virus vẫn còn tàn lưu trong cơ thể cho kết quả xét nghiệm dương tính giả. Thực tế rất hiếm khi mới hết bệnh vài tuần đã tái nhiễm ngay vì cơ thể đã có miễn dịch", ông nói.

Theo bác sĩ Khanh, cả xét nghiệm PCR lẫn test nhanh kháng nguyên, về bản chất là tìm vật liệu di truyền của virus, không phân biệt virus sống hay xác. Do đó, người đã khỏi nhưng còn tồn lưu xác virus, kết quả xét nghiệm vẫn cho kết quả dương. Trường hợp tái dương tính đã được các nhà khoa học chứng minh là không có nguy cơ lây nhiễm cho người khác, không ảnh hưởng sức khỏe.

Như vậy, trường hợp xét nghiệm dương tính trong khoảng thời gian gần, ví dụ một tháng, không có triệu chứng thì nhiều khả năng là tái dương tính. Còn tái nhiễm là khi mắc chủng khác với triệu chứng rõ rệt (hoặc giải trình tự gene virus thấy rõ chủng virus); nhiễm sau 1-2 tháng kể từ lần nhiễm trước.

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP HCM, cho rằng khi vừa khỏi Covid, cơ thể có khả năng chống được chính chủng virus vừa nhiễm. "Trong 1-2 tháng kể từ lần nhiễm đầu tiên, cơ thể có kháng thể nên sẽ không bị nhiễm lần hai. Từ sau ba tháng trở đi cơ thể có hiện tượng giảm miễn dịch nên có thể tái nhiễm", phó giáo sư Dũng nói.

Có ba khả năng xảy ra với người tái nhiễm. Một là nhiễm chủng virus khác. Thực tế cho thấy trong đợt dịch này, một số người từng mắc chủng Delta có thể tái nhiễm chủng Omicron. Theo phó giáo sư Dũng, những biến chủng mới nCoV xâm nhập vào các tế bào cơ thể rất nhanh khi kháng thể chưa kịp nhận diện và tấn công chúng, do đó có thể xảy ra việc tái nhiễm giữa các biến chủng khác nhau. Còn bác sĩ Khanh cho rằng "một người sau khi nhiễm chủng Delta có thể nhiễm chủng Omicron" nhưng tỷ lệ thấp, khoảng 5-10%. Trường hợp này, thông thường lần nhiễm sau triệu chứng nhẹ hơn lần trước, vì bản chất Omicron là bệnh nhẹ, chưa kể lần mắc bệnh trước đã cung cấp cho cơ thể một lượng kháng thể nhất định.

Trường hợp tái nhiễm thứ hai là nhiễm nhiều thể khác nhau cùng một chủng - như chủng Omicron có nhiều thể phụ. Do đó cũng có thể xảy ra nguy cơ tái nhiễm với các dòng khác nhau của chủng này. Tuy nhiên theo bác sĩ Khanh, thế giới đến nay hiếm gặp trường hợp mắc Omicron BA.1 rồi nhiễm BA.2 (thể phụ), và cũng chỉ gặp ở người có cơ địa đặc biệt. Một nghiên cứu tại Đan Mạch cho thấy tỷ lệ này là một vài phần triệu.

Trường hợp tái nhiễm thứ ba là nhiễm chính chủng virus đã mắc, sau khoảng hai tháng kể từ lần nhiễm trước. Phó giáo sư Dũng nói khả năng tái nhiễm cùng một chủng virus trong khoảng hai tháng sau khỏi Covid là thấp. "Có người cho biết mắc Covid-19 nhiều lần, song thực tế họ chỉ bị nhiễm hai lần với hai biến chủng Delta và Omicron, những lần khác có thể do xét nghiệm không chính xác, nhất là khi chỉ số CT cao", ông Dũng phân tích.

