Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn từ nay đến năm 2015 là tiền đề cực kỳ quan trọng cho giai đoạn tiếp theo (*)

Thứ bảy, ngày 09/06/2012

(Bài phát biểu tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII ngày 8-6)

Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết của đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của cơ quan soạn thảo và Chính phủ đã kịp thời trình dự thảo đề án tại kỳ họp này. Xét về quy mô, phạm vi và mức độ phức tạp tôi cho là lớn nhất từ trước tới nay. Và có lẽ vì là tổng thể nên nó mang dáng dấp của một đề án chủ trương chung hơn là một đề án khả thi. Bởi ngay phần cuối đề án có ghi “căn cứ vào các nội dung, định hướng và giải pháp tái cơ cấu kinh tế tại đề án này các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổng công ty và tập đoàn kinh tế Nhà nước trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng các chương trình, đề án hoặc kế hoạch cụ thể về tái cơ cấu kinh tế của ngành, địa phương và đơn vị, đồng thời triển khai thực hiện ngay các giải pháp tái cơ cấu kinh tế trên các lĩnh vực có liên quan” ... như vậy là Quốc hội vẫn phải chờ. Nếu thông qua đề án tổng thể mà chưa rõ đề án thành phần thì chưa ổn, có bao nhiêu đề án thành phần và ai sẽ thông qua. Qua nghiên cứu còn một số vấn đề tôi quan tâm và đề nghị làm rõ như sau:

1. Liên quan đến tính khả thi của đề án, tôi thật sự lo lắng với thực trạng nền kinh tế mà phiên thảo luận hôm qua các các đại biểu đã phân tích nhiều, tôi xin không lặp lại. Chỉ xin lấy đó làm cơ sở để nêu những ý kiến của mình. Tôi muốn Chính phủ phải dự báo và phân tích đánh giá sâu hơn sự tác động các mặt của đề án như thế nào đến đời sống kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn cụ thể. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào khi mà hiện nay sức khỏe của nhân vật chính, thành tố trung tâm là các đơn vị kinh tế, các doanh nghiệp nói chung trực tiếp vận hành công việc tái cơ cấu đang gần như kiệt sức. Các doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu được tới đâu, khi mà nguồn vốn hạn hẹp, tồn kho đầy ắp cùng với một thị trường đầu ra trầm lắng.

 Giao nhận hàng xuất nhập khẩu tại Tân cảng Sóng Thần (Ảnh: Trí Dũng)

2. Chúng ta không nên quá kỳ vọng rằng đề án này sẽ đưa ra giải pháp tối ưu để giúp nền kinh tế vượt qua ngay khó khăn, mà theo tôi giai đoạn đầu trên hết phải nhắm đến mục tiêu khắc phục càng sớm càng tốt những yếu kém tồn tại của nền kinh tế, phải lấy lại được thế ổn định cho kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từ đó làm cơ sở để tiếp tục bảo đảm thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm, mục tiêu thiên niên kỷ. Nên chăng, chúng ta cần phải đặt vấn đề quy hoạch phát triển tổng thể nền kinh tế trong dài hạn với tầm nhìn từ 30 năm, 50 năm, rồi căn cứ vào đó hoạch định tái cơ cấu cho từng giai đoạn. Tôi cho rằng tái cơ cấu giai đoạn từ nay đến năm 2015 là tiền đề cực kỳ quan trọng cho giai đoạn tiếp theo, bởi lẽ trong tương lai chúng ta phải tính toán đến việc vận hành một nền kinh tế khi mà nguồn tài nguyên đã cạn kiệt, diện tích đất bị thu hẹp do nước biển dâng và cả các hệ lụy của quá trình tăng dân số, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và khó kiểm soát. Tôi thống nhất cao về khung cơ bản của quá trình tái cơ cấu với 3 trọng tâm mà đề án đề cập (1- tái cơ cấu đầu tư trọng tâm là đầu tư công, 2- tái cơ cấu DNNN trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, 3- tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính). Tuy nhiên để đề án khả thi và thực chất, theo tôi điều quan trọng hàng đầu đó là cần phải cơ cấu lại và hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống các thể chế - chính sách, đặc biệt cần có giải pháp về công tác cán bộ, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng kịp thời với yêu cầu của việc thay đổi mô hình và phương thức tăng trưởng kinh tế trước mắt cũng như dài hạn.

