Tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa VII: Đại biểu quan tâm vấn đề chấn chỉnh môi trường, đường sá
Đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Phú Hòa, TX.TDM)
thi công 5 năm vẫn chưa xong
Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khóa VII, nhiều báo cáo đã được trình bày tại hội trường. Trong đó có một số nội dung đang được người dân đặc biệt quan tâm như xử lý chất thải môi trường và thi công đường Nguyễn Thị Minh Khai.Cần thanh tra dự án đường Nguyễn Thị Minh Khai
Đường Nguyễn Thị Minh Khai thuộc địa bàn phường Phú Hòa, TX.TDM, được khởi công xây dựng từ năm 2006 với chiều dài 3.354m do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tây Hồ thi công. Đây là loại đường cấp II, tổng dự toán được phê duyệt là hơn 36 tỷ đồng. Từ ngày khởi công đến nay đã 5 năm trôi qua nhưng đơn vị thi công mới chỉ đạt 70% tiến độ công trình. Riêng phần giải tỏa đền bù, toàn tuyến có 239 hộ bị ảnh hưởng nằm trong diện giải tỏa nhưng đến nay mới có 199 hộ nhận bồi thường và giao mặt bằng, chỉ đạt 85%.
Báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Minh Khai của Đoàn giám sát HĐND tỉnh cho thấy một số hạn chế trong quá trình triển khai dự án. Cụ thể như chưa công bố công khai và thông báo rộng rãi dự án để nhân dân biết và tham gia đóng góp ý kiến; thực hiện quy trình kiểm kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án nhưng chưa thực hiện ban hành quyết định thu hồi đất đầy đủ; tổ chức áp giá đền bù đối với một số hộ dân chưa đúng với chính sách của UBND tỉnh và còn sai sót gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giải thích vận động, thỏa thuận và lắng nghe ý kiến của nhân dân chưa tốt. Trong quá trình thực hiện dự án, các văn bản pháp luật về lĩnh vực xây dựng cơ bản thường xuyên thay đổi làm chậm tiến độ. Đồng thời, còn thiếu tính liên tục do có sự chuyển giao giữa ban bồi thường giải tỏa của TX.TDM nên việc khắc phục vướng mắc còn chậm.
Báo cáo của đoàn giám sát cũng đề nghị tổ chức thanh tra, đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện dự án, chấn chỉnh đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trước khi cưỡng chế cần rà soát lại trình tự thủ tục và sớm giải quyết đất tái định cư đối với các hộ dân đủ điều kiện... Tại một buổi họp trước đây, đoàn giám sát cũng đã đặt vấn đề trách nhiệm liên quan đến chủ đầu tư, ban giải tỏa đền bù trong thi công, thiết kế và áp giá đền bù cũng như kiến nghị của một số hộ bị giải tỏa.
Chấn chỉnh việc xử lý chất thải
Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương có diện tích 75 ha do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Chánh Phú Hòa, Bến Cát có tổng vốn 281,2 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế rác thải sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp vì hệ thống xử lý rác chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều hạng mục của dự án thực hiện chậm so với tiến độ. Nhiều khâu trong quy trình xử lý còn thực hiện bằng phương pháp thủ công, môi trường làm việc có mức độ độc hại cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.
Một nguyên nhân khiến dự án này phát huy hiệu quả chưa cao là do áp lực xử lý chất thải ngày càng tăng nên chủ đầu tư vừa triển khai xây dựng các hạng mục của dự án vừa tiếp nhận rác thải để xử lý dẫn đến việc vận hành một số hệ thống xử lý chất thải chưa bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Hiện tại, nước chưa xử lý còn tồn đọng trong hồ chứa nước rỉ rác khối lượng đến gần 45.000m3, không bảo đảm an toàn. Ngoài ra, còn một lượng chất thải công nghiệp đang lưu chứa ngoài trời và trong vườn cao su, chất nguy hại được lưu giữ một khối lượng lớn trong nhà chứa mái che.
Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh, ngày 3-5-2010, xí nghiệp đã hợp đồng với Công ty TNHH Friesland Campian Việt Nam để thu gom, vận chuyển, tiêu hủy 15.500 tấn sữa quá hạn sử dụng trong thời gian 4 tuần và được thực hiện theo quy trình tiêu hủy chặt chẽ do các bên thống nhất nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, xí nghiệp đã không thực hiện đúng quy trình tiêu hủy theo hợp đồng làm ảnh hưởng đến môi trường, gây dư luận bức xúc trong nhân dân. Để giải quyết vấn đề này, cuối tháng 5-2010, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị khắc phục bằng cách thu hồi ngay số lượng sữa quá hạn sử dụng đã chôn lấp để xử lý theo quy định. Trước những việc làm vi phạm trong xử lý chất thải mà cơ quan chức năng kết luận, HĐND tỉnh cũng đã kiến nghị Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương tổ chức khắc phục, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động xử lý chất thải trực thuộc công ty, bảo đảm chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
NHÓM PVCT