Tác nghiệp thời Covid-19, những kỷ niệm khó quên
(BDO) Với những người tuyến đầu là đội ngũ y, bác sĩ, thậm chí lãnh đạo ngành y, họ bất chấp hiểm nguy lao vào vùng dịch cứu người; thì cánh P.V tác nghiệp trong những ngày cao điểm dịch bệnh cũng phải xung trận, để làm sao truyền tải thông tin đến bạn đọc một cách nhanh và hiệu quả nhất. Đó là những kỷ niệm khó quên trong những tháng cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Tác giả (phải) tác nghiệp trong những ngày cao điểm dịch bệnh Covid-19
Nỗi lo ngày đầu vào khu cách ly
Hơn 10 năm công tác ở Phòng Bạn đọc - Pháp luật, bản thân tôi và đồng nghiệp chung phòng đã lăn lê từ thành thị đến nông thôn, thực hiện không ít bài điều tra theo phản ánh đường dây nóng của người dân. Chuyện dầm mưa, dãi nắng hay phải ngụy trang thành tài xế xe ôm, người đi nhặt củi để tiếp cận hiện trường vụ việc, đều mang đậm yếu tố chuyên môn và không kém phần vất vả… Những ngày đầu tháng 3, khi dịch bệnh Covid-19 bước sang giai đoạn cao điểm, tôi được Ban biên tập tăng cường vào nhóm tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Trải qua hơn 2 tháng “chiến đấu” miệt mài trên bàn phím, với nhóm P.V chúng tôi là những kỷ niệm khó quên trong nghề. Đó là những ngày mà phải chạy đến mướt mồ hôi, mất ngủ và sút cân.
Tác nghiệp trong mùa dịch bệnh, hầu hết P.V được Ban biên tập trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn để phòng, chống dịch bệnh; riêng nhóm chúng tôi thì lãnh đạo cơ quan liên tục điện thoại nhắc nhở: “Không nên tiếp cận quá gần người nghi nhiễm, phải giữ khoảng cách an toàn. Tác nghiệp để đưa tải thông tin là quan trọng, nhưng việc phòng ngừa nhiễm bệnh là không được chủ quan”. Đó cũng là nỗi lo chung của hầu hết mọi ngành tuyến đầu trong những ngày dịch bệnh. Bởi không lo làm sao khi P.V trong và ngoài nước đều có người nhiễm bệnh. Biết bao y, bác sĩ giỏi đã ra đi vĩnh viễn vì bị nhiễm Covid-19.
Nỗi lo ấy càng nhân lên khi những lần bản thân tôi trực tiếp đi ghi hình, trao đổi với những người nghi nhiễm ở các khu cách ly (KCL) Covid-19 ở các huyện, thị và trường Quân sự tỉnh, nơi có hàng trăm người đang bị cách ly. Và kỷ niệm khó quên nhất với tôi, đó là ngày đầu tiên tác nghiệp tại KCL Trung tâm Y tế TP.Dĩ An. Ở đây có nhiều người đang cách ly theo diện F1 (những người tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh khi đi cùng chuyến bay hay ngồi chung xe). Các bác sĩ làm việc trực tiếp ở KCL tâm sự rằng: “Sau mỗi ngày làm việc, khi về nhà họ thường đi thẳng vào nhà vệ sinh, bỏ hết quần áo vào máy giặt và tắm rửa bằng xà bông diệt khuẩn cho thật sạch, sau đó mới dám tiếp xúc với người nhà. Việc lây nhiễm rất khó lường, không thể chủ quan”.
Lần đầu vào KCL mà nghe các bác sĩ tâm sự như thế, ai mà không sợ, không lo. Không lo cho bản thân thì cũng lo cho gia đình, người thân. Bởi một người nhiễm bệnh, cũng đồng nghĩa cả gia đình có nguy cơ lây nhiễm, cả khu phố phải cách ly. Nhưng để có hình ảnh sinh động, hiểu chi tiết về KCL, P.V không thể không vào. Khi đặt chân vào KCL, bác sĩ lại nói nhỏ vào tai tôi: “Không tiếp xúc quá gần với người cách ly, không chạm tay lên bề mặt từ vách tường đến giường chiếu hay các vật dụng trong KCL”. Khoảng thời gian có mặt 30 phút tại đây, tôi cảm thấy dài hơn mọi khi rất nhiều.
Lúc trở về nhà, tôi thực hiện theo đúng lời dặn của bác sĩ, tắm rửa sạch sẽ trước khi gần con. Nhưng rồi cái cảm giác lo âu vẫn đeo bám trong người. Những ngày sau, chỉ mong sao trong người đừng có triệu chứng lạ, không bị ho hay nóng sốt. Rồi lại nghĩ đến chuyện: “Tại sao các y, bác sĩ lại bất chấp hiểm nguy để làm việc mỗi ngày trong KCL, còn mình thì phải lo?”. Vậy là thời gian trôi qua, hết ngày này đến ngày khác, tôi quen dần khi lân la hết KCL này đến KCL khác trên địa bàn để tác nghiệp trong mùa dịch bệnh.
