Sức sống mới trên vùng chiến khu xưa

Thứ ba, ngày 01/09/2015

Chiến khu Đ năm xưa là trung tâm kháng chiến, nơi ra đời và phát triển của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Trong không khí cả nước đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2-9, chúng tôi có dịp về thăm lại một vùng đất của Chiến khu Đ anh hùng - huyện Bắc Tân Uyên hôm nay.

(BDO)

 Các vườn cây ăn trái có múi đang cho nông dân huyện Bắc Tân Uyên thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống Ảnh: Q.NHIÊN

 Quê hương cách mạng

Với địa hình rừng núi hiểm trở, Chiến khu Đ được coi là 1 trong 2 căn cứ địa cách mạng quan trọng nhất của miền Đông Nam bộ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các cơ quan, đơn vị của ta tại Chiến khu Đ đã vượt qua nhiều đợt bị địch càn quét, bắn phá để giữ vững căn cứ địa cách mạng. Chiến khu Đ đóng vai trò hậu phương tại chỗ của miền Đông Nam bộ, là bàn đạp để lực lượng của ta tiến công vào các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, đường giao thông chiến lược của địch… góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước, đưa đến việc ký hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chiến khu Đ tiếp tục được mở rộng, nhiều căn cứ được hình thành và phục vụ đắc lực cho phong trào cách mạng miền Đông Nam bộ. Nơi đây còn là bàn đạp tấn công vào cửa ngõ Sài Gòn theo hướng Đông Bắc.

Là người trưởng thành và gắn bó với vùng đất Chiến khu Đ anh hùng trong hai cuộc kháng chiến, ông Nguyễn Văn Chức, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Uyên kể, năm 1965 ông vào miền Nam và tham gia Lữ đoàn Pháo binh qua nhiều đơn vị chiến đấu khắp vùng đất này. Sau ngày đất nước giải phóng, cuộc sống của người dân nơi đây còn hết sức khó khăn, khắp nơi rừng bao phủ, nhà cửa thưa thớt, đất chưa được khai hoang, lương thực chủ yếu là khoai lang và củ mì. Bây giờ, nơi đây có nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh mẽ, tạo nên sức sống mới cho vùng đất này.

Vững bước đi lên

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, điều hành của chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đến nay diện mạo Bắc Tân Uyên đã có những thay đổi rất đáng tự hào. Điều đó được minh chứng trong việc địa phương đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nên bức tranh sáng cho quê hương.

Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, ông Nguyễn Quốc Hùng, người dân xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên chia sẻ: “Chi khu, đồn bót năm xưa giờ đây đã thay đổi bằng vườn tược, cây trái. Người dân nơi đây đã có cuộc sống ấm no, sung túc. Chuyện học hành nâng cao dân trí của người dân nơi đây cũng thay đổi từng ngày”.

Thời gian qua, huyện Bắc Tân Uyên đã huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển công nghiệp, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 36,2 triệu đồng/ năm. Đến nay, huyện đã có 4 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích 828,79 ha. Về nông nghiệp, giá trị sản xuất của vùng cây ăn trái có múi đạt trung bình gần 1 tỷ đồng/ha/năm…

Trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã hình thành các vùng chuyên canh trồng cây đặc sản; trong đó vùng chuyên canh cây ăn trái có múi với diện tích trên 1.200 ha tập trung ở các xã dọc theo sông Đồng Nai và sông Bé. Cây ăn trái đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho các hộ nông dân. Ngoài ra, Bắc Tân Uyên cũng đã và đang triển khai thực hiện một số dự án du lịch như Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ, Khu du lịch nghỉ dưỡng Mắt Xanh, Khu du lịch sinh thái Hàn Tam Đẳng… Sự xuất hiện của các dự án này là tín hiệu tốt, tạo tiền đề để phát triển mạnh các khu, tuyến du lịch trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Trên địa bàn Bắc Tân Uyên còn có 9 hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; 109 trang trại, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động và có tổng thu bình quân 1 trang trại đạt 3 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Bí thư Huyện ủy Bắc Tân Uyên cho biết, trong nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ huyện, Bắc Tân Uyên tiếp tục phát huy tối đa mọi nguồn lực, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới; tạo nền tảng để Bắc Tân Uyên sớm trở thành đô thị sinh thái của thành phố Bình Dương trong tương lai. Huyện cũng phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, giá trị sản xuất đạt 75 - 80 triệu đồng/ha/năm, riêng vùng cây ăn trái giá trị sản xuất đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

 QUỲNH NHIÊN