Tác nghiệp… về đêm
Đối với một phóng viên viết điều tra, để thu thập được thông tin đôi khi phải chấp nhận đối mặt với rủi ro, mạo hiểm. Và để thực hiện được loạt bài phóng sự điều tra “Mãi lộ về đêm” (tác phẩm đoạt giải khuyến khích cuộc thi Báo chí quốc gia năm 2015 - nhóm P.V Tâm Trang- Thanh Hồng) chúng tôi đã phải đối mặt với những rủi ro trong vòng 9 tháng. Câu chuyện giả trang tác nghiệp trong đêm đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng khó quên…
Đề tài bắt đầu với những thông tin phản ánh từ phía các tiểu thương chợ 434 (TX.Thuận An) và chợ Thủ Dầu Một về việc họ thường xuyên bị những đối tượng mượn danh “chính quyền” chặn xe lôi, xe ba gác bắt chẹt tiền mỗi đêm khi đi lấy hàng bông ở chợ Đầu Mối (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Sau khi thu thập nguồn tin từ rất nhiều nạn nhân, chúng tôi nhanh chóng lập kế hoạch thực hiện đề tài phóng sự điều tra. Đối tượng được phản ánh là nhóm nam thanh niên, trung niên thường xuyên mặc sắc phục của Ban Bảo vệ dân phố, công an viên ở một số địa bàn giáp ranh với phường An Bình, TX.Dĩ An và phường Bình Chiểu, Q.Thủ Đức. Thời điểm vừa nhận thông tin phản ánh, chúng tôi chưa thể xác định được nhóm đối tượng chuyên “chặn” tiền các tiểu thương vào ban đêm có phải giả danh hay không, bởi nạn nhân cũng chưa thể phân biệt được sắc phục của lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng dân quân, dân phòng hay lực lượng công an viên, cảnh sát cơ động…
Để có được những thông tin chính xác, chúng tôi chủ động giả trang thành những tiểu thương đi lấy hàng bông ở chợ Đầu Mối.
Mọi thứ tưởng như đơn giản nhưng lại lắm công phu từ việc “trang trí”, “hạ đời” những chiếc xe máy sao cho xù xì, lọc cọc kiểu xe chuyên chở hàng. Hai phóng viên nữ cũng phải hóa trang sao cho giống các bà, các chị cửu vạn, bụi bặm và chân phương nhất có thể. Ngoài việc chuẩn bị về phương tiện di chuyển, chúng tôi còn đầu tư thêm nhiều công cụ tác nghiệp như máy quay phim, chụp hình, máy ghi âm, cúc áo ghi hình, viết chụp hình… Khi mọi thứ sẵn sàng, dưới sự hỗ trợ của các “hiệp sĩ đường phố”, hai nữ phóng viên đã có những “đêm trắng” đầy ấn tượng trong vai những người đi buôn. Cứ 23 giờ mỗi đêm, theo kế hoạch, chúng tôi lại lên đường và trở về khi bình minh vừa ló dạng dưới màn sương mờ đục.
Có xâm nhập vào màn đêm mới thấy được những bí ẩn mà cuộc sống ban ngày khó quan sát được. Những cung đường vắng hoe và bóng dáng các cô gái “ăn sương” mỏi mòn chờ khách. Ở những địa bàn nóng bỏng như cầu vượt Sóng Thần, bến xe Lam Hồng, chợ Đầu Mối..., bất kể giờ nào trong đêm, các loại xe tải, container vẫn nối đuôi từng đoàn. Một cuộc sống về đêm đầy bí ẩn ở địa bàn giáp ranh hiện ra với những quán cà phê sáng đèn, những tràn cười ngây dại của đám thanh niên choai choai phê thuốc…
Xâm nhập vào màn đêm để theo dõi, tìm dấu “con mồi” nhưng đôi khi chính những phóng viên lại trở thành “con mồi” cho một nhóm đối tượng khác. Có những đêm, hai phóng viên nữ gặp một phen hoảng hồn vì bị một nhóm thanh niên “đeo” suốt cả một chặng đường dài.
Những lúc tưởng chừng như tuyệt vọng vì không thể tiếp tục thực hiện đề tài, chúng tôi lại liên tục nhận được thông tin phản ánh của các nạn nhân. Mỗi lần nghĩ đến những tiểu thương hàng bông nghèo khổ bị bắt chẹt, sức mạnh tinh thần lại được vực dậy, chúng tôi động viên tinh thần nhau rồi lại lao vào đêm tối. Kết quả, 9 tháng từ khi đề tài bắt đầu đến lúc kết thúc, khi mọi thứ đã sáng tỏ, khi các tiểu thương hân hoan thông báo: “Dạo này, chúng tôi không bị chặn xe nữa” thì chúng tôi mới thật sự nhẹ nhõm. Bài viết chưa thật sự xuất sắc, chưa thể chuyển tải đầy đủ những thông tin mà chúng tôi kỳ vọng nhưng ít nhiều đã mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần củng cố, xây dựng thêm niềm tin của một bộ phận người dân dành cho những người cầm bút. Đó chính là động lực để chúng tôi không ngừng học hỏi, nỗ lực thực hiện những đề tài tiếp theo.
TÂM TRANG