Sưu tầm, phát huy giá trị hiện vật văn hóa, lịch sử
Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ở Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, phải kể đến hàng loạt hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử được sưu tầm, bảo tồn để giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về mảnh đất, con người Bình Dương xưa.
(BDO)
Sưu tầm hiện vật
Nhìn những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng hay nhà truyền thống các huyện, thị, ít ai biết rằng, tất cả những giá trị quý báu ấy là cả một quá trình sưu tầm gian nan, vất vả của những người làm nghề sưu tầm hiện vật. Như con ong cần mẫn, những cán bộ phụ trách công tác sưu tầm, bảo tồn hiện vật mặc cho cái nắng oi bức, hay mưa rả rít hàng tháng vẫn rong ruổi trên lưng “con ngựa sắt” đi từng nhà, gặp từng người để sưu tầm hiện vật gốc, phục vụ việc bổ sung hiện vật trưng bày tại bảo tàng, nhà truyền thống.
Học sinh đến tham quan, tìm hiểu hiện vật lịch sử tại nhà truyền thống TX.Thuận An
Có đi sưu tầm hiện vật với các anh chị tại phòng sưu tầm Bảo tàng tỉnh mới cảm nhận hết cái khó khăn của công việc này. Ngay từ sáng sớm, chúng tôi có dịp theo chân cán bộ phòng sưu tầm xuất phát từ TP.Thủ Dầu Một đi huyện Bắc Tân Uyên để sưu tầm hiện vật. Những hiện vật sưu tầm được thực hiện theo từng chủ đề, năm nay Bảo tàng tỉnh sưu tầm hiện vật trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ của quân, dân Bình Dương.
Anh Dương Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh kiêm Trưởng phòng Sưu tầm nói, công việc này là vậy, phải vào từng nhà, gặp từng người vận động, thuyết phục mới mong có được những hiện vật quý. Trước khi đi, nhóm liên lạc trước với cán bộ của địa phương để không bị lạc đường. Khi có hiện vật, cái khó của người sưu tầm là xác định đúng giá trị, ý nghĩa của hiện vật.
Nắng bụi, mưa lầy hay đường sá xa xôi dẫu có khó khăn cũng không ngăn nổi niềm đam mê của những người làm nghề sưu tầm hiện vật. Với họ, cái khó nhất là làm thế nào để thuyết phục người dân trao tặng hiện vật cho bảo tàng. “Hiện nay, những hiện vật cổ có giá trị rất cao nên người dân ngại khi trao cho bảo tàng, nhà truyền thống. Vì vậy, người sưu tầm phải khéo léo thuyết phục, nài nỉ, giải thích là việc trao tặng hiện vật mang về bảo tàng, nhà truyền thống để bảo quản tốt hơn và phục vụ giáo dục truyền thống thì nhiều người mới hiểu và trao tặng”, anh Hải nói thêm.
Sưu tầm hiện vật khó khăn là vậy nhưng với những làm công tác này bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến khi tìm được hiện vật, trưng bày, lưu giữ được những giá trị văn hóa, lịch sử cho quê hương, đất nước.
Phát huy giá trị
Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa các hiện vật, sau khi sưu tầm, cán bộ bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống thống kê, phân loại và trưng bày để phục vụ việc tham quan, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau về đất và người Bình Dương. Tính đến nay, công tác sưu tầm và gìn giữ di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã có nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị cao và khoảng 20.000 hiện vật các loại. Hàng năm bảo tàng, các nhà truyền thống và các di tích thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu.
Em Nguyễn Thị Bích Phượng, học sinh trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một) cho biết: “Mỗi năm một lần, cô giáo dạy lịch sử của em lại tổ chức cho lớp đi tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống các huyện, thị. Đến những nơi này, chúng em hiểu hơn về lịch sử Bình Dương, bản sắc văn hóa vùng đất mình được sinh ra và lớn lên. Em càng tự hào hơn khi được là người con quê hương Bình Dương anh dũng, kiên cường trong kháng chiến, đổi mới, sáng tạo trong thời bình”.
Có thể thấy, việc sưu tầm, trưng bày, bảo tồn các hiện vật đã góp phần làm sống lại những giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh, tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam.
TỐ TÂM