Suy dinh dưỡng... chiều cao!
Hiện nay, đời sống người dân ở nước ta không ngừng được cải thiện, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em từ 1 - 5 tuổi đã giảm đáng kể (từ 38,7% năm 1999 xuống còn 18,9% năm 2009). Tuy nhiên, tỷ lệ SDD thể thấp còi tức SDD chiều cao giảm khá chậm; hiện nay là 32,4%. Tỷ lệ này khá cao so với các nước cùng khu vực. Đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát tầm vóc, thể lực và khả năng cải thiện giống nòi của thế hệ sau. SDD chiều cao, trẻ khi mới sinh ra hoặc trẻ trong quá trình phát triển từ 1 - 5 tuổi trẻ có chiều cao không đạt so với chuẩn.
Dưới đây là các dấu hiệu để nhận biết trẻ SDD thấp còi: Một em bé khỏe mạnh sinh ra thường dài hơn 50cm, đây là một khởi đầu tốt cho sự phát triển sau này. Về chiều cao, trong 3 tháng đầu, mức tăng trung bình khoảng 3cm mỗi tháng. Ở độ tuổi 3 - 6 tháng, mức tăng là 2,5cm/tháng. Từ 6 - 9 tháng: 1,5 - 2cm/tháng. Từ 9 - 12 tháng: 1 - 1,5cm. Như vậy sau 1 năm, chiều cao của trẻ tăng khoảng 25 - 27cm, đạt mức 75 - 78cm. Trung bình bé trai cao khoảng 76cm, còn bé gái khoảng 75cm. Chiều cao của các bé gái trong năm đầu tiên thường ít hơn các bé trai khoảng 1,5cm. Trong 2 năm đầu đời, về chiều cao phát triển rất nhanh, thêm khoảng 25cm. Khi được 2 tuổi, bé sẽ cao khoảng 85cm...
Phòng ngừa SDD thấp còi là rất cần thiết. Để nâng cao tầm vóc, trí tuệ, trẻ cần được nuôi dưỡng, chăm sóc hợp lý để không bị SDD. Các gia đình cần có kiến thức về chăm sóc trẻ, thực hiện tốt “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý”, “8 hoạt động dinh dưỡng tại gia đình”; nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn hợp lý bằng các thực phẩm sẵn có tại địa phương; theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ hàng tháng; cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo lịch và uống Vitamine A, ăn uống và chăm sóc hợp lý cho trẻ trong và sau khi bị bệnh; giữ gìn vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân và phòng, chống giun sán cho trẻ.
Để con cháu chúng ta không bị SDD, không thấp còi, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, sự quan tâm, phối hợp của các cấp chính quyền địa phương như huyện, xã, phường cùng đầu tư kinh phí với Trung ương, tỉnh để cung cấp kiến thức cho các bà mẹ và phương tiện làm việc cho nhân viên truyền thông. Hiện nay, hầu như cộng tác viên truyền thông thực hành dinh dưỡng đang làm việc chủ yếu là bằng sự yêu nghề. Do đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích họ.
B.S PHẠM CÔNG CHÁNH (Trung tâm Truyền thông GDSK)