Sức sống mới ở vùng đất giáp ranh

Thứ ba, ngày 14/06/2022

(BDO) Xã An Bình, huyện Phú Giáo là một trong những địa bàn vùng xa xôi nhất của tỉnh, nằm giáp ranh với tỉnh Bình Phước. Nơi đây từng là vùng khó khăn và thiếu thốn nhất về mọi mặt. Bằng sự đồng thuận của Đảng bộ, Chính quyền địa phương và nhân dân, nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đến nay bộ mặt xã An Bình đã “thay da, đổi thịt”, sức sống mới đang từng ngày khởi sắc.


Mô hình nuôi gà môi trường trại lạnh, sử dụng hệ thống tự động hóa của hộ gia đình ông Đinh Ngọc Khương, ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo cho hiệu quả cao

Ổn định cuộc sống

Một ngày đầu tháng sáu, có dịp trở lại nương rẫy của đồng bào dân tộc Khmer ở xã An Bình, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy màu xanh ngút ngàn, giàu sức sống của những vườn điều, vườn cao su. Con đường đất đỏ năm xưa giờ đã được mở rộng, khoác lên màu áo mới với lớp nhựa phẳng lì, nối liền từ trung tâm xã đến tận nương rẫy của đồng bào. Việc đi lại, giao thương hàng hóa nay đã thuận tiện hơn rất nhiều. Bà Ngưu Thị Hạnh, đồng bào Khmer ở ấp Tân Thịnh, phấn khởi nói: “Nhờ có con đường đi qua nương rẫy nên sau mỗi mùa thu hoạch điều, xe ô tô tải của thương lái vào tận vườn thu mua. Chúng tôi không phải vất vả bằng xe máy chở hàng đi bán xa như mọi năm trước”.

Kể về những năm tháng đầy gian khó trong quá khứ, ông Ngưu Bư, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, nhớ lại: “Trên nương rẫy của đồng bào đang canh tác trước kia là một khu rừng hoang. Chúng tôi từ nơi khác di cư về đây khai phá, đốt nương làm rẫy trồng hoa màu. Tuy nhiên, sau mỗi vụ thu hoạch, đồng bào lại đi tìm vùng đất mới, tiếp tục khai phá để mưu sinh. Sau khi được chính quyền địa phương quan tâm, tuyên truyền pháp luật và hỗ trợ giao đất giao rừng, đồng bào đã bỏ hủ tục lạc hậu, thôi cuộc sống du canh, du cư và cùng nhau lập xóm lập làng, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau xây dựng nhà cửa kiên cố, an cư lập nghiệp tại ấp Tân Thịnh và ấp Nước Vàng”.

Nhờ được địa phương quan tâm chăm lo, đồng bào Khmer ở xã An Bình đã biết cải tạo đất, thâm canh, gối vụ trồng hoa màu và cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như điều, cao su và khoai mì, lúa, ngô đạt năng suất và chất lượng. Nhiều hộ đồng bào đã thoát nghèo vươn lên làm giàu bằng sức lao động của mình. Điển hình như hộ gia đình bà Ngưu Thị Hạnh, gia đình ông Kim Thoan ở ấp Tân Thịnh. Được biết, người đồng bào Khmer nơi đây là những cư dân đầu tiên có mặt ở địa bàn xã An Bình.

Nông thôn khởi sắc

Xuất phát điểm là một trong những địa phương khó khăn và thiếu thốn về mọi mặt, chính quyền và nhân dân xã An Bình đã đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhờ có sự đóng góp công sức của nhân dân, đến nay cơ sở hạ tầng như điện - đường - trường - trạm đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, không giấu nổi cảm xúc, tâm sự: “Điểm nổi bật nhất trong phong trào xây dựng nông thôn mới là địa phương cùng với nhân dân góp sức bê tông hóa, cứng hóa hơn 200 tuyến đường giao thông nông thôn nối liền các ấp Bàu Trư, Bình Tiến, Cà Na, Đồng Sen, Cây Cam... Mùa mưa về không còn lo sợ đường trơn lầy lội và úng ngập như trước nữa. Điều thuận lợi nhất và niềm vui lớn nhất là tất cả nhân dân đều đồng thuận và tự nguyện đóng góp kinh phí. Hộ gia đình nào khó khăn, không có tiền để đóng góp thì họ tự nguyện đóng góp bằng ngày công lao động”.

