Tái diễn tình trạng lừa đảo trên mạng
(BDO) Nhận được cuộc điện thoại từ người lạ, người phụ nữ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng thông qua hình thức vay tiền trực tuyến với “lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng”. Đây là thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người trở thành nạn nhân. Vì vậy, Công an (CA) Bình Dương đã phát đi thông báo kêu gọi người dân cảnh giác.
Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xác minh, làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật
Mất hơn 800 triệu vì làm theo lời người lạ
Ngày 27-3, bà Trần Thị H. (SN 1989, ngụ TP.Thuận An) nhận được cuộc điện thoại từ một người phụ nữ sử dụng số thuê bao “0336601116” tự xưng là nhân viên Công ty tài chính “Mirae Asset Credit” chuyên cho vay tiền trực tuyến với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Người phụ nữ này đã giới thiệu cho bà H. các khoản vay hấp dẫn và ưu đãi cao của công ty.
Do đang có nhu cầu vay tiền nên bà H. đã chọn gói vay trị giá 40 triệu đồng. Ngay sau khi chọn gói vay tiền thì bà H. đã được 2 tài khoản Zalo mang tên “Văn Nghị” và “DUY T N” kết bạn để hướng dẫn làm thủ tục vay tiền trên trang web “vs5.org”.
Sau khi hướng dẫn bà H. cung cấp hình ảnh giấy tờ tùy thân và thông tin cá nhân trên trang web, các đối tượng đã yêu cầu bà đóng phí bảo hiểm khoản vay 10% tương ứng với số tiền 4 triệu đồng để được giải ngân và bên công ty cam kết sau khi bà H. trả hết khoản vay sẽ trả lại số tiền bảo hiểm nêu trên. Nghe lời các đối tượng, bà H. đã chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp.
Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền xong, các đối tượng đã đưa ra nhiều lý do khác nhau như chuyển tiền sai cú pháp, sai mẫu, thông tin người nhận tiền giải ngân không chính xác, lỗi giao dịch... để yêu cầu bà H. tiếp tục chuyển tiền với số tiền tăng dần. Để tạo lòng tin với bà H., đối tượng liên tục gọi điện cho bà tư vấn, hứa hẹn nếu thực hiện đúng theo chỉ dẫn, chuyển tiền đầy đủ thì sẽ lập tức giải ngân khoản vay kèm theo hoàn trả lại toàn bộ số tiền bà H. đã chuyển trước đó. Ngoài ra, các đối tượng còn đưa ra nhiều hình ảnh giả, địa chỉ công ty giả và hẹn gặp mặt trực tiếp bà H. để tạo sự tin tưởng.
Bằng các thủ đoạn nêu trên, các đối tượng đã yêu cầu bà H. chuyển tiền nhiều lần với tổng số tiền là 814.700.000 đồng. Sau nhiều lần chuyển tiền mà vẫn không được giải ngân, nghi ngờ bị lừa đảo nên bà H. đã tới quan CA để trình báo sự việc.
Chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.Thuận An xuất hiện một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội với chiêu thức ngày càng tinh vi. Ngoài thủ đoạn như trên, còn một chiêu khác là lên mạng xã hội “giăng bẫy” người tình đồng giới. Các đối tượng lợi dụng sự tin tưởng của những “người tình” mới quen trên mạng xã hội và “giăng bẫy” nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản của những “người yêu”.
Điển hình như đối tượng Huỳnh Quốc Kiệt (sinh năm 2000, quê Kiên Giang) là người không có nghề nghiệp, sống lang thang không nơi ở cố định. Do cần tiền tiêu xài nên Kiệt nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người quan hệ đồng giới. Thực hiện ý định, Kiệt lên mạng xã hội Zalo tìm kiếm kết bạn, hẹn gặp mặt những người đồng giới nhằm tìm sơ hở, chiếm đoạt tài sản. Sau khi làm quen với anh K.T (quê Gia Lai), Kiệt đã đến và ở lại phòng trọ của anh T. tại cơ sở trọ thuộc phường Thuận Giao. Tại đây, sau khi quan hệ đồng giới với anh T. xong, Kiệt giả vờ hỏi mượn chìa khóa xe mô tô trị giá 45 triệu đồng của anh T. đi mua đồ ăn. Sau khi lấy được xe của anh T., Kiệt mang đi cầm được 20 triệu đồng, sau đó chặn tài khoản Zalo anh T., xé bỏ hợp đồng cầm cố rồi bỏ trốn.
Với thủ đoạn tương tự, Kiệt tiếp tục lên mạng xã hội làm quen và hẹn gặp anh N.T.A (quê An Giang). Trong buổi “hẹn hò” đầu tiên, Kiệt lấy trộm một điện thoại di động trị giá 12 triệu đồng và một xe máy trị giá 50 triệu đồng của anh A. mang đi cầm cố được tổng số tiền 41 triệu đồng.
Theo cảnh báo của CA tỉnh, các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn phạm tội hiện nay rất tinh vi. Nhiều vụ bị hại do bị chiếm đoạt số tiền ít nên không trình báo với cơ quan CA, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý các đối tượng phạm tội. Trong thời gian tới, để phòng ngừa, ngăn chặn và hỗ trợ công tác phát hiện đấu tranh với loại tội phạm trên, Giám đốc CA tỉnh yêu cầu CA các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về phương thức thủ đoạn trên tới quần chúng nhân dân; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; yêu cầu người dân liên hệ ngay với cơ quan CA nếu đã từng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc phát hiện đối tượng nghi vấn.
Theo cảnh báo của CA tỉnh, các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội với phương thức, thủ đoạn phạm tội hiện nay rất tinh vi. Nhiều vụ do bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền ít nên người dân không trình báo với cơ quan CA, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý các đối tượng phạm tội. CA tỉnh kêu gọi người dân liên hệ ngay với cơ quan CA nếu đã từng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc phát hiện đối tượng nghi vấn. |
K.THỦY - T.TRANG