Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ bảy, ngày 24/10/2015

(BDO)  Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn được tỉnh Bình Dương chú trọng. Với sự quan tâm đầu tư về nhiều mặt trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng bộ tỉnh, ngành nông nghiệp đã có bước phát triển mạnh, diện mạo các xã NTM trong tỉnh đã thay đổi rõ rệt.

 Nông thôn mới về đích sớm  

Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM được triển khai thực hiện từ năm 2011-2020 chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2011-2015, giai đoạn 2 từ năm 2016-2020. Đối với tỉnh Bình Dương có 60 xã được chọn xây dựng NTM.

Từ khi thực hiện Nghị quyết 136 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính, Bình Dương có 12 xã lên phường nên chỉ còn 48 xã xây dựng NTM; trong đó giai đoạn 1 gồm 30 xã, giai đoạn 2 gồm 18 xã. Đến nay, toàn tỉnh đã có 11 xã đạt chuẩn NTM. Đến cuối năm 2015, địa phương phấn đấu có thêm 19 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% kế hoạch đề ra và có 2 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM.

Diện mạo các xã xây dựng NTM đổi thay từng ngày. Trong ảnh: Công trình trường học được đầu tư trong quá trình xây dựng NTM ở xã NTM Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ngay từ khi triển khai thực hiện đã có sức lan tỏa mạnh mẽ tại các vùng nông thôn trong tỉnh. Bên cạnh nguồn đầu tư của Nhà nước, chương trình còn có sự chung tay của nhân dân, sự tham gia tích cực của các đoàn thể trong thực hiện các tiêu chí NTM. Các phong trào xã hội hóa xây dựng chợ, khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao… được các đơn vị, cá nhân hưởng ứng tích cực. Nguồn đóng góp đa dạng không chỉ bằng tiền, đất đai mà còn bằng cả công sức, trí tuệ.

Nổi bật là việc người dân tích cực chỉnh trang nhà ở, sân vườn, làm hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng để vận chuyển hàng hóa nông sản. Riêng Hội Nông dân tỉnh, 5 năm qua đã vận động hội viên tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, làm đường giao thông ở các khu, ấp trên 1.110km, làm mới và sửa chữa 1.173 cầu cống; diện tích đất do hội viên nông dân hiến hơn 10.000m2, hơn 45.000 ngày công lao động, số tiền ủng hộ trên 91 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mười ở xã An Điền, TX.Bến Cát, người đã tình nguyện hiến đất, phá bỏ hàng chục cây cao su đang trong thời kỳ thu hoạch mủ để cùng chính quyền xây dựng NTM chia sẻ: “Gia đình tôi cũng muốn đóng góp phần nhỏ bé để cùng Nhà nước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Ông Phan Minh Dũng, Chủ tịch UBND xã Phú Chánh, TX.Tân Uyên, địa phương vừa hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM và đang hoàn thành hồ sơ để trình cấp trên công nhận xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015 cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM không chỉdừng lại ởviệc hoàn chỉnh 19 tiêu chíNTM màphải thường xuyên, kiên trìnâng cao chất lượng các tiêu chíNTM; xây dựng nông thôn ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Theo ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, trong 5 năm qua, bộ mặt nông thôn trên địa bàn TX.Tân Uyên có nhiều thay đổi tích cực. Có 58 tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp, xây dựng mới với chiều dài 83,6km, tổng kinh phí đầu tư 55 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi được nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất… Đến nay, thị xã đã có 2 xã đạt chuẩn xã NTM; 4 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, đang trình hồ sơ lên cấp trên công nhận xã đạt chuẩn NTM. Mục tiêu giai đoạn 2016-2020 thị xã sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn theo hướng đồng bộ; hoàn thành công tác xây dựng NTM theo hướng nâng cao mức sống và mức hưởng thụ văn hóa của người dân khu vực nông thôn. Thị xã phấn đấu trước năm 2020, các xã Vĩnh Tân, Tân Vĩnh Hiệp, Phú Chánh và Hội Nghĩa phát triển thành phường; đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của 2 xã Bạch Đằng và Thạnh Hội theo hướng phát triển đô thị xanh.

Thực hiện mục tiêu gắn kết

Ông Nguyễn Tấn Bình, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 5 năm tới, Bình Dương phấn đấu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp để đạt mục tiêu giá trị sản xuất khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020; riêng nông nghiệp công nghệ cao bình quân đạt từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Đến năm 2020, thu nhập bình quân của dân cư nông thôn đạt 58 triệu đồng/người/năm; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020, 100% số xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở các xã đã đạt chuẩn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là hai chủ đề gắn kết chặt chẽ trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Bên cạnh đó, tái cơ cấu nông nghiệp được thực hiện nhằm tổ chức lại sản xuất để tăng năng suất và sản lượng, nâng cao thu nhập của người nông dân, qua đó thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Đây cũng là một trong những tiêu chí đặt ra trong quá trình xây dựng NTM.

Xác định mục tiêu xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, Bình Dương đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến. Đến nay, đã có 925,52 ha đất nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ mới và 103,34 ha sản xuất nông nghiệp đô thị. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch và triển khai thực hiện 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 979,7 ha giao cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện đã mang lại một số hiệu quả tích cực, góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên toàn tỉnh.

Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đặt nông dân vào vị trí trung tâm và có vai trò chủ đạo trong quá trình này. Nhiều nguồn vốn, tiến bộ khoa học - kỹ thuật được chuyển giao cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất. Đối với những địa bàn có diện tích sản xuất đất nông nghiệp lớn, các địa phương đã tập trung phát triển những vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn trái đặc sản, rau an toàn, chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Ở các vùng sản xuất lúa và cây ngắn ngày, hệ thống giao thông nội đồng được đầu tư hoàn chỉnh; hệ thống thủy lợi bảo đảm nước tưới cho lúa, rau màu. Kết quả cho thấy, thời gian gần đây năng suất cây lúa đạt bình quân từ 6 - 8 tấn/ha; rau màu đạt bình quân từ 2 - 2,5 tấn/1.000m2 mỗi vụ.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2015 là năm kết thúc giai đoạn 1 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, 19 xã đăng ký xã NTM trong năm 2015 đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM. Đây là kết quả của sự đồng lòng, chung tay giữa Nhà nước và nhân dân trong thực hiện chương trình. Trong 5 năm tới, Bình Dương tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng NTM để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

 Qua 5 năm thực hiện chương trình NTM, đến nay Bình Dương đã công nhận 11 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đều đạt từ 11 tiêu chí NTM trở lên. Trong năm 2015, phấn đấu có thêm 19 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% kế hoạch đề ra và 2 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 85,5%; tỷ lệ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,91%; hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới cho rau màu, cây ăn quả đạt 100%. Về thu nhập của người dân đạt 52,5 triệu đồng/người/năm tính theo chỉ số GRDP (tổng sản phẩm trong tỉnh); tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh còn 0,5%...

 

 QUỲNH NHIÊN