Xã An Bình có hơn 40.000 dân sinh sống, trong đó bao gồm người Kinh, Khmer, Tày, Nùng, Mường… từ nơi khác di cư về đây lập nghiệp. Họ sống chan hòa, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo và chia sẻ yêu thương, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm bền chặt. Từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, chất lượng cuộc sống đã được nâng cao. Theo số liệu của UBND xã An Bình, tính đến quý I-2022, xã An Bình đã có 17/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chính quyền và nhân dân xã An Bình đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại để về đích nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đăng Thành, người dân ấp Bình Hòa, xã An Bình, phấn khởi chia sẻ: “Đường xóm Huế đi qua nhà tôi nay đã được nâng cấp đổ bê tông sạch đẹp và lắp thêm hệ thống đèn cao áp, sáng rực cả thôn làng mỗi khi đêm xuống. Nhờ có ánh đèn đường, đời sống tinh thần của bà con đã được thay đổi. Tối tối hoặc sáng sớm, các bà, các chị í ới rủ nhau tập thể dục mà không còn sợ cướp giật, trẻ em vui mừng và yên tâm vui đùa thỏa thích trên đường làng”.

Đi đôi với sự phát triển hạ tầng kinh tế - văn hóa - xã hội… chính quyền và nhân dân luôn chú trọng nâng cao ý thức trong công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn mới. Dưới sự chỉ đạo của huyện, địa phương đã thực hiện xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường bằng hình thức thành lập đội thu gom rác thải tại địa bàn. Ông Hà Ngọc Lân, Đội trưởng đội thu gom rác thải xã An Bình, cho biết: “Tôi được biết đây là mô hình đầu tiên trong toàn huyện, đội vừa mới thành lập và chính thức hoạt động hơn một tháng nay. Từ khi địa phương thực hiện tự thu gom rác thải, anh em công nhân đã xử lý sạch toàn bộ rác tồn đọng, không còn tình trạng bốc mùi hôi thối nữa”.

Bình yên và phát triển

Về An Bình hôm nay, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước cuộc sống bình yên, phát triển của làng quê nông thôn vùng giáp ranh. Đường vào thôn xóm dày đặc những dãy nhà bạt trồng dưa lưới công nghệ cao thay cho vườn cây kém phát triển trước đây. Có thể nhận thấy, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc rõ rệt, bà con địa phương học hỏi nâng cao kiến thức và kinh nghiệm để cải tiến kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, phù hợp với thời kỳ công nghệ, chuyển đổi số.


Đội thu gom rác thải xã An Bình, huyện Phú Giáo đi vào hoạt động, bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn

Nổi bật nhất là mô hình Hợp tác xã Dưa lưới Kim Long ở ấp Cà Na và mô hình trang trại nuôi gà trong môi trường trại lạnh của hộ gia đình ông Đinh Ngọc Khương ở ấp Nước Vàng. Ông Khương chia sẻ: “Trang trại nuôi gà môi trường lạnh được gắn hệ thống máy móc điều khiển tự động, hiện đại hóa từ hệ thống máng ăn, điều chỉnh nhiệt độ chuồng trại đến xử lý chất thải theo một quy trình khép kín, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa giảm chi phí nhân công lao động”. Theo ông Khương, hiện trang trại có khoảng hơn 400.000 gà thương phẩm và 40.000 gà đẻ. Bình quân mỗi tháng xuất 900 tấn gà thương phẩm, mỗi năm thu nhập khoảng gần 100 tỷ đồng. Sự thành công của ông Khương đã được nhiều người dân địa phương, các tỉnh lân cận biết và tìm đến học hỏi kinh nghiệm.

Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xã An Bình luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác và đấu tranh phòng chống tội phạm. Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết thêm: “Là địa bàn nằm giáp ranh với tỉnh Bình Phước, có nhiều đường mòn lối mở, tội phạm hoạt động rất nguy hiểm và phức tạp. Chính quyền và nhân dân luôn sát cánh để bảo vệ an ninh trật tự địa phương. Đặc biệt, từ khi địa phương thành lập Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm, thành viên câu lạc bộ có sự tham gia của lực lượng công an, các ban ngành đoàn thể và nhân dân hoạt động rất hiệu quả. Giờ đây, bà con đi cạo mủ không còn nỗi lo bị mất cắp xe máy, mủ cao su như trước nữa”.

TIẾN HẠNH