Tại kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa VII: Nhiều ý kiến về môi trường được xem xét, giải quyết
Ô nhiễm môi trường (ONMT) là một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm phản ánh nhiều nhất trong các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh. Tại kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa VII , các đại biểu đã và đang đề cập, thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn để cùng nhau giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng mà người dân đã gửi gắm.
Trong nhưng lần tiếp xúc tham vấn ý kiến của người dân về vấn đề môi trường (MT), phần đông ai cũng bức xúc vì ô nhiễm (ON) kéo dài. ON từ sản xuất công nghiệp do hệ thống xử lý khí thải, nước thải của các doanh nghiệp (DN) đầu tư chưa hoàn chỉnh nên xả nước thải vô tội vạ. Mặc dù nhiều lần ngành chức năng đến kiểm tra và buộc khắc phục nhưng có DN trong quá trình sản xuất còn gây tiếng ồn, phát ra bụi bặm... Một số địa phương phía bắc của tỉnh, đời sống người dân vẫn còn ảnh hưởng bởi chăn nuôi, sản xuất gạch bằng thủ công... Nghiêm trọng hơn nữa là nạn khai thác cát trái phép vẫn còn... ON kéo dài đã gây ảnh hưởng không ít đến MT và sức khỏe của người dân.
Xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Gần 20 ý kiến của người dân phản ánh đã được ngành chức năng tiếp nhận và sẽ trả lời tại kỳ họp lần này. Để xem xét và giải quyết thấu tình đạt lý, Sở Tài nguyên - Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan và địa phương tiến hành khảo sát thực tế từng trường hợp. Đối với những trường hợp các DN sản xuất xả nước thải, khí thải làm ảnh hưởng đến MT sống của người dân, ngành chức năng kịp thời kiểm tra và chấn chỉnh, cụ thể như trường hợp của Công ty TNHH Công nghiệp Liang Chi II Việt Nam hoạt động sản xuất tháp giải nhiệt tại ấp Bình Phú, xã Bình Chuẩn (Thuận An). Qua kiểm tra cho thấy, công ty đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nước thải của công ty có lưu lượng khoảng 10m3/ngày hiện thải ra cho tự thấm. Tuy nhiên, công ty chưa lắp đặt hệ thống xử lý hơi dung môi sơn, nên khi xả thải đã gây ô nhiễm MT xung quanh. Trước tình hình này, ngành chức năng lập hồ sơ xử phạt và đề nghị công ty phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý hơi dung môi sơn theo đúng bản đăng ký đạt tiêu chuẩn MT được phê duyệt, bảo đảm nước thải và hơi dung môi được xử lý đạt quy chuẩn MT.
Mặc dù ngành chức năng kịp thời kiểm tra và xử lý, thế nhưng vẫn có những trường hợp vi phạm nhiều lần và người dân kêu ca, phàn nàn về việc gây ONMT nghiêm trọng. Để giải tỏa nỗi bức xúc của người dân, ngành chức năng đã đề nghị UBND tỉnh xử phạt Công ty TNHH Nông súc Trực Điền với tình tiết tăng nặng về việc không thực hiện đúng tiến độ khắc phục ON và xả nước thải vượt quy chuẩn ra MT và buộc công ty phải hoàn thành khắc phục ON trước ngày 31-12-2010.
Một trong những vấn đề không chỉ gây ảnh hưởng MT mà còn đe dọa tính mạng của người dân đó là nạn khai thác cát trái phép trên sông Sài Gòn, đoạn từ cách cầu Bến Súc về phía thượng nguồn 4km (xã Thanh Tuyền - Dầu Tiếng) xuống dưới hạ nguồn (thuộc địa phận huyện Bến Cát) thuộc vùng tạm cấm khai thác cát của tỉnh. Trên thực tế từ năm 2002 đến nay, UBND tỉnh không cấp giấy phép khai thác cát nào trên đoạn sông này, thế nhưng hoạt động khai thác cát thì vẫn diễn ra rất phổ biến, ảnh hưởng đến đời sống, đất đai canh tác của người dân sống bên bờ sông như người dân xã An Tây đã phản ảnh.
Để quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động khai thác cát trên sông Sài Gòn trong thời gian tới, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tiếp tục đôn đốc các huyện, thị nhanh chóng thành lập các đoàn kiểm tra để đi vào hoạt động sát với địa bàn, phối hợp các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động lập bến bãi, kinh doanh, mua bán và khai thác cát trái phép. Tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 10/2009/CT-UBND ngày 18-5-2009 của UBND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản, trong đó đặc biệt phát huy vai trò, trách nhiệm chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về khoáng sản trong nhân dân, đồng thời phải có biện pháp hữu hiệu bảo vệ các tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác.
Còn rất nhiều, rất nhiều trường hợp xoay quanh các vấn đề ON về sản xuất, chăn nuôi, khai thác khoáng sản, giải quyết quyền sử dụng đất... đã được ngành chức năng xem xét, giải quyết và trả lời, góp phần đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và đúng theo yêu cầu của người dân trên cơ sở luật định.
MAI HUY