Tất cả vì công việc
Những ngày cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tháng 3 và 4, có thể nói thông tin tuyên truyền trên mặt báo là rất quan trọng. Bên cạnh phải viết làm sao để người dân biết cách phòng ngừa nhiễm bệnh thì phải nghiên cứu, hiểu thật rõ các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như các văn bản của UBND tỉnh trong những ngày cách ly toàn xã hội. Chỉ cần đưa một thông tin chưa rõ, người dân sẽ hoang mang, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Điển hình là những ngày cuối tháng 3, khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành về giãn cách xã hội, trong đó có việc người cách người 2m, cấm tụ tập trên 10 người ngoài công sở, các quán xá kinh doanh tạm thời đóng cửa. Chỉ nghe qua chỉ thị mà chưa hiểu rõ chi tiết trong chỉ thị, vậy là tối ngày 31-3, hàng ngàn người trên khắp địa bàn tỉnh đổ xô vào siêu thị, chợ, cửa hàng bách hóa mua lương thực, gạo, nhu yếu phẩm về tích trữ. Có người chờ ở cửa hàng gạo đến khuya vẫn chưa chịu về, vì chưa mua được gạo. Bởi người dân chưa hiểu những loại hình kinh doanh này vẫn được mở cửa phục vụ bà con. Vậy là hôm đó, dù tác nghiệp suốt ngày để đáp ứng bài vở, người mệt lả; nhưng đến 8 giờ tối, khi nhận được điện thoại của Ban biên tập: “Phải thông tin rõ hơn để người dân hiểu”, dù chưa cơm nước, tắm rửa, chúng tôi lại phải lên đường làm việc cho đến khuya.
Cũng vì thế mà trong khoảng thời gian này, trung bình mỗi ngày báo Bình Dương có 4 trang đăng trên nhật báo tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chưa kể tin, phóng sự ảnh, truyền hình trên báo Bình Dương Online. Để đáp ứng lượng bài vở này, nhóm chúng tôi gồm 4 P.V và anh phó phòng phụ trách chuyên môn gần như làm việc quên thời gian. Đó là những ngày đi sớm về khuya, lao vào các cuộc họp, đi thực tế với lãnh đạo tỉnh trong những lần kiểm tra, thị sát công tác phòng, chống dịch bệnh ở các huyện, thị, thành phố. Cứ đi về là lật bàn phím lên gõ, lúc nào xong việc mới được nghỉ ngơi. Có hôm, để đáp ứng được thông tin, bài cho ngày mai, chúng tôi phải làm việc đến 1, 2 giờ khuya, cay xè cả mắt, nhưng sáng hôm sau lại dậy sớm để lên đường tiếp tục tác nghiệp.
Và chuyện tác nghiệp trong mùa dịch thì không thể kể hết, bởi với cánh P.V, quán cà phê là văn phòng cũng là nơi làm việc, thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi. Cũng vì thế mà tác nghiệp trong những ngày giãn cách xã hội, những thói quen sinh hoạt mỗi ngày gần như bị đảo lộn, khiến anh em P.V gặp không ít khó khăn. Khoảng thời gian ấy, đi làm phải mang theo chai nước trong ba lô. Ngồi viết bài thì gần như ở bất cứ đâu có chỗ để bật máy là cứ thế mà gõ…
Với các P.V nữ trong nhóm tuyên truyền dịch bệnh như P.V Kim Hà, Hồng Thuận thì những ngày này còn vất vả trăm bề. Bởi ngoài chuyện tác nghiệp, họ phải còn chăm lo cơm nước, nhà cửa cho chồng con nên gần như suốt ngày tất bật với công việc cho đến tận khuya. Có hôm đi theo các đoàn kiểm tra của lãnh đạo tỉnh làm việc với các địa phương đến trưa mới xong, các chị liền kiếm tạm một góc nào đó viết vội tin, bài gửi về tòa soạn, vậy là đến 13 giờ chiều mới được ăn. Và gần như trong khoảng thời gian hơn 2 tháng ấy, ngày nào mỗi P.V trong nhóm tuyên truyền dịch bệnh cũng phải có tin, bài, khiến anh em xuống sắc, xuống ký. Như chị Kim Hà từng tâm sự khi họp phòng đầu tuần: “Nếu dịch bệnh còn kéo dài, không biết em trụ nổi không, chứ người lúc nào cũng muốn bệnh. Em đuối quá!”.
Phải đi nhiều, viết nhiều, thức đêm nhiều và đặc biệt là mỗi khi vào KCL hít phải vô số mùi hóa chất, xây sẩm cả mặt và tác nghiệp liên tục trong nhiều ngày, nên lúc nào trong người cũng thấy mệt như kiểu người bệnh là không sai. Bản thân tôi cũng không khá hơn các chị. Nhưng là những P.V tuyến đầu trong những ngày tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19, được sự quan tâm, động viên, chia sẻ của Ban biên tập, chúng tôi đã vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
QUANG TÁM