Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà: Hiệu quả rõ rệt
Thời gian qua, Bình Dương đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Hiện lĩnh vực nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
(BDO) Hướng đến thực phẩm an toàn
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Năm 2018, tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên địa bàn tỉnh đạt 22.181 ha (giảm 4,2% so với năm 2017), diện tích gieo trồng cây lâu năm đạt 142.091 ha (tăng 1,2%), diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 4.000 ha, diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị khoảng 142,5 ha với các loại cây trồng giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, dưa lưới, hoa lan cây cảnh...
Tái cơ cấu nông nghiệp đang được tỉnh nhà quan tâm, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Đối với cây cao su, đến nay, tổng diện tích cây cao su trong toàn tỉnh đạt 133.291 ha (tăng 137 ha so với năm 2017), đứng thứ 2 cả nước; năng suất cho mủ đạt 1,8 tấn/ha, cao hơn mức trung bình cả nước (1,7 tấn/ha). Cây cao su đem lại thu nhập bình quân cho các công ty, người trồng cao su trên địa bàn tỉnh khoảng 50 triệu đồng/ ha. Trong khi đó, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh hiện đạt gần 6.800 ha (tăng hơn 50% so với năm 2013), trong đó diện tích cây có múi đạt gần 3.400 ha, mang lại lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng/ha.
Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi của tỉnh đang tập trung ứng dụng công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh có 119 trang trại đầu tư trại lạnh chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn hơn 6,2 triệu con (tăng 73% so với năm 2013), 140 trang trại đầu tư nuôi heo thịt, heo giống năng suất cao với tổng đàn 425.000 con, trong đó có 33 trang trại đạt chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 418 hộ dân đầu tư sản xuất mô hình nông nghiệp đô thị nuôi thủy đặc sản, chim cảnh với số lượng gần 34.000 con các loại như cá cảnh, ba ba, chim yến, trĩ, nhím, kỳ đà, rắn. ..
Thời gian qua, quy trình giết mổ gia súc, gia cầm đã được các cấp, các ngành liên quan của tỉnh quan tâm đúng mức, hình thức giết mổ trên sàn không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đang được thay thế bằng hệ thống giết mổ treo bán công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 49/49 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ứng dụng hình thức giết mổ treo, công suất hàng năm là 28.935 con trâu, bò, 790.423 con heo và gần 12 triệu con gia cầm. Toàn tỉnh còn có 3 khu chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao là trại gà Ba Huân, khu chăn nuôi gà thịt, gà cho trứng Tiến Hùng và khu chăn bò sữa của Công ty CP phát triển nông nghiệp Bình Dương. Các khu chăn nuôi này hiện đang hoạt động rất hiệu quả và là hình mẫu cho việc phát triển chăn nuôi theo hướng cao nghệ cao của tỉnh nhà trong tương lai.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, những năm qua tỉnh đã chủ động triển khai nhiệm vụ đưa khoa học - công nghệ gắn với các mô hình sản xuất nâng cao chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất hàng hóa. Kết quả, việc thực hiện nhiệm vụ này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể kể đến như Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương”, đã giúp hình thành nên vùng chuyên canh sản xuất bưởi da xanh theo hướng VietGAP, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và hình thành thương hiệu bưởi da xanh cho vùng sản xuất bưởi Hiếu Liêm. Bên cạnh đó là Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương”, giải quyết các vấn đề kỹ thuật tạo đầu ra chất lượng cho sản phẩm, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo ra sản phẩm an toàn cho xã hội.
Cùng với đó là các đề tài khoa học cấp tỉnh đang được áp dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương, như đề tài Hỗ trợ giữ và phát triển vùng cây trái đặc sản; đề tài Áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; đề tài Nghiên cứu sản xuất các chế phẩm thảo dược trên heo để phòng bệnh đường ruột, đường hô hấp và kích thích tăng trọng cho heo…
Có thể nói, hoạt động khoa học - công nghệ trong ngành nông nghiệp phục vụ mục tiêu tái sản xuất, xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh nhà quan tâm, có bước phát triển đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình nông dân. Thời gian qua, hệ thống chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp tại tỉnh đã phát triển về nguồn lực, cơ sở vật chất kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ trong chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi; nhiều nông dân rất tích cực tham gia cải tiến khoa học - kỹ thuật, qua đó góp phần nâng cao trình độ khoa học - kỹ thuật của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Theo Hội Nông dân tỉnh, 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu về giảm nghèo bền vững” đã và đang được các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện ngày càng có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả của phong trào được nâng cao, có sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp.
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp các cơ quan, ban, ngành thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu cây trồng đã giúp một số địa phương trong tỉnh như các xã Hiếu Liêm, Bạch Đằng của TX.Tân Uyên... có được giống cây chủ lực (cây có múi) để phát triển kinh tế, có thêm nhiều nguồn lực để hoàn thành, nâng chất các tiêu chí NTM.
Đối với huyện Dầu Tiếng, nhờ tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững đã thúc đẩy huyện nhà dần hoàn thiện hạ tầng nông thôn, phát triển nông nghiệp gắn kết với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đến nay, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đánh giá rất cao công tác tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh nhà trong 5 năm qua. Ông yêu cầu ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu nông nghiệp gắn với lợi thế từng vùng, từng địa phương; nâng cao chất lượng sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ông cũng chỉ đạo các cơ quan, ban ngành cần rà soát lại các chính sách hỗ trợ nông nghiệp; xây dựng đa dạng các mô hình sản xuất VietGAP; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể để đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững và là động lực để các địa phương hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Bình Dương có 5 nhãn hiệu tập thể gắn với địa danh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể là bưởi Bạch Đằng, măng cụt Lái Thiêu, bánh tráng Danh Lễ - Thanh An, cam bưởi Hiếu Liêm, hoa lan Đất Thủ. Tuy vậy, theo đánh giá, ngành nông nghiệp tỉnh nhà vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành.
Cụ thể, việc nghiên cứu ứng dụng khoa học trong ngành nông nghiệp tỉnh nhà vẫn còn hạn chế. Điển hình, một số đề tài, dự án, mô hình nông nghiệp hiện chỉ dừng lại ở mức độ xây dựng mô hình, chưa thể nhân rộng; giá các mặt hàng nông sản tăng, giảm không ổn định, gây khó khăn trong công tác định hướng cho người dân trong việc lựa chọn vật nuôi, cây trồng; quy mô sản xuất chưa đủ lớn nên không bảo đảm hợp đồng tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chưa phân biệt rõ ràng giữa sản phẩm ứng dụng công nghệ cao bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm và sản phẩm thông thường, nên việc thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của tỉnh.
PHÙNG HIẾU