Suy nghĩ... từ bạo lực học đường!

Thứ hai, ngày 01/11/2010

Mới đây, một video clip phát tán lên mạng với nội dung: Một nữ sinh ở Cẩm Phả, Quảng Ninh bị đánh hội đồng, xé toạc quần áo... một lần nữa làm cho dư luận bàng hoàng, lo sợ bởi bạo lực học đường trong nữ sinh ngày càng gia tăng. Không chỉ dừng lại mức độ bạn bè, cách đây không lâu, vụ 5 nữ sinh định đánh “hội đồng” một cô giáo xảy ra tại Bình Dương bị người đi đường phát hiện, can ngăn, hô hoán nên hành vi bạo lực bất thành. Nguyên nhân đơn giản chỉ vì 2 nữ sinh đi học trễ bị cô giáo ghi tên...

Thật đáng buồn vì dường như một bộ phận thế hệ trẻ bây giờ đang sống vì bản thân mình nhiều quá, quên cả lễ nghĩa làm người. Bạo lực trong học đường mới chỉ là một phần trong những biểu hiện bất thường khi việc thiếu tôn trọng thầy cô, coi thường kỷ luật của nhà trường; xa rời chuẩn mực đạo đức truyền thống... đang được nhắc đến khá thường xuyên với học sinh. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh với các bậc phụ huynh, ngành giáo dục và cả xã hội. Nhiều quan điểm cho rằng nhà trường hiện nay mới chỉ coi trọng việc dạy chữ, xem nhẹ hoặc bỏ qua nội dung cực kỳ quan trọng là dạy làm người.

Trước kia, có ai nghĩ rằng, những điều xấu xa tưởng như không có trong trường học nhưng bây giờ lại diễn ra. Trách nhiệm đó thuộc về ai?

Có người cho rằng, trách nhiệm đó thuộc về nhà trường, về giáo dục. Điều này cũng có lý khi chương trình đào tạo chưa thực sự toàn diện cả về kiến thức và đạo đức, bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn khá “phổ biến”. Số đông thì nhận định, trách nhiệm đó không chỉ thuộc về nhà trường mà còn gia đình và xã hội. Sự tương tác ấy là đòn bẩy rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con người. Thế nhưng trên thực tế, mối quan hệ gắn kết này chưa thắt chặt rõ ràng, làm cho việc giáo dục học sinh biết ứng xử có văn hóa chưa thực sự đến nơi đến chốn, đó là chưa kể đến mức độ ảnh hưởng của game online...

Tục ngữ có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” - một bài học kinh nghiệm của người xưa đúc kết từ cuộc sống đến nay vẫn còn giá trị trong thực tiễn. Rõ ràng, nếu môi trường lành mạnh thì học sinh sẽ hấp thụ những điều tốt. Ngược lại, nếu môi trường thiếu lành mạnh thì các em sẽ bị ảnh hưởng xấu. Vì thế, gia đình, nhà trường phải cùng lo giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử của học sinh, của con em mình. Và pháp luật phải chứng minh hiệu lực để các em biết tôn trọng người xung quanh. Các quy tắc xã hội nhất thiết phải đưa vào các bộ môn để các em biết sống vì cộng đồng; đặc biệt là hạn chế đến mức thấp nhất không để các em thường xuyên tiếp cận với các loại hình văn hóa bạo lực. Nếu chúng ta không làm được điều đó sẽ thật khó bảo đảm giáo dục nhân cách sống đối với các em cho đúng nghĩa.

 Bất cứ thời kỳ nào cũng vậy, sự kết hợp giữa gieo mầm nhân cách với giáo dục tri thức luôn được đề cao. Bởi giáo dục trong nhà trường là yếu tố đặc biệt quan trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh, trong đó vai trò của người giáo viên rất quan trọng. Do đó, vấn đề đặt ra là cần xây dựng một hệ thống giá trị văn hóa chuẩn mực với những quy tắc ứng xử cụ thể trong học đường làm định hướng cho học sinh khi bước ra ngoài xã hội, trở thành một công dân tốt và có ích.

MAI HUY