Sưởi ấm những trái tim mồ côi
(BDO) Đại dịch Covid-19 ập đến như một trận cuồng phong. Giữa tâm dịch, đã có không ít những trẻ thơ bị ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong số ấy, có những trẻ đang sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ nhưng phút chốc trở thành những đứa trẻ mồ côi. Câu hát “Mồ côi tội lắm ai ơi. Đói cơm khát nước biết người nào lo…” vang lên đâu đó giữa ồn ào của nhịp sống hối hả làm xao xuyến, khắc khoải lòng người về những thân phận trẻ mồ côi.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao quà cho trẻ em mồ côi vì Covid-19 Ảnh: HỒNG THUẬN
Nỗi đau mồ côi
Trong đại dịch Covid-19, TP.Thuận An là tâm dịch của tỉnh, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Toàn thành phố có tới 147 em mất cha, mất mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ do Covid-19, trong đó có 3 trẻ mất cả cha lẫn mẹ. Cụm từ “mất cả cha lẫn mẹ” làm chúng tôi không khỏi đặt ra nhiều câu hỏi: “Cuộc sống của các em sẽ ra sao? Các em sẽ sống như thế nào? Đối mặt với thực tế làm sao?”… Điều đó thôi thúc chúng tôi tìm đến các em.
Chúng tôi gọi đến số điện thoại có “số đuôi” 731 xin được gặp 2 anh em Phan Tuấn Kiệt (17 tuổi) và Phan Gia Lạc (13 tuổi) có cha, mẹ mất vì dịch bệnh Covid-19. Anh Nguyễn Văn Thân, dượng út của 2 em với nước da ngăm đen, giọng cởi mở đậm chất Nam bộ tiếp chuyện chúng tôi trong căn phòng thờ chừng 15m2 tại khu phố 2, phường An Phú, TP.Thuận An. Bộ bàn ghế trường kỷ với màu gỗ mun xám xịt, phía trước là chiếc tủ thờ cũ kỹ để hai hũ tro cốt và hai di ảnh của người quá cố. Tiếng niệm Phật “Nam mô a di đà Phật” phát ra từ cái máy cát-sét làm cho căn phòng càng thêm vắng lặng giữa buổi chiều của một ngày cuối tháng 2 .
“Nhà có xưởng may. Anh chị hai mất để lại 2 đứa nhỏ bơ vơ và một cục nợ. Gia đình nội ngoại bên dưới Cần Thơ, bên tận Đồng Tháp hổm rày lên Bình Dương giáp mặt thỏa thuận ký giấy làm giám hộ cho tụi nhỏ”. Dượng Thân của Kiệt và Lạc vừa nói vừa chỉ tay về phía hông nhà, tiếp lời: “Xưởng này rộng chừng 3.000m2. Anh chị vay ngân hàng, gom tiền anh em trong nhà xây xưởng thì dịch bệnh ập đến trở tay không kịp. Nay người không còn, xưởng cũng toang hoang”.
Nói đoạn, anh bước ra hiên nhà đi về phía nhà xưởng được lắp ghép bằng những tấm tôn gợn sóng hãy còn mới. Tiếng bước chân của anh trên nền xi măng vang lên giữa những chiếc máy may công nghiệp đã trùm mền từ lâu, phủ bụi dày như phá tan không gian yên ắng bấy lâu nay của nhà xưởng. “Nén đau thương, dì Út hai đứa khôi phục lại một chuyền may lấy tiền nuôi 2 anh em đang tuổi ăn tuổi học nhưng khổ nỗi số tiền nợ anh chị hai để lại quá lớn (10 tỷ đồng) nên Út nó không thể cáng đáng được”, lời kể của anh Thân thao thao phía sau tôi như vô thức. Rồi chợt tỉnh, anh cất giọng gọi Lạc ra tôi gặp và lý giải “Thằng Lạc còn nói chuyện. Từ khi anh chị hai mất, thằng Kiệt lầm lũi, ngày đêm vùi mình trong phòng. Gia đình tưởng nó bị tự kỷ”.
Anh kể về những câu chuyện trải qua nỗi đau mất cha mẹ của 2 đứa trẻ thơ dại một cách tỉ mỉ và đầy xúc cảm. Lạc ngồi bên, 2 hàng nước mắt chảy ròng ròng, mắt sưng húp, suy tư trong cảm xúc. Nỗi đau mất cha mẹ đối với em, đứa trẻ 13 tuổi là quá lớn.
