“Sức mạnh” của lời xin lỗi
Nếu 2 tiếng cảm ơn làm cho người ta vui, hài lòng thì xin lỗi cũng vậy. Nó sẽ xóa tan đi mọi bực bội, giúp mọi người hiểu nhau hơn và không còn trách nhau hay chỉ “chăm chăm” bắt lỗi nữa.
Có anh bạn làm chủ một doanh nghiệp bất động sản. Anh kể, một nhân viên làm ăn cẩu thả làm anh rất tức giận. Phần lo cho uy tín của công ty, phần nghi ngờ cấp dưới có gì khuất tất nên anh càng bực bội hơn. Thế là anh đùng đùng “mày vào đây anh nói chuyện, làm ăn gì kỳ cục vậy?”. Cơn giận làm anh mất bình tĩnh nên còn nói một tràng những từ khó nghe khác nữa. Vậy mà khi nhân viên nọ bước vào phòng, nhìn cậu ta cười tươi, nói rõ từng tiếng: “Em xin lỗi anh. Cuối năm nhiều việc quá và em bị nhầm lẫn chứ không có gì khuất tất hết. Em sẽ trình bày…”. Sau khi nghe nhân viên báo cáo rõ mọi ngọn nguồn, anh đã lấy lại bình tĩnh, cùng bàn cách sửa sai, cùng hẹn gặp và làm việc lại với khách hàng. Anh cũng không quên “xin lỗi” về những câu mình đã nói như chửi nhân viên khi chưa biết rõ sự tình.
Cũng vậy, khi đi đường, một chút va quẹt nhẹ giữa 2 chiếc xe máy với nhau sẽ làm cho người ta bực mình nhưng bạn hãy cứ xin lỗi đi đã. Bởi chắc chắn, 2 tiếng đó sẽ làm cho người ta dịu lại. Lần khác chứng kiến cảnh trong siêu thị, một người khách vô ý làm rơi đồ hàng loạt từ trên giá, chị ấy cúi đầu xin lỗi nhân viên. Và, mặc dù cô nhân viên đã cười, nói không sao, chị để em sắp xếp lại nhưng người khách đó vẫn từ tốn sắp đặt lại các hộp hàng hóa đâu vào đó rồi mới tiếp tục đẩy xe đi mua sắm.
Có khó gì đâu một lời xin lỗi, nhưng lạ thay nhiều người vẫn rất… ít dùng đến. Biết lỗi, nói xin lỗi và sửa sai là điều tốt, bởi nó còn có “sức mạnh” giúp giải tỏa mọi nỗi niềm.
HƯƠNG CẦN