Tài liệu quý giá về đình thần ở Bình Dương

Thứ tư, ngày 23/10/2019

(BDO) Đề tài “Đình thần Bình Dương - Giá trị lịch sử và văn hóa” vừa được Hội đồng khoa học thẩm định và thông qua với kết quả 2 phiếu xuất sắc, 7 phiếu đạt. Đây là một trong những đề tài có giá trị giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vùng đất và con người Bình Dương xưa…


Đình thần Dĩ An được xếp hạng Di tích Quốc gia (năm 2019)

Hiểu và yêu quý hơn nét truyền thống văn hóa, lịch sử bao đời của ông cha ta ở vùng đất này, từ đó tự hào hơn về một Bình Dương năng động như hôm nay. Với những ai yêu thích văn hóa, giá trị truyền thống của dân tộc thì đây còn là tài liệu nghiên cứu rất đáng quý.

Đình thần là một trong những thiết chế văn hóa cổ truyền, giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của các cộng đồng dân cư ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Đình thần vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng vừa là nơi giáo dục truyền thống, duy trì thuần phong mỹ tục và điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ của các cộng đồng dân cư tại các xã, phường trong tỉnh.

Trong những năm gần đây, đứng trước sự thay đổi ngày càng mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở tỉnh đã làm cho hệ thống đình thần địa phương có nhiều biến đổi. Trong đó đáng kể đến như: Hiện tượng trùng tu, tu bổ di tích ngày càng xa rời truyền thống, nhiều lễ hội tổ chức tùy tiện hoặc đơn giản hóa…

Vì vậy, việc tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu toàn diện thiết chế văn hóa đình thần Bình Dương là rất cần thiết, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống đình thần Bình Dương để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời, giúp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nhận thức đầy đủ hơn, chính xác hơn về các giá trị lịch sử, văn hóa của đình thần Bình Dương.

Theo những người thực hiện đề tài này, đây là bộ tư liệu tập trung cho 4 mục tiêu. Thứ nhất là hình thành bộ tổng tập gồm 125 ngôi đình ở Bình Dương với toàn bộ các yếu tố vật thể và phi vật thể (vị trí địa lý, lịch sử hình thành và phát triển, kiến trúc, văn hóa chữ Hán Nôm, sắc phong, thần tích, thần phả của các vị thần được thờ tự trong đình, các lễ hội tổ chức trong đình, nghi thức cúng, văn cúng, các hình thức diễn xướng, ảnh tư liệu...) nhằm phục vụ công tác lưu trữ tư liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về đình thần Bình Dương để phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu, giáo dục trước mắt và lâu dài. Thứ hai là làm rõ các giá trị lịch sử, văn hóa và vai trò của đình thần trong đời sống cộng đồng cư dân địa phương. Thứ ba nhằm xác định phương hướng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong tình hình đổi mới của đất nước. Và thứ tư là sau khi công trình nghiên cứu hoàn thành, nhóm nghiên cứu đề tài sẽ chuyển giao toàn bộ sản phẩm nghiên cứu cho ngành văn hóa, chính quyền để phục vụ công tác giáo dục và nâng cao nhận thức về lịch sử, văn hóa của địa phương mình.

Theo tư liệu từ đề tài “Đình thần Bình Dương - Giá trị lịch sử và văn hóa” cho biết vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, chế độ phong kiến ở Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, các cuộc nội chiến xảy ra triền miên giữa các thế lực phong kiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn. Hệ quả của chiến tranh và thiên tai xảy ra liên tiếp khiến cuộc sống người dân trở nên bế tắc và cùng khổ. Một bộ phận dân cư các xứ Ngũ Quảng bắt đầu xiêu tán vào Nam khai phá tạo lập cuộc sống mới. Sau 2 sự kiện chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa Ngọc Hân cho vua Chân Lạp Preachey Chettha II vào năm 1618 và vua Chân Lạp Nặc Ông Chân xin làm phiên thần của chúa Nguyễn thì các cuộc di cư vào Nam trở nên rầm rộ và quy mô hơn.

Song hành với sự suy tàn của vương quốc Chân Lạp là sự hình thành các xóm, ấp, thôn, xã tự quản của người Việt trên đất Nam bộ. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào phương Nam kinh lược, thiết lập cơ cấu tổ chức hành chính từ cấp cơ sở (phường, xã, thôn, ấp) đến cấp phủ. Sự thiết lập quyền lực và chính sách khuyến khích khẩn hoang lập ấp của các chúa Nguyễn đã mở mang lãnh thổ toàn cõi Nam bộ rộng lớn. Bình Dương khi ấy thuộc tổng Bình An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, phủ Gia Định…

Đình thần ra đời trên đất Bình Dương là di sản văn hóa được các lớp cư dân người Việt xứ Ngũ Quảng mang theo và tạo lập trên đất Bình Dương nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng truyền thống của người Việt xưa. Theo Gia Định thành thông chí của tác giả Trịnh Hoài Đức vào đầu thế kỷ XIX, đình thần đã hiện diện ở các xã, thôn trong thành Gia Định. Lệ cúng thường niên diễn ra bài bản, quy củ và có mối liên hệ mật thiết với chính quyền cấp xã, thôn ở địa phương.

Đình thần là một thiết chế văn hóa truyền thống trải qua trên 200 năm hình thành và phát triển trên đất Bình Dương. Quá trình tồn tại và biến đổi của đình thần phản ánh đời sống tâm linh tín ngưỡng của các cộng đồng dân cư sinh sống trên đất Bình Dương qua các thời kỳ. Có những giai đoạn nhất định trong lịch sử, đình thần Bình Dương còn phản ánh đời sống chính trị cấp cơ sở tại các xã thôn, làng trong tỉnh. Đó chính là giá trị lịch sử cốt yếu của đình thần Bình Dương. Hiểu về quá trình hình thành và phát triển của đình thần Bình Dương càng yêu quý hơn mảnh đất hiền hòa, mến khách và phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

QUỲNH NHƯ