3. Tái cơ cấu kinh tế thật ra không phải là vấn đề hoàn toàn mới, xét ở phạm vi nhỏ hơn khi đề án tổng thể được triển khai nó có phần giống như quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà các địa phương đã và đang thực hiện. Do đó Chính phủ cần rà soát lại, xem mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương, đề án tái cấu trúc của các ngành, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế đang thực hiện, xem địa phương, doanh nghiệp nào hiện đã phù hợp, đi đúng hướng với mục tiêu chung, cần đầu tư để phát triển mạnh hơn, tạo sức lan tỏa. Địa phương, doanh nghiệp nào chưa có cơ cấu phù hợp thì cần phải thực hiện giải pháp, mô hình gì để điều chỉnh lại cơ cấu. Chứ không nên địa phương nào cũng xây dựng sân bay, cảng biển nước sâu, khu công nghiệp để công nghiệp hóa theo chủ trương rồi cùng nhau “trải thảm đỏ mời gọi đầu tư” như thời gian vừa qua.

4. Về tổng thể, đề án cần phải xác định và đánh giá năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, Việt Nam có thế mạnh gì và đang ở đâu trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Tiếp đến đề án cần phải xem xét đánh giá thế mạnh lợi thế cạnh tranh của từng ngành, từng vùng, từng địa phương. Khi đi vào quá trình tái cơ cấu, có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp sẽ phải tái cấu trúc lại ngành nghề, điều chỉnh lại sản xuất và kế hoạch đầu tư thậm chí phải đóng cửa, phá sản khi không còn đủ lực để chuyển đổi cải tổ, nó trầm trọng thêm nếu đầu tư công tiếp tục bị siết chặt, sự cộng hưởng này sẽ tác động thế nào đến đời sống kinh tế - xã hội và người dân vốn đã rất khó khăn, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần thận trọng đánh giá và làm rõ. Thứ nữa, việc đưa ra mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu để bảo đảm tốc độ tăng trưởng bình quân 7 - 8%/năm thời kỳ 2011-2020 là mục tiêu hoàn toàn đúng, nhưng rất khó thực hiện với xuất phát điểm như tình hình hiện nay, dư âm của nó khó khôi phục một sớm một chiều. Quá trình tái cơ cấu sẽ khả thi hơn nếu dựa trên cơ sở những nguồn lực hiện có và tiềm lực có khả năng huy động được, như thế mới bền vững và qua đó cũng góp phần giảm áp lực cho Chính phủ trong suốt quá trình tái cơ cấu.

5. Một phần quan trọng trong đề án này tôi chưa thấy đề cập đó là nguồn lực, nguồn kinh phí thực hiện, nhưng theo tôi chắc chắn chưa thể tính ngay được, tôi lấy ví dụ khu vực kinh tế đã hình thành các khu cụm công nghiệp và tỷ lệ lấp đầy khá cao như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, nếu buộc phải tái cơ cấu do không đúng định hướng thì tổn phí không hề nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân sẽ làm thế nào và lấy nguồn kinh phí ở đâu. Khi đó việc tái phân bổ các nguồn lực ở cấp vĩ mô, chi đầu tư công ở địa phương sẽ dựa trên tiêu chí nào, nếu ghi chung chung là “phải nhắm đến mục tiêu hiệu quả, góp phần nâng cao nâng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng” thì thật ra rất khó để căn cứ thực hiện. Do đó tôi đề nghị Ban soạn thảo cần tham vấn các chuyên gia để tính toán, bổ sung các tiêu chí và giải pháp thực hiện vào dự án trình Quốc hội xem xét.

6. Sau cùng, để bảo đảm cho quá trình tái cơ cấu đi đúng mục tiêu, định hướng, Chính phủ cũng nên chỉ đạo xây dựng hệ thống các chỉ tiêu, chỉ báo và cơ chế giám sát an toàn liên tục để cảnh báo các rủi ro vĩ mô, dự báo kịp thời các phản ứng của chính sách và biến động của tình hình kinh tế và thị trường có tác động đến quá trình thực hiện các mục tiêu. Hệ thống chỉ báo và cơ chế giám sát này cần độc lập, công khai, minh bạch để mọi đối tượng cùng giám sát nhằm hạn chế những Vinashine, Vinaline thứ hai.

(*) Tựa do tòa soạn đặt