Sức vươn lên của một vùng nông thôn
(BDO) Đến nay, hệ thống giao thông từ huyện Bắc Tân Uyên đã kết nối đồng bộ với TX.Tân Uyên, huyện Phú Giáo, các tuyến đường huyết mạch của tỉnh… tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến đây đầu tư, phát triển.
Các khu công nghiệp trên địa bàn huyện thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Khu công nghiệp KSB. Ảnh: XUÂN VĨ
Điểm đến mới của nhà đầu tư
Năm 2014, khi Khu công nghiệp Đất Cuốc hoàn thành người dân nơi đây hy vọng sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, giúp nông dân tiêu thụ hàng nông sản tại chỗ (cao su, cây ăn quả...). Những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào khu công nghiệp này chủ yếu sản xuất gốm sứ, chế biến nông sản. Đến nay, khu công nghiệp này đã có 62 dự án, trong đó có 40 dự án đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, Khu công nghiệp - đô thị Tân Bình hiện nay có tới 45 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 80%. Các doanh nghiệp tại đây hoạt động trên nhiều lĩnh vực như chế biến gỗ, chế biến nông sản, cơ khí... Đối với Khu công nghiệp - đô thị Tân Uyên hiện có 39 dự án, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; Cụm công nghiệp Tân Mỹ cũng đang chào đón các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Khu công nghiệp KSB được khởi công xây dựng và kinh doanh với tổng diện tích 553 ha, bao gồm 2 khu A và khu B. Nằm trong khu vực tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai), cách TP.Hồ Chí Minh 50km và TP.Thủ Dầu Một 30km, Khu công nghiệp KSB hiện tại giai đoạn 1 đã được phủ kín 100% diện tích, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh phê duyệt. Riêng Khu công nghiệp Tân Lập đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng…
Có thể thấy, huyện Bắc Tân Uyên đang chuẩn bị tốt về mọi mặt để đón các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh lâu dài.
Điều gì đã tạo ra sức hút của Bắc Tân Uyên? Trước hết, đó là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, cùng với đó cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, quyết tâm thực hiện các dự án hạ tầng giao thông hoàn thiện, tạo thuận tiện cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Đại diện Công ty TNHH Gỗ Peng Run (Khu công nghiệp Tân Bình) cho biết hạ tầng giao thông của Bắc Tân Uyên kết nối thông suốt với quốc lộ 13 và các huyện, thị trong tỉnh; cùng với đó nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào, quỹ đất trống dành cho phát triển công nghiệp còn nhiều là điều kiện rất tốt để địa phương thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện nay, các tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp đã được huyện đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, nông sản của người dân. Huyện cũng được tỉnh quan tâm đầu tư nhiều công trình trọng điểm, kết nối với các vùng, các địa phương trong khu vực như đường ĐH411 đoạn từ giáp ranh phường Uyên Hưng của TX.Tân Uyên đi Tân Thành, đường ĐT741 đoạn từ xã Tân Bình đi huyện Phú Giáo, đường ĐT747A đoạn từ xã Hội Nghĩa đi Cổng Xanh...
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Theo UBND huyện Bắc Tân Uyên, 9 tháng năm 2019 địa phương đã cấp 62 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng số vốn gần 575 tỷ đồng, 16 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn hơn 733 tỷ đồng; có 14 dự án đầu tư mới vào các khu công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện có 531 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng số vốn trên 9.100 tỷ đồng
So với cùng kỳ năm 2018, tình hình thu hút đầu tư của huyện 9 tháng qua có giảm, nguyên nhân chính là do các khu công nghiệp đã được lấp đầy diện tích. Bên cạnh đó, nhiều hồ sơ dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp nhưng không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương hoặc ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên địa phương từ chối không cấp phép. Cụ thể, trong 20 dự án đầu tư ngoài cụm, khu công nghiệp đã có 10 dự án không thống nhất địa điểm đầu tư do không phù hợp về quy hoạch và ngành nghề của địa phương.
Thời gian qua, số lượng các dự án, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tăng theo từng năm. Tuy vậy, huyện vẫn chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc một số ngành nghề được ưu tiên như chế biến nông sản, dịch vụ du lịch, tài chính - ngân hàng. Huyện cũng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo máy móc, nông nghiệp công nghệ cao. Địa phương sẵn sàng từ chối các dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro gây tổn hại môi trường.
Kinh tế Bắc Tân Uyên đang chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ - thương mại ngày càng giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của địa phương. Hy vọng rằng với việc phát triển công nghiệp mạnh mẽ sẽ tạo thêm động lực cho ngành thương mại - dịch vụ phát triển theo, nhằm nâng cao đời sống cho người dân.
XUÂN VĨ