Tái diễn tình trạng lừa đảo người lao động - Bài 2
(BDO) Bài 2: Vạch trần thủ đoạn lừa đảo
Nhằm vạch trần những hành vi dối trá trong việc tuyển dụng lao động, P.V Báo Bình Dương đã vào vai người xin việc bốc xếp để điều tra, phản ánh sự việc.
Ngay sau khi nhận được thông tin về việc Phạm Văn Hậu (giữa) đang giở trò, các trinh sát CA TX.Dĩ An đã đến hiện trường để mời đối tượng trên về làm việc Ảnh: T.QUANG
Dàn cảnh
Theo thông tin trên tờ rơi tuyển người của Công ty xếp dỡ hàng hóa Hoàng Long được dán trên trụ điện dọc đường ĐT743, địa bàn phường Dĩ An, TX.Dĩ An, P.V đã liên lạc theo số ĐT 0961.798.2… gặp người tên Long để đăng ký công việc bốc xếp hàng hóa với mức lương 350.000 đồng/ngày. Theo kế hoạch, khi đã có đầy đủ chứng cứ pháp lý về những sai trái của các đối tượng này, chúng tôi sẽ thông tin cho công an để mời họ về trụ sở làm việc, xử lý theo luật định.
Sau nhiều lần hẹn, chiều ngày 15-3, P.V cùng “hiệp sĩ” Nguyễn Phúc Nhân, thành viên trong CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) và Lê Văn Dũng, thành viên trong CLB Phòng chống tội phạm phường Tân Đông Hiệp (TX. Dĩ An) đến ký hợp đồng lao động và nhận việc ngay trong ngày hôm đó.
Qua điện thoại, Long đề nghị chúng tôi chuẩn bị sẵn 400.000 đồng tiền cọc/người và photo chứng minh nhân dân để làm hồ sơ hợp đồng. Nói là hồ sơ cho oai chứ thật ra khi làm thủ tục chỉ có một tờ giấy hợp đồng được các đối tượng này “sáng tác” không đúng theo quy định của pháp luật. Qua điện thoại, khoảng 16 giờ cùng ngày, Long hướng dẫn chúng tôi đến ngã tư 550 (phường Dĩ An, TX.Dĩ An) sẽ có người dẫn vào văn phòng của công ty để làm hợp đồng. Sau khoảng 1 giờ chờ đợi tại ngã tư 550, Long không xuất hiện mà “đá” việc hợp đồng nhận việc sang người khác có tên Lê Anh Xuân. Tại buổi ký hợp đồng trong… quán cà phê 550, Lê Anh Xuân đưa ra 1 bản hợp đồng khoán việc của Công ty TNHH DV-TM Hàng hóa Thịnh Đạt không đúng theo quy định của pháp luật. Cụ thể là, bản hợp đồng không có dấu mộc đỏ, không có địa chỉ của công ty… Theo quan sát, vào thời điểm trên, ngoài Xuân còn có một đối tượng khác là đồng bọn của y trông rất bặm trợn, làm nhiệm vụ cảnh giới.
Khi chúng tôi nài nỉ “hạ giá” tiền cọc từ 800.000 đồng xuống còn 600.000 đồng/cho 2 người thì Lê Anh Xuân đồng ý ngay. Nhưng khi P.V đặt câu hỏi tại sao đại diện của công ty lại làm hợp đồng cho 2 người chung 1 bản và biên bản hợp đồng của công ty không có dấu mộc đỏ? thì Xuân quát: “Ông này nhiều chuyện quá. Ký xong, nộp tiền cọc cho tôi rồi ông giữ bản hợp đồng giao cho tổ trưởng tại kho hàng chứ tôi thì giữ làm gì tờ giấy đó”. Điều đáng nói, Xuân liên tục gây áp lực cho chúng tôi để nhanh tay ký vào bản hợp đồng. Xuân giả vờ không đem theo bút mực nên anh ta mượn tạm một cây bút của người phụ nữ ngồi bàn bên cạnh để làm thủ tục. Sau đó Xuân liên tục hối thúc: “Ông ký nhanh và giao tiền cọc để trả bút cho người ta”.
Theo nội dung hợp đồng thì người nhận việc bốc xếp phải đóng tiền cọc là 600.000 đồng/2 người. Công việc của chúng tôi là bốc xếp hàng hóa với trọng lượng từ 5 đến 17kg, được hưởng lương 350.000 đồng/ngày do chính Công ty TNHH DV-TM Hàng hóa Thịnh Đạt chi trả. Nhưng sau khi nhận tiền cọc bỏ vào túi, Xuân lại nhanh chóng bội ước hợp đồng. Cụ thể như khi chúng tôi đề nghị anh ta đưa đến nơi làm việc tại kho hàng của Công ty TNHH DV-TM Hàng hóa Thịnh Đạt thì Xuân lật lọng: “Để tôi điện đàn em xuống đưa các ông vào kho hàng. Nhưng đây không phải là kho hàng của công ty tôi mà kho hàng của Công ty Sacombank ở Khu công nghiệp Sóng Thần Dĩ An”. Nói xong, Xuân còn “gằn” lại một câu: “Đây là địa bàn của chúng tôi, các anh là người miền Trung mới vào nên không nên manh động!”.
