Tái chế rác thải, bảo vệ môi trường

Thứ sáu, ngày 05/04/2024

(BDO) Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh rất lớn, đòi hỏi việc kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua tái chế nguồn phế liệu trở nên thiết thực hơn bao giờ hết.

 Phụ nữ thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên thuyết trình tại cuộc thi sáng tạo sản phẩm từ phế liệu

 Kích thích sáng tạo

Có dịp chiêm ngưỡng các tác phẩm trong góc sáng tạo do học sinh trường Tiểu học Lai Hưng (xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng) mới thấy sức sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của các em là không giới hạn. Trong một không gian nhỏ nổi bật với những tác phẩm thú vị, độc đáo, như chiếc thuyền, hộp bút, bình cắm hoa, các hình khối...

Bên chiếc chong chóng xinh xắn, em Lê Quỳnh Như, học sinh lớp 5A3, trường Tiểu học Lai Hưng, giới thiệu: “Sản phẩm này con làm từ đũa gỗ đã qua sử dụng và nắp chai. Con được cô giáo hướng dẫn làm, sau đó về nhà tự làm. Thầy cô giáo luôn truyền đạt ý nghĩa về tái chế, tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường (BVMT)”. Em Phạm Hiếu Nghĩa lớp 5A2, bên sản phẩm khối lập phương làm bằng giấy, chia sẻ: “Con rất thích các sản phẩm trong góc sáng tạo, những sản phẩm này dùng để trang trí rất đẹp. Ở nhà con thường làm vào thứ bảy, chủ nhật. Lên lớp làm cùng với các bạn thú vị và vui hơn nữa”.

Cô Ngô Thị Thanh Nhã, giáo viên trường Tiểu học Lai Hưng, chia sẻ các sản phẩm là kết quả của các em từ việc áp dụng kiến thức trong môn học để thực hành. Thông qua các mô hình giáo dục cho học sinh ý thức BVMT, ứng dụng lý thuyết vào thực tế, kích thích khả năng sáng tạo của học sinh nhiều hơn. Bên cạnh đó, thực hiện mô hình còn giúp các em thúc đẩy năng lực giải quyết vấn đề, làm việc nhóm.

Bên cạnh góc sáng tạo của học sinh, góc thư giãn do giáo viên nhà trường thiết kế góp phần tạo cảnh quan, không gian tươi mới cho trường học. Những chiếc vỏ xe, tấm thép xây dựng được thiết kế thành bàn, ghế cho góc thư viện, quầy tự phục vụ nước uống. Cô Đoàn Thị Vân Quế, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Lai Hưng, cho biết: “Trường luôn lồng ghép giáo dục BVMT cho học sinh thông qua các tiết học, hướng dẫn các em nhặt rác, bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác vô cơ, hữu cơ. Tận dụng các phế phẩm để thực hiện góc sáng tạo, góc thư giãn giúp trường lớp luôn sạch sẽ, tiết kiệm chi phí mua đồ dùng học tập. Hơn thế, từ những kiến thức được học ở trường, các em sẽ tích cực BVMT”.

Việc sử dụng phế liệu để tạo ra các sản phẩm mới là một hoạt động giáo dục đầy ý nghĩa, giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, nâng cao ý thức BVMT và xây dựng môi trường học tập xanh - sạch - đẹp.

Thiết thực những hội thi

Thông qua cuộc thi tái tạo phế liệu, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bắc Tân Uyên đã khuyến khích các hội viên tham gia vào việc tái chế nguồn phế liệu, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, góp phần BVMT, nâng cao ý thức cộng đồng.

 Các em học sinh trường Tiểu học Lai Hưng bên các tác phẩm được sáng tạo từ nguồn phế liệu

Bà Phan Thị Ngọc Lợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bắc Tân Uyên, cho biết với sự khéo léo, sáng tạo, hội viên đã tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Các sản phẩm tái chế có tính ứng dụng cao trong thực tế, góp phần giảm phát sinh chất thải ra môi trường, giúp môi trường cuộc sống luôn sạch đẹp. Từ các phế liệu như vỏ chai, lốp xe... chị em phụ nữ đã làm nên những vật dụng thiết thực như lọ hoa, đồ dùng trang trí. Qua hội thi, chị em phụ nữ ý thức được giá trị của tài nguyên thiên nhiên.

Có thể nhận thấy, tùy thuộc vào phế liệu, khả năng sáng tạo của con người, đặc thù hoạt động, các đơn vị đã có những cách làm khác nhau trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức BVMT, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý. Đối với trường học, tuyên truyền thông qua lồng ghép vào các tiết học, sáng tạo các mô hình... Đối với các tổ chức đoàn thể, cộng đồng được tuyên truyền thông qua các hội thi, phong trào thi đua. Đối với các doanh nghiệp thông qua áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, tái sử dụng chất thải...

Từ những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi, qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của con người đã tạo thành những sản phẩm mới hữu dụng. Đây là một hướng đi mới đầy tiềm năng, xây dựng lối sống hài hòa với thiên nhiên, phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để công cuộc chống rác thải nhựa nói riêng và BVMT nói chung không bị “lãng quên”, các mô hình, cách làm hay cần được nhân rộng, lan tỏa, duy trì thường xuyên, liên tục.

 Theo thống kê, năm 2023 mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 2.200 tấn chất thải sinh hoạt, 2.800 tấn chất thải công nghiệp, trong đó rác thải nylon, nhựa chiếm khoảng 300 tấn. Tuy nhiên, lượng chất thải nhựa được tái chế trên địa bàn tỉnh còn thấp, việc chung tay của các cá nhân, tổ chức trong tái chế, tái sử dụng vật liệu phế thải có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc BVMT.

 TIẾN HẠNH