Sức mạnh từ sự đồng thuận xây dựng nông thôn mới
(BDO) Với sự nỗ lực vượt khó cùng nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của huyện Bàu Bàng có sự chuyển biến rất rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Điều đó tạo tiền đề để Đảng bộ và nhân dân toàn huyện nỗ lực, phấn đấu xây dựng thành công huyện NTM nâng cao trước năm 2025.
Nhiều mô hình kinh tế trên địa bàn huyện đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Mô hình trồng sầu riêng ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng
Diện mạo nông thôn thay đổi
Trong giai đoạn 2021-2023, hạ tầng giao thông của huyện Bàu Bàng tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại. Các tuyến đường huyện, giao thông nông thôn, đường trục ấp, đường trục chính nội đồng đều được nhựa hóa, bê tông xi măng, cứng hóa đạt tỷ lệ 100%. Hệ thống thủy lợi được huyện quan tâm đầu tư, nâng cấp và nạo vét đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất cho dân cư nông thôn. Tổng nguồn lực xây dựng NTM trên địa bàn huyện Bàu Bàng trong giai đoạn này là gần 2.192 tỷ đồng.
Về với xã Tân Hưng hôm nay dễ nhận thấy sự đổi khác so với vài năm trước đây, những con đường bê tông rộng mở nối dài, môi trường cảnh quan xanh tươi, sạch - đẹp. Có được thành quả này là cả một quá trình nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đoàn kết, quyết tâm đổi mới cách nghĩ, cách làm, tầm nhìn và lối sống. Để huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân tham gia xây dựng NTM nâng cao, xã Tân Hưng đã tích cực vận động, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, người dân hiểu rõ chủ trương, quan điểm, tầm quan trọng của xây dựng NTM nâng cao, từ đó tích cực tham gia vào chương trình này. Không chỉ chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, trồng hoa kiểng trên các tuyến đường, xây dựng tuyến đường giao thông kiểu mẫu theo tiêu chí sáng - xanh - sạch - đường nở hoa, người dân còn đóng góp nguồn vốn đầu tư các công trình theo quy hoạch và định hướng của chính quyền địa phương.
Ông Trương Văn Thanh, người dân xã Tân Hưng, chia sẻ: “Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn thay đổi rõ nét. Những con đường giao thông nông thôn đất đỏ sình lầy ngày nào nay đã được trải nhựa, bê tông hóa, có hệ thống điện được chiếu sáng, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi. Nhiều nhà mới mọc lên, khang trang, cơ sởy tế, trường học được xây dựng hiện đại. Xã Tân Hưng hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới tươi sáng, văn minh”.
Ông Phan Châu Phát, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, cho biết thực hiện chương trình xây dựng NTM đã tạo nên một bước phát triển về “chất” của xã Tân Hưng. Đến nay, hệ thống giao thông nông thôn của xã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, các tuyến đường liên xã, ấp, xóm cơ bản đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Hệ thống kênh mương thủy lợi bảo đảm phục vụ tưới tiêu, thoát nước. Địa phương thường xuyên phối hợp Phòng Kinh tế huyện tiến hành nạo vét mương để phòng chống ngập úng vào mùa mưa, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng và hiệu quả đầu tư. Nhờ đó đời sống người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 72 triệu đồng/năm, xã Tân Hưng chỉ có 3 hộ nghèo/2.671 hộ, chiếm tỷ lệ 0,11%.
Hiện trên địa bàn huyện có 10 chợ, trong đó có 8 chợ ở khu vực nông thôn, 2 chợ ở khu vực đô thị. Các chợ đều bảo đảm tốt việc trao đổi mua bán cho người dân các địa phương trong huyện. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 4 cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng, siêu thị điện máy, điện tử, điện thoại, xe máy, xe đạp điện… đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn. |
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Trong giai đoạn 2021- 2023, huyện luôn định hướng, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm mang lại giá trị kinh tế cao cho doanh nghiệp và người nông dân. Huyện đã xây dựng và triển khai các chương trình phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ nông dân xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với địa phương.
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bằng nhiều nội dung và giải pháp thiết thực, đến nay trên địa bàn huyện có 7 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao. Có thể nói, chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng, chương trình xây dựng NTM của huyện đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhà nhà thi đua phát triển kinh tế, hăng hái đóng góp xây dựng NTM... Có thể nói, vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM đã được phát huy hiệu quả rõ nét trên vùng đất Bàu Bàng anh hùng. Đến nay diện mạo nông thôn trong toàn huyện đã có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao. Hệ thống hạ tầng của huyện được đầu tư xây dựng đồng bộ; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, từng bước thay đổi bộ mặt đời sống của người dân nông thôn.
Dấu ấn nổi bật nữa trong giai đoạn này là hệ thống cơ sở vật chất giáo dục được huyện quan tâm đầu tư xây dựng đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tính đến nay, toàn huyện có 26/29 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 89,65%, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân địa phương và con em công nhân đến sinh sống làm việc tại huyện Bàu Bàng.
Cùng đó là hệ thống y tế từ huyện xuống xã không ngừng được củng cố và phát triển, chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được nâng lên. Đến nay 7/7 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn chương trình y tế quốc gia, Trung tâm Y tế huyện với đầy đủ trang thiết bị cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân toàn huyện và các khu vực lân cận. Song song đó, trong những năm qua, huyện cũng đã sửa chữa, đầu tư mới đồng bộ, hiện đại các thiết chế văn hóa theo bộ tiêu chí NTM. Đến nay hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tốt cho hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và học tập cộng đồng của người dân địa phương và công nhân lao động.
Đó là những dấu ấn nổi bật, những thành tựu rất đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bàu Bàng đạt được trong xây dựng NTM. Diện mạo tổng thể của huyện Bàu Bàng hôm nay đã thay đổi rõ nét, từ một huyện thuần nông, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng lòng của các doanh nghiệp và nhân dân, huyện Bàu Bàng đã dần trở thành một trong những hạt nhân phát triển công nghiệp năng động của tỉnh.
Mục tiêu huyện đề ra trong giai đoạn 2023 đến năm 2025: Phấn đấu cuối năm 2024 có thêm 3 xã Hưng Hòa, Tân Hưng và Trừ Văn Thố được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao; nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 6/6 xã, đạt 100%. 3 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao, tiếp tục đầu tư giữ vững và nâng chất các tiêu chí để đạt theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 của Trung ương và của tỉnh để tiếp tục giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM nâng cao một cách bền vững. Trong giai đoạn 2021-2025, xây dựng xã Long Nguyên, Lai Hưng và Trừ Văn Thố được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Bàu Bàng được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. |
THOẠI PHƯƠNG - PHÚ HÀO