Chỉ số CT là giá trị chu kỳ ngưỡng trong xét nghiệm sinh học phân tử, còn gọi xét nghiệm PCR, là số chu kỳ mà máy xét nghiệm phát hiện được sự có mặt của vật chất di truyền virus - hay được gọi là tải lượng (hoặc nồng độ) virus trong cơ thể. Giá trị CT càng cao thì số lượng virus trong mẫu xét nghiệm càng thấp, tức nồng độ virus trong cơ thể thấp, do đó khả năng lây truyền càng giảm.

Theo phó giáo sư Dũng, mới đây, một nghiên cứu của Qatar cho thấy người đã nhiễm chủng Omicron BA.1 thì sẽ được bảo vệ khỏi sự tái nhiễm với dòng phụ BA.2 và ngược lại. Ông nói rằng "khả năng bảo vệ không tuyệt đối 100% nên cá biệt vẫn có người bị nhiễm Omicron hai lần, nhưng rất hiếm".

Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê nào về tỷ lệ tái nhiễm, tái dương tính Covid-19.

Với những phân tích như trên, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, lưu ý mọi người cần phân biệt giữa tái nhiễm và tái dương (tái hoạt) của virus để tránh hoang mang. Tái nhiễm nguy hiểm hơn tái dương, bởi tái nhiễm là lần mắc mới và cần điều trị như ca bệnh mới.

Dữ liệu Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), tỷ lệ tái nhiễm tại nước này tăng gấp 15 lần kể từ khi Omicron xuất hiện. Theo các nhà khoa học, hiện tượng tái nhiễm ngày càng nhiều là do khả năng miễn dịch của cộng đồng suy yếu, không còn đủ để ngăn ngừa virus. Sự xuất hiện của biến chủng mới như Delta, Omicron khiến hệ miễn dịch khó nhận biết, virus có thể lẩn tránh. Bên cạnh đó, nCoV hầu như xâm nhập cơ thể người thông qua mũi và họng. Kháng thể trong lớp niêm mạc này có xu hướng tồn tại tương đối ngắn so với miễn dịch toàn cơ thể. Điều đó giải thích tại sao miễn dịch ngăn bệnh chuyển nặng, thường bắt nguồn từ phổi, kéo dài hơn so với miễn dịch chống nhiễm trùng.

Các nghiên cứu đến nay chỉ ra những đợt tái nhiễm sẽ nhẹ hơn so với lần mắc bệnh đầu tiên, dù F0 gặp bất cứ biến chủng nào. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau tái nhiễm nCoV, điều này phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh. Tái nhiễm sẽ tăng cường miễn dịch ở người bệnh. Nó có vai trò như liều vaccine tăng cường, song bệnh nhân vẫn không được bảo vệ 100%. Nhiều dữ liệu cho thấy một số người tái nhiễm trên hai lần.

Các chuyên gia khuyến cáo trường hợp mới khỏi bệnh chưa lâu, không có triệu chứng thì không nên lo lắng đi xét nghiệm, gây tốn kém không cần thiết. Tuy nhiên, mọi người vẫn không nên chủ quan, cần tuân thủ quy định của ngành y tế như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, tiêm đủ vaccine phòng Covid-19. Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tăng cường tập thể dục để nâng cao sức đề kháng với virus.

Theo phó giáo sư Dũng, nhóm nguy cơ cần được bảo vệ, đảm bảo tiếp cận thuốc sớm khi bệnh, bởi nhóm này dễ trở nặng khi nhiễm, tái nhiễm Covid-19. Với người trong độ tuổi lao động, Omicron không phải là mối đe dọa sức khỏe nhưng có thể ảnh hưởng công việc, làm gián đoạn sản xuất khi nhiều người mắc bệnh cùng lúc.

"Điều quan trọng hiện nay là hạn chế tốc độ lây nhiễm ở môi trường làm việc bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay; tránh để mất nhân sự lao động và nguy cơ tăng số ca nhiễm cho trẻ em chưa được tiêm chủng cũng như nhóm nguy cơ", bác sĩ Khanh lưu ý.

Theo VNE