Tai nạn rình rập vì chó thả rông
(BDO) Khoảng 7 giờ sáng ngày 28-11, trên đường Huỳnh Văn Lũy đoạn qua khu phố 3, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một đã xảy ra một vụ va chạm giao thông làm một phụ nữ chạy xe máy ngã xuống đường. Cú ngã chỉ khiến nạn nhân bị xây xát nhẹ nhưng khó khăn lắm chị mới gượng đứng dậy và gương mặt vẫn còn lộ vẻ thất thần. Nguyên nhân của vụ va chạm trên là do chị né… một con chó băng ngang đường!
Vào thời điểm đó, người phụ nữ này chạy xe tay ga lưu thông trên đoạn đường trên thì bất ngờ có một đàn chó rượt đuổi nhau lao ra đường. Chị vội thắng xe để tránh. Do tình huống quá bất ngờ nên phía sau, một người đàn ông chạy xe máy cùng chiều không kịp xử lý đã tông vào đuôi xe của người phụ nữ làm chị ngã xuống đường và được mọi người đỡ dậy. Vụ va chạm trên tuy không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng một lần nữa nhắc người đi đường nhớ rằng những chú chó thả rông cũng chính là mối nguy hiểm có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ khi nào.
Những ngày qua, khi báo Bình Dương có bài phản ánh về tình trạng chó thả rông gây mất vệ sinh trong khu dân cư và ảnh hưởng đến người dân, chúng tôi liên tiếp nhận được thông tin của độc giả về tình trạng này tại nơi họ sinh sống. Nhiều độc giả ngao ngán cho biết họ phải chịu cảnh “sống chung” với nỗi phiền toái này vì không biết lên tiếng với ai, vì có không ít trường hợp lên tiếng phản ứng với chủ nhân của thú nuôi thì bị “phản ứng ngược” hoặc có nguy cơ sứt mẻ tình làng nghĩa xóm.
Có thể nói, nuôi thú cưng là quyền và sở thích của công dân, tuy nhiên để các quyền đó không gây ảnh hưởng tới người khác là chuyện đáng bàn. Đến nay, để thống kê số lượng chó nuôi trên địa bàn tỉnh cũng như số người bị chó cắn, chó gây tai nạn hàng năm có lẽ là việc không đơn giản. Tuy nhiên trong Chỉ thị 18/CT-UBND ngày 5-9-2019 của UBND tỉnh cho thấy theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong năm 2018 toàn tỉnh có trên 15.000 lượt người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng. Ngoài ra còn có đơn thư khiếu nại về việc nuôi chó gây ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn, gây bức xúc trong khu dân cư. Việc quản lý chó không tốt gây phóng uế làm mất vệ sinh, mất vẻ mỹ quan nơi công cộng đã được phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở các địa phương. Nguyên nhân chính là do công tác quản lý đàn chó nuôi ở nhiều địa phương chưa được quan tâm, nhất là việc thống kê, lập sổ đàn chó nuôi, tổ chức nuôi nhốt, xích chó, đặc biệt là ở khu vực nông thôn….
Để khắc phục các tồn tại, bất cập nhằm làm giảm thiểu thấp nhất những tác hại do chó nuôi thả rông gây ra và quản lý tốt đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 18/CT-UBND với những giải pháp cụ thể cũng như dẫn chiếu các căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm.
Quy định đã rõ, tuy nhiên thời gian qua việc xử lý vấn đề này ở các địa phương chưa thật sự quyết liệt như người dân mong muốn, mặc dù trong chỉ thị nêu rõ “Người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn…”.
L.T.PHƯƠNG