Suy nghĩ nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(BDO) Ngày 23-11-1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công chưa đầy 3 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL-CTP “ấn định nhiệm vụ của Đông phương Bác cổ Học viện”. Đây được coi là văn bản đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, thể hiện sự đánh giá cao vai trò, vị trí của các di sản văn hóa cũng như định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Năm 2005, Chính phủ cũng đã quyết định chọn 23-11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Trong cộng đồng hơn 50 dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S, mỗi dân tộc đều có những đóng góp to lớn, để lại những di sản văn hóa có giá trị vĩnh cửu cho đời sau. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có gần 20 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây chính là tài sản văn hóa vô cùng to lớn mà thiên nhiên ban tặng và là công đức của cha ông hàng ngàn năm qua đã để lại cho con dân đất Việt ngày nay và mai sau.
Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, thiết nghĩ, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa cần phải trở thành ý thức trách nhiệm, niềm tự hào không chỉ của những người làm công tác văn hóa mà còn là trách nhiệm của mỗi người con dân đất Việt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI đã đề ra.
ĐÀM THANH