Thành lập ê kíp lừa
Một trinh sát Công an TX.Dĩ An cho biết, để tránh bị phát hiện, các đối tượng tuyển người chọn ngã tư 550 làm điểm gặp, sau đó cử đồng bọn ra nhìn mặt nhằm đề phòng công an. Giải thích vì sao những đối tượng này lại chọn ngã tư 550 để chọn người, trinh sát cho rằng ngã tư này là nơi giáp ranh của nhiều địa phương, nếu xảy ra việc gì bất trắc thì bọn chúng dễ dàng tẩu thoát. Vì thế, tại các trục đường thuộc khu vực ngã tư này được bọn chúng treo dán nhiều tờ rơi. |
Để vạch trần thủ đoạn của những đối tượng này, nhiều lần P.V đề nghị Lê Anh Xuân phải trực tiếp đưa đến nơi nhận việc để thỏa thuận tiền lương với người tổ trưởng tại kho hàng. Ngay lập tức gã đồng bọn của Xuân làm nhiệm vụ cảnh giới bên ngoài bấm điện thoại “điều” Phạm Văn Hậu, người mà bọn chúng giới thiệu là tổ trưởng tổ bốc xếp của kho hàng thuộc Công ty Sacombank (tọa lạc trên đường số 7, Khu công nghiệp Sóng Thần, phường Dĩ An, TX.Dĩ An) đến quán cà phê 550 nhận người. Sau khi thống nhất với các nội dung trong bản hợp đồng (Phạm Văn Hậu phải trả lương bốc vác cho chúng tôi là 350.000 đồng/ngày/người), Hậu đồng ý ký vào bản hợp đồng. Ngay sau khi nhận xong tiền cọc của chúng tôi, Xuân cùng đồng bọn lên xe máy rời khỏi quán.
Trời chập choạng tối, từ ngã tư 550, Phạm Văn Hậu đưa chúng tôi đến đường số 7, Khu công nghiệp Sóng Thần. Đứng từ đằng xa, Hậu chỉ tay về hướng cổng kho hàng của Công ty Sacombank và nói: “Các anh đưa giấy hợp đồng đó cho tôi, mai cứ vào kho hàng đó nhận việc bốc xếp. Tiền lương bốc vác của các anh được tính theo tấn là 25.000 đồng/tấn. Nghĩa là vác được bao nhiêu thì chúng tôi sẽ trả tiền theo tấn chứ không phải là 350.000 đồng/ ngày/người như các anh đã ký kết với ông Xuân lúc nãy”. Nghi đây là một đối tượng nằm trong ê kíp lừa đảo người lao động nên P.V tìm cách thông tin cho Đội Cảnh sát hình sự Công an TX.Dĩ An cử trinh sát đến tiếp quản vụ việc. Ngay sau đó Phạm Văn Hậu được các trinh sát hình sự CA TX.Dĩ An mời về cơ quan làm việc.
Tại cơ quan công an, Phạm Văn Hậu khai rằng nhiều lần trước đó anh ta đã nhận người bốc xếp do Lê Anh Xuân chuyển đến làm việc trong công ty. Tuy nhiên, số tiền cọc của người lao động được Xuân hưởng trọn. Khi người lao động đến làm việc tại kho hàng của công ty, Phạm Văn Hậu, với vai trò là tổ trưởng tổ bốc xếp chỉ trả tiền công 25.000 đồng/tấn cho người lao động chứ không theo hợp đồng của Xuân đã ký kết trước đó (!?). Cũng cần phải nhắc lại, trong lúc chúng tôi đọc lại bản hợp đồng vào cuối giờ chiều 15-3 về những nội dung có liên quan đến Phạm Văn Hậu thì anh ta vẫn chấp nhận sẽ trả lương 350.000 đồng/ngày/người.
Trước thủ đoạn lừa đảo người lao động với các hành vi như đã phản ánh ở trên, ngành chức năng khuyến cáo người lao động, nhất là những người ngoại tỉnh khi đến Bình Dương tìm việc nên đề cao cảnh giác đối với những nội dung trong tờ rơi tuyển dụng được những đối tượng xấu treo, dán trên trụ điện để tránh việc sập “bẫy lừa” của chúng. Khi cần tìm việc, người lao động hãy đến các trung tâm để được hướng dẫn cụ thể.
Sẽ điều tra làm rõ vụ việc
Đó là khẳng định của thiếu tá Trần Minh Nhựt, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an TX.Dĩ An khi làm việc với P.V về những vấn đề liên quan đến quá trình điều tra đường dây tuyển dụng lao động. “Sau Tết Bính Thân 2016, trên địa bàn TX.Dĩ An đã xuất hiện một nhóm đối tượng giả danh công ty để thực hiện hành vi lừa đảo người lao động. Trước tình hình trên, đơn vị đã tung ra nhiều trinh sát xuống địa bàn nắm tình hình, sau đó phối hợp với những đơn vị liên quan để triệt xóa những đường dây lừa đảo này. Tuy nhiên, để có chứng cứ pháp lý làm rõ hành vi của các đối tượng này, hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TX.Dĩ An đề nghị ai là nạn nhân của các đối tượng này hãy đến cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc để trình báo. Từ vụ việc nhóm đối tượng lừa đảo bị P.V lật tẩy ngày 15-3, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng điều tra xử lý các đối tượng theo luật định”.
THANH QUANG