Tái lập sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế- Kỳ 2
(BDO) Kỳ 2: Trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, giữ vững chuỗi cung ứng
Công ty Roldale Spear (TX.Tân Uyên) nỗ lực duy trì sản xuất, bảo đảm đơn hàng xuất khẩu
Doanh nghiệp tự chủ
Nhờ những hướng đi đúng, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chính quyền và cộng đồng DN hiện đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch bệnh Covid-19 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả để khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc đẩy nhanh tốc độ độ bao phủ vắc xin là cơ sở tốt để các DN mở cửa, khôi phục lại các hoạt động trong tình hình mới.
Những ngày qua, từ các cuộc gặp gỡ, đối thoại, nhiều vấn đề khó khăn của DN đã được cơ quan chức năng, địa phương tập trung giải quyết. Bình Dương đã linh hoạt, trao quyền tự chủ cho DN trong việc giữ vững an toàn trong nhà máy, quản lý người lao động. Qua đó, số lượng DN đăng ký quay lại sản xuất từ đầu tháng 10 đến nay liên tục tăng. Các DN đang phấn đấu phục hồi 100% công suất nhằm giải quyết lượng đơn hàng, đáp ứng yêu cầu của đối tác. Đồng thời, DN có cơ hội nhận thêm đơn hàng mới để tăng tốc xuất khẩu những tháng cuối năm cũng như quý I-2022.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN Bình Dương, cho rằng trên thực tế, khi nhập cuộc trở lại sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các DN đều chịu tác động trên nhiều vấn đề như chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tiêu thụ, lực lượng lao động, chi phí phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh... Dù rất cấp thiết trong việc khôi phục sản xuất để giữ các đơn hàng, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng DN đều đồng thuận chủ trương “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Việc bảo vệ sản xuất là bảo vệ chính tài sản của chính DN, chính quyền địa phương trao quyền tự chủ cho DN là chủ trương đúng đắn mà tỉnh đang thực hiện. Trong thời gian tới, cộng đồng DN kỳ vọng hàng hóa sẽ tiếp tục thông thương giữa các địa phương. Một trong những nút thắt mà DN cần được tháo gỡ là các địa phương phía Nam cần có sự thống nhất, tránh tình trạng “mỗi nơi thực hiện một kiểu” khiến các mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt đoạn.
Đồng tình với phương án khôi phục sản xuất của tỉnh, ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho rằng: “Phương án trao quyền tự chủ cho DN ngay thời điểm này tạo ra tâm lý rất vững vàng, dù DN phải đối diện với trách nhiệm mới, nỗi lo mới. Tuy nhiên, được quyết định chính “vận mệnh của mình”, tôi tin rằng DN nào cũng sẽ nỗ lực để bảo vệ thành quả của mình ngay thời điểm này”. Ông Liêm kiến nghị, các địa phương nên theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, quy định riêng tránh gây khó khăn cho DN. Văn bản chỉ đạo của các địa phương cần thống nhất với các giải pháp của Chính phủ, bộ, ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động.
Nỗ lực cho những đơn hàng
Ông Nguyễn Liêm cho biết với các DN ngành gỗ trong thời gian qua đã quyết liệt giữ vững chuỗi cung ứng. Trong đó, xuất khẩu những tháng cuối năm 2021 dự báo sẽ tăng trưởng khả quan, nhiều DN đã có đơn hàng đến hết năm, thậm chí đến hết quý I-2022. Hiện nhiều DN đang bắt nhịp trở lại để tăng tốc cho các đơn hàng cuối năm. Tuy nhiên, DN cũng đối diện với nỗi lo thiếu lao động trầm trọng. Với các DN giữ được đơn hàng đã khó, hoàn thành đơn hàng càng khó hơn. DN sẽ không thể sản xuất trở lại với công suất cao nếu không tìm được nguồn lao động thay thế.
Lãnh đạo BIFA lạc quan với việc giữ vững mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD của ngành gỗ cả nước, trong đó ngành gỗ Bình Dương chiếm đến 50% tổng kim ngạch. Ông Nguyễn Liêm phân tích: “9 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 11,14 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 8,4 tỷ USD, tăng gần 31%. Từ đây đến cuối năm nếu mỗi tháng xuất khẩu khoảng 800 triệu đến 1 tỷ USD, ngành gỗ có thể bảo đảm mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD. Chỉ cần công nhân tiếp tục trở lại Bình Dương, được tiêm vắc xin mũi 2 đầy đủ để tham sản xuất, các DN ngành gỗ sẽ nỗ lực hết mình cho mục tiêu tăng trưởng và hồi phục kinh tế”.
TIỂU MY