Tài năng trẻ sân khấu kịch nói

Thứ hai, ngày 15/12/2014

So với những tên tuổi đã thành danh ở sân khấu kịch nói thì Nguyễn Văn Cạnh - nghệ danh Gia Khang, hiện là sinh viên lớp thanh nhạc 3K7, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương vẫn còn ít người biết đến. Nhưng những gì mà chàng trai 25 tuổi, quê ở TX.Bến Cát đã làm được cho sân khấu kịch nói nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung vẫn rất đáng được ghi nhận.

Không trưởng thành từ một gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng Gia Khang lại sẵn trong mình năng khiếu và có niềm đam mê nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM chuyên ngành Diễn viên, sau đó anh tiếp tục sự nghiệp học tập tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương với chuyên ngành Thanh nhạc. Được mệnh danh là chàng trai đa tài bởi ở lĩnh vực nào anh cũng có thể tham gia được và làm tốt như đóng phim, diễn kịch, tấu hài, MC, hát, múa, lồng tiếng phim, đạo diễn sân khấu, chuyên gia makeup… “Bất cứ cái gì liên quan tới nghệ thuật mình đều thích, nhưng riêng kịch nói thì sự say mê này càng mãnh liệt hơn, có lẽ mình có “duyên” với loại hình nghệ thuật này”, Gia Khang chia sẻ.

Gia Khang thường vào vai nhân vật có diễn biến tâm lý phức tạp. Cái khó là làm sao thông qua ngôn ngữ, hành động bên ngoài có thể bộc lộ được chiều sâu nội tâm. Chỉ khi thực sự “sống” cùng nhân vật, diễn viên mới có thể làm tốt được điều này. Tuy vốn sống chưa đủ nhiều, nhưng bằng sự nỗ lực tập luyện, tinh thần ham học hỏi, Gia Khang đã để lại cho khán giả nhiều vai diễn ấn tượng như cậu bé mồ côi trong vở “Mót ơi”, cậu con trai trong vở “Tình mẹ”, vai già làng trong vở “Ngưu vương đại náo nhân gian”… Dù là nhân vật phụ hay nhân vật chính, dù vai diễn chỉ xuất hiện ở một phân đoạn rất ngắn trong vở kịch, anh vẫn luôn tâm niệm “cái nhỏ mình không làm tốt thì ai tin cái lớn hơn mình có thể làm được”. Bởi thế, anh có ý thức tập luyện, kỷ luật cao.

Không chỉ thành công với vai trò diễn viên, anh còn là “cha đẻ” của hơn 20 vở kịch nói, tiểu phẩm đã được biểu diễn ở các sân khấu lớn nhỏ như “Hai người cha”, “Lỗi tại ai”, “Ông táo, bà táo”, “Tình mẹ”… Phong cách viết kịch dễ nhận thấy của anh là từ cái hài để thể hiện cái bi, nhưng kết thúc kịch luôn tạo hướng mở mang tính nhân văn.

So với các loại hình nghệ thuật khác như ca nhạc, kịch nói có ít đất diễn, kén chọn khán giả nên diễn viên trẻ như anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên với lòng yêu nghề, chàng trai trẻ vẫn luôn nung nấu niềm đam mê của mình, phấn đấu để có được những vai diễn “để đời” và có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả.

HỒNG THỦY