Sức sống sản phẩm truyền thống

Thứ sáu, ngày 31/01/2020

(BDO)  Các làng nghề truyền thống Bình Dương đã đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trong sự phấn khởi bởi đơn hàng nhiều, sản phẩm bán chạy hơn so với cùng kỳ các năm trước.

 Khách chọn mua heo đất tại một cơ sở ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: PHÙNG HIẾU

 Đáp ứng tốt thị hiếu khách hàng

Ông Huỳnh Văn Tài, chủ lò gốm ở phường An Thạnh, TX.Thuận An, cho hay cơ sở có đơn hàng nhiều nên tới chiều 30 tháng chạp năm 2019 mới nghỉ. Theo ông Tài, hiện nay nghề gốm phải thường xuyên thay đổi mẫu mã để bắt kịp thị hiếu khách hàng. Cơ sở của ông chủ yếu cung cấp chậu gốm cho các nhà vườn nên đầu ra khá ổn định. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý doanh thu cơ sở tăng hơn gấp hai lần so với ngày thường.

Tết cổ truyền, sản phẩm gốm không thể thiếu đó là heo đất. Ghi nhận cho thấy trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một các tiểu thương bán heo đất xuyên tết. Chị Nguyễn Thị Chi cho biết năm nay heo đất đa dạng mẫu mã, màu sắc; ngoài heo đất sản xuất tại Bình Dương còn có heo đất đến từ làng gốm Bát Tràng (Hà Nội). Giá mặt hàng này từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Đây là sản phẩm truyền thống, tuy vậy theo thời gian đã có sự thay đổi. Hiện nay, heo đất không đơn thuần lấy hình tượng con heo mà nhiều con vật khác như mèo, rồng, trâu... cho tới hình tượng siêu nhân, người nhện, doremon... cũng được hóa thân thành heo đất.

Chị Nguyễn Thị Yến, tiểu thương bán heo đất ở TP.Thủ Dầu Một, cho hay theo quan niệm dân gian, đầu năm người dân thường hay mua heo đất, ngoài ý nghĩa mang lại sự sung túc, may mắn heo đất còn là “ngân hàng tại gia”, giúp nhiều người “tích tiểu thành đại” đề cao tính tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Thị trường heo đất năm nay linh vật năm Canh Tý, heo đất mang hình tượng chuột bán khá chạy, dù giá khá cao.

Như đã nói, sản phẩm heo đất đã có nhiều biến tấu rất ngộ nghĩnh, ngoài hình tượng 12 con giáp các nhân vật hoạt hình, truyện tranh cũng được hóa thân thành “heo đất”... Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi sản phẩm truyền thống đã bắt kịp thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng.

Phát huy giá trị nghề truyền thống

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 Làng sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) có nhiều niềm vui. Ông Dương Văn Minh, chủ cơ sở sơn mài Thanh Bình Lê, khoe với chúng tôi sơn mài vẫn còn chỗ đứng đối với người tiêu dùng. Cái nôi nghề sơn mài Nam bộ - Làng nghề Tương Bình Hiệp vẫn giữ được những giá trị văn hóa của mình. Ngay từ đầu năm nay, cơ sở Thanh Bình Lê nhận khá nhiều đơn hàng từ các thương lái.

Hiện nay, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã có nhiều thay đổi, đa số các cơ sở sản xuất theo đơn đặt hàng của các thương lái nên tình trạng bị “chôn vốn” ít xảy ra. Tuy đã qua thời hoàng kim nhưng nhiều nghệ nhân sơn mài vẫn “sống vui, sống khỏe” với nghề truyền thống có hàng trăm năm tuổi này. Nghệ nhân Tư Bốn, người mang nhiều duyên nợ, tâm huyết với nghề sơn mài, tâm tình rất mừng là tỉnh đã quan tâm tới nghề truyền thống. Hiện Đề án Bảo tồn và phát triển Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã được UBND TP.Thủ Dầu Một xây dựng hoàn tất và trình UBND tỉnh phê duyệt. Đề án tập trung vào các nội dung như tuyên truyền ý nghĩa việc thực hiện đề án qua hệ thống thông tin đại chúng với các hình thức quảng bá đa dạng, phong phú; điều tra khảo sát thực tế hoạt động làng nghề, những khó khăn, vướng mắc để đề xuất hướng tháo gỡ, giải quyết; sử dụng các nguồn vốn để xây dựng làng nghề với các hạng mục cần thiết…

Những năm qua, các làng nghề truyền thống ở Bình Dương nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách của tỉnh. Nhờ đó, một số làng nghề được vay vốn ưu đãi để mua sắm nguyên vật liệu, trang bị máy móc, hệ thống xử lý nước thải... Qua đó giúp người dân gắn bó với nghề thêm phần vững tin trong việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, đem lại sức sống mới cho các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

 PHÙNG HIẾU