Chúng tôi cảm nhận nỗi đau mà em đang trải qua, nỗi đau như những cuộn sóng ập vào lòng se thắt, quặn đau nơi trái tim non nớt, chưa đủ lớn của một đứa trẻ. Dẫu biết rằng vòng đời sinh, lão, bệnh, tử là điều tất cả chúng ta đều phải trải qua nhưng có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất cha mẹ của trẻ thơ. Điều duy nhất mọi người có thể làm cho các em trong những ngày tháng tột cùng của nỗi đau là làm điểm tựa vững chắc để chia sẻ và trao những lời động viên chân tình nhất từ trái tim mình.
Sưởi ấm trái tim em
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 4-2021 đã cướp đi sinh mạng cha, mẹ của 316 trẻ em. Trong số 316 trẻ mồ côi bị mất cha, mất mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ do nhiễm Covid-19 thì có 3 trẻ bị mất cả cha lẫn mẹ, 9 trẻ mất nguồn nuôi dưỡng. Có những hoàn cảnh rất thương tâm, đã mồ côi cả cha lẫn mẹ ở với người bảo trợ thì nay người bảo trợ lại mất vì Covid-19. Nỗi đau mất cha mẹ, người thân đối với các em nhỏ là quá lớn, không thể bù đắp được. Với những em có hoàn cảnh khó khăn không chỉ thiếu tình yêu thương cha mẹ mà cuộc sống nay càng trở nên chật vật.
Thấu hiểu nỗi đau, sự thiệt thòi của trẻ mồ côi trong đại dịch, các tổ chức xã hội, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương luôn đồng hành, chăm lo hỗ trợ các em. Chúng tôi cảm nhận niềm vui của các em khi được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ mỗi em 5.000.000 đồng; UBND tỉnh thực hiện chương trình “Bảo trợ dài hạn” cho mỗi em theo từng cấp học; Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bình Dương hỗ trợ 20 em mồ côi với mức 2 triệu đồng/em. Ngoài ra, các em còn được hưởng các chính sách hỗ trợ thường xuyên theo Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Không còn cha mẹ, em Phan Gia Lạc cố gắng tự lập trong học tập và sinh hoạt
Không để các em dở dang việc học, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể vận động, kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu cho các em được học tập đến tuổi trưởng thành. MTTQ tỉnh vận động hỗ trợ 220 em với tổng số tiền 330 triệu đồng. Tỉnh đoàn phối hợp cùng Quỹ Mái ấm Thế giới di động trao 88 suất học bổng cho 88 em học sinh mồ côi xuyên suốt trong 10 tháng; phối hợp cùng báo Thanh Niên trao tặng 50 suất học bổng, mỗi suất 3 triệu đồng; phối hợp Công ty Sữa KUN trao hỗ trợ đến năm 18 tuổi cho gần 100 em. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 207 trẻ mồ côi trong thời gian 11 tháng.
Trong khi tôi đang theo dõi những thông tin hỗ trợ cho các em, thì nhận được điện thoại dượng Thân của Kiệt và Lạc. Anh phấn khởi cho biết: “Bà nội của Kiệt và Lạc sẽ là người giám hộ cho đến khi các em đủ trưởng thành. Số tài sản của anh chị hai để lại, sau khi bán, trả nợ cũng dư được kha khá để sau này làm vốn cho 2 đứa. Còn thằng Kiệt dạo này tươi tỉnh hẳn ra, ít buồn rầu hơn và đã chịu nói chuyện với mọi người”. Cuộc gọi kết thúc, bất giác tôi nhớ đến câu nói của nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm Mùa Lạc: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.
“Trẻ em mất cha, mất mẹ sẽ có nguy cơ sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Nếu không được hỗ trợ thích hợp, các em sẽ bị ảnh hưởng dài hạn tới sức khỏe tâm thần cũng như cơ hội thành công sau này. Sự quan tâm, tôn trọng của những người xung quanh sẽ giúp trẻ mạnh mẽ, tự tin hơn để vượt qua đau buồn. Đặc biệt, trẻ cần được hỗ trợ trong môi trường học tập và kết nối bạn bè, nâng cao giá trị, có cơ hội thể hiện mong ước của bản thân”. (Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.Hồ Chí Minh) |
KIM HÀ