Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) được tỉnh chú trọng. Với sự quan tâm đầu tư về nhiều mặt trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng bộ tỉnh, ngành nông nghiệp đã có bước phát triển mạnh, diện mạo các xã trong tỉnh đã thay đổi rõ rệt.
(BDO)
Chị Nguyễn Ngọc Thúy (xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên) bên mô hình trồng hành lá theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình Ảnh: N.TRẦN
Thực hiện mục tiêu gắn kết
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là hai chủ đề gắn kết chặt chẽ trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm đem lại cuộc sống tốt hơn cho nông dân. Bên cạnh đó, tái cơ cấu nông nghiệp được thực hiện nhằm tổ chức lại sản xuất để có năng suất, sản lượng tăng cao hơn, đưa thu nhập nông dân nâng cao, qua đó thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Đây cũng là một trong những tiêu chí đặt ra trong quá trình xây dựng NTM.
Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đặt nông dân vào vị trí trung tâm và có vai trò chủ đạo trong quá trình này. Nhiều nguồn vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất. Đối với những địa bàn có diện tích sản xuất đất nông nghiệp lớn, các địa phương đã tập trung phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn trái đặc sản, rau an toàn, chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Ở các vùng sản xuất lúa và cây ngắn ngày, hệ thống giao thông nội đồng được đầu tư hoàn chỉnh; hệ thống thủy lợi bảo đảm nước tưới cho lúa, rau màu. Bên cạnh đó, nông dân trong tỉnh đã kiên trì luân phiên sản xuất trong năm nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Các loại cây trồng ngắn ngày như lúa, rau màu tiếp tục được nhiều xã nông thôn xây dựng các vùng chuyên canh, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao sản lượng. Kết quả cho thấy, thời gian gần đây, năng xuất cây lúa đạt bình quân từ 6 - 8 tấn/ha; rau màu đạt bình quân từ 2 - 2,5 tấn/1.000m2 mỗi vụ. Nhờ đó, đến nay thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt 31 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn 2015-2020, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện xây dựng trạm thực nghiệm và huấn luyện chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sở đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ xem xét kịp thời hỗ trợ vốn khoa học công nghệ cho giai đoạn này.
Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
Thạnh Hội là xã điểm về mô hình quy hoạch phát triển NTM của TX.Tân Uyên, cũng là một trong những địa phương thực hiện việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM có hiệu quả. Xã Thạnh Hội còn được chọn để triển khai dự án khoa học công nghệ “Ứng ứng dụng công nghệ sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP” thực hiện trong thời gian từ tháng 7-2012 đến tháng 6-2015. Theo đó, đã có 40 hộ dân tham gia thực hiện 4 mô hình với diện tích 4 ha để trồng hành lá, cải ngọt, dưa leo, ớt cay. Các hộ dân thực hiện dự án này được tham gia 9 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau, được chuyển giao 6 quy trình công nghệ về sản xuất và phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây, được hỗ trợ giống, phân bón… Dự án được thực hiện với tổng kinh phí 4 tỷ đồng. Qua gần 3 năm thực hiện dự án cho thấy, năng suất bình quân đối với hành lá đạt 10 tấn/ ha, cải ngọt đạt 18 tấn/ha, ớt cay đạt 1 tấn/1.000m2.
Ông Trần Kim Quan, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội cho biết, kết quả ban đầu thực hiện dự án xây dựng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP cho thấy, hiệu quả kinh tế đã được nâng lên, người dân tiết kiệm được công sức lao động, tạo ra nguồn sản phẩm sạch để cung cấp cho thị trường. Trong thời gian tới, xã tiếp tục hoàn thiện dự án để đăng ký thương hiệu, logo và mong muốn sản phẩm rau sạch sản xuất tại địa phương được nhiều người biết đến có thể tiếp cận vào hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, xã luôn bảo đảm giữ vững 19 tiêu chí NTM đã đạt được và phấn đấu, năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng.
Chị Nguyễn Ngọc Thúy, người dân xã Thạnh Hội cho biết, tham gia dự án sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP gia đình chị được hỗ trợ trồng hoa màu xen canh trên 2.000m2 đất. Bên cạnh đó, chị còn được tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật. Vì thế, việc thực hiện quy trình trồng VietGAP đã giảm được lượng thuốc trừ sâu và phân bón sử dụng trên cây nhưng năng suất vẫn tăng lên và ổn định hơn. Nhờ vậy, kinh tế của gia đình chị được cải thiện, thu nhập bình quân đạt gần 100 triệu đồng/năm.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM thành công, tới đây tỉnh sẽ chú trọng đầu tư cho khu vực nông thôn. Riêng ngành nông nghiệp, đang phấn đấu đạt sản lượng chăn nuôi, trồng trọt bình quân 100 triệu đồng/ha/năm. Đối với chương trình xây dựng NTM, tỉnh đang đầu tư mạnh cho các xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí nhằm hoàn thành mục tiêu năm 2015 toàn tỉnh có 30/40 xã đạt chuẩn NTM.
N.TRẦN