Sưu tầm cổ vật: Từ thú chơi tao nhã tới thị trường ngầm nhiều rủi ro!

Thứ tư, ngày 16/01/2013

Kỳ 1: Sưu tập gốm cổ vì niềm tự hào dân xứ gốm

Kỳ 2: Thị trường ngầm ẩn chứa nhiều rủi ro

 Sau nhiều ngày tìm hiểu về giới chơi đồ cổ, điều mà chúng tôi băn khoăn là tất cả những món đồ cổ được trao đổi, mua bán chỉ được xác định giá trị qua kinh nghiệm, chứ không hề qua một khâu giám định nào. Những người chơi đồ cổ mà chúng tôi đã gặp đều cho rằng: “Vô nghề này không ai nói mình hay được vì có lúc cũng mua phải đồ giả cổ. Đó là “học phí” phải trả của dân chơi đồ cổ!”. Anh Nguyễn Hữu Phúc (phường Lái Thiêu, TX. Thuận An), người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề mua bán đồ cổ, cho biết ngày xưa đi mua đồ cổ anh lặn lội khắp các ngang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn, thậm chí phải vào từng nhà một. Vào những năm 80, anh từng chứng kiến số lượng lớn đồ gốm cổ như đôn, chậu… thuộc dòng gốm Lái Thiêu, gốm Cây Mai được săn tìm, thu gom rồi bán cho các mối lái từ Campuchia sang. Đó là một hiện tượng “chảy máu đồ cổ” rất đáng tiếc!    Sự ra đời CLB Cổ vật TX.Thuận An nhằm tạo “sân chơi” lành mạnh cho những người đam mê hiện vật cổ xưa, góp phần bảo tồn, tuyên truyền ý thức bảo vệ di sản trong nhân dân

Đó là chuyện mua bán của ngày xưa, còn ngày nay dù ở xa mấy chỉ cần gửi hình ảnh món đồ cần bán qua điện thoại, người mua sau khi xem xét nếu ưng ý sẽ đến tận nơi để tìm hiểu, trao đổi, mua bán. Có thể nói thị trường đồ cổ hiện nay “vàng thau lẫn lộn” rất khó phân biệt. Trong khi chưa có một thị trường đồ cổ minh bạch thì có một luật ngầm trong giới sưu tầm là ai nhìn nhầm người ấy chịu thiệt!? Trên thực tế đã có không ít trường hợp những đại gia lắm tiền nhiều của chơi đồ cổ theo phong trào mà không hề có chút kinh nghiệm, kiến thức nào đã phải lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” khi phát hiện ra những món đồ lâu nay mình đinh ninh là đồ cổ quý hiếm chỉ là đồ giả. Được biết, đồ cổ được sưu tầm từ nhiều nguồn, như: săn tìm mua trong dân, tại những điểm thu mua phế liệu, qua mối lái. Nguồn này thì giá rẻ nhưng xác suất mua phải đồ giả cao, còn nhượng lại từ những người chơi đồ cổ nổi tiếng có uy tín thì giá cao nhưng chắc chắn là đồ thiệt. Đồ cổ thật, giả giá trị chênh lệch nhau rất xa, nếu đồ thiệt hàng chục triệu đồng thì đồ giả chỉ vài trăm ngàn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều kẻ xấu lợi dụng thú chơi tao nhã này để lừa bịp. Những người sành về đồ cổ cho biết đồ gốm dễ phân biệt thật giả hơn đồ đồng, gốm Việt Nam dễ phân biệt hơn gốm Trung Quốc. Ngay cả một chuyên gia về đồ cổ cũng thổ lộ có lần mua phải đồ giả nhưng đành phải ngậm ngùi “rút kinh nghiệm” chứ biết kêu ai! Người này còn cho biết có trường hợp bảo tàng Nhà nước còn mua nhầm đồ giả cổ nữa là! Điều này cho thấy đồ giả cổ được làm rất tinh vi, rất khó phân biệt. Theo chuyên gia này thì đồ gốm đã khó phân biệt thật giả, nhưng đồ đồng còn khó phân biệt hơn, vì chỉ cần vùi xuống bùn khoảng 3 tháng thì món đồ đã có xỉ đen xanh rất khó phân biệt với đồ cổ.

“Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, có những loại cổ vật tư nhân được quyền sở hữu. Những cổ vật này được xem là một loại hàng hóa đặc biệt không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu. Chính vì vậy, song song với thú sưu tầm cổ vật là hoạt động trao đổi, mua bán. Hiện nay, thị trường đồ cổ rất khó quản lý và hoạt động trao đổi, mua bán ẩn chứa nhiều rủi ro. Sưu tầm đồ cổ là một thú chơi tao nhã đầy tính nhân văn. Chính vì vậy mà theo tôi những người sưu tầm đúng nghĩa phải tìm hiểu, học hỏi rất nhiều, tham khảo nhiều sách báo, tài liệu. Trước khi mua một món cổ vật có giá trị cao phải thông qua Hội đồng giám định với những chuyên gia, những nhà nghiên cứu có uy tín. Phải tìm hiểu, xác minh và hiểu thật kỹ về món đồ cổ mà mình đang sở hữu. Tránh trường hợp sưu tầm đồ cổ theo phong trào mà không có chút kinh nghiệm, kiến thức nào vì thực tế đã có nhiều người điêu đứng vì đồ giả cổ”.

(Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Giám đốc Bảo tàng Bình Dương)

Mặc dù có không ít người sưu tầm đồ cổ chỉ để kinh doanh và thị trường đồ cổ cũng phức tạp do những kẻ xấu lập lờ “đánh lận con đen” vì lợi nhuận, nhưng theo anh Khiêm (phường Phú Lợi, TP.TDM) một người sưu tầm đồ cổ có thâm niên thì phần lớn dân chơi đồ cổ chủ yếu vẫn là để thỏa mãn thú đam mê của mình là chính. Đó là những nhà sưu tầm đúng nghĩa, đúng với thú chơi tao nhã, đậm tính nhân văn. Đó cũng là văn hóa và đạo đức của một người chơi đồ cổ đúng nghĩa. Với họ, các hoạt động trao đổi, mua bán cũng chỉ là để làm phong phú thêm bộ sưu tập của mình khi người sưu tầm muốn đổi món cũ đã chán để tìm món mới lạ. Nghệ nhân Nguyễn Văn Năm chia sẻ nếu cần bán ra 1 món thì phải mua về 3, 4 món để làm phong phú thêm bộ sưu tập của mình, còn những món nào hiếm thì tuyệt đối không bán.

Để phát triển phong trào sưu tầm cổ vật, góp phần gìn giữ văn hóa, tháng 11-2012 vừa qua, Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao TX.Thuận An đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Cổ vật TX.Thuận An. Nghệ nhân Nguyễn Văn Năm, Chủ nhiệm CLB, cho biết đây là mô hình sinh hoạt văn hóa mới đầu tiên ở Bình Dương mà theo ông ngay cả trong nước cũng chẳng có mấy CLB như thế. Mô hình này giúp những người có sở thích đam mê hiện vật cổ xưa trong và ngoài tỉnh có một “sân chơi” lành mạnh để giao lưu học hỏi các kiến thức về cội nguồn văn hóa, hạn chế thị trường ngầm nhiều rủi ro đối với người sưu tầm đồ cổ. Một khi phong trào sưu tầm cổ vật phát triển lành mạnh thì nhiều người sẽ hiểu về giá trị của cổ vật và sẽ hỗ trợ công tác bảo tồn các hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa, tuyên truyền ý thức bảo vệ di sản văn hóa trong nhân dân.

 ĐỨC LÊ