Sức lan tỏa của một thành phố trẻ

Thứ tư, ngày 03/09/2014

(BDO)

 TPM Bình Dương đã hình thành với dáng dấp của một đô thị hiện đại Ảnh: T.BÌNH

Chỉ hơn 3 năm sau ngày khởi công, dáng dấp của đô thị hiện đại đã hình thành tại TPM Bình Dương. Từ cánh đồng Bàu Bèo mỗi năm một vụ mùa ngày nào giờ chuyển mình thành TPM, trung tâm tạo lực phát triển toàn diện cho tỉnh và sẽ là quận trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương vào năm 2020.

Hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Tại TPM Bình Dương, bức tranh về hạ tầng, kiến trúc thân thiện với môi trường. Tại đây, hiện đã có đầy đủ các hạng mục hạ tầng, như công viên hồ nước trung tâm, các khu công nghiệp, phố thương mại, dịch vụ, khách sạn, trung tâm hội nghị - triển lãm quốc tế, ngân hàng… thể hiện sức vươn lên mãnh liệt của nơi này. Nơi đây, nhiều tập đoàn nước ngoài, công ty công nghệ cao và ngành giáo dục - đào tạo đã đến đầu tư và hoạt động, như Khu công nghệ của Tập đoàn Mapletree Singapore; Đại học Quốc tế Miền Đông; hệ thống trường Ngô Thời Nhiệm, trường Quốc tế KinderWorld - Singapore… Trong đó, nổi bật có Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đã hợp tác triển khai dự án Khu đô thị Becamex Tokyu với số vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; quý IV-2014, dự án thành phần đầu tiên của dự án sẽ đi vào hoạt động.

Điểm nhấn của TPM Bình Dương là Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh vừa khánh thành đi vào hoạt động tháng 2 vừa qua. Đây là nơi làm việc của các cơ quan Đảng, chính quyền, các sở ngành của tỉnh và là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh tế, giao lưu quốc tế của tỉnh. Nơi đây bước đầu thực hiện khá hiệu quả nền hành chính công thân thiện, phục vụ tốt nhu cầu làm thủ tục hồ sơ của nhân dân.

Cùng với việc hoàn thành các tuyến đường trung tâm, đường chính trong TPM Bình Dương như đường Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…, Tổng Công ty Đầu tư - Phát triển công nghiệp TNHH MTV (Becamex IDC), đơn vị thực hiện xây dựng TPM Bình Dương, đang tiếp tục xây dựng kết nối TPM ra bên ngoài, như đường kết nối đến TP.Thủ Dầu Một, đường Phạm Ngọc Thạch từ TPM đến ngã 5 Phước Kiến, các đường tạo lực kết nối sang Tân Uyên, đường tạo lực Mỹ Phước - Tân Vạn... Ở phía nam, Becamex IDC xây dựng các tuyến đường kết nối TPM với TX.Thuận An, TX.Dĩ An và là cửa ngõ đến TP.HCM… Những tuyến đường này sẽ góp phần nâng tầm giá trị của TPM Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho rằng TPM có triển vọng phát triển tốt trên cơ sở hài hòa, đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh và gắn kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là nơi có không gian sống thân thiện, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi… Những yếu tố này là lợi thế tiếp tục thu hút nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài và trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của Bình Dương trong những năm tới.

Đột phá trong cách làm

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, phát triển TPM Bình Dương và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẽ tạo điều kiện cho tỉnh dễ dàng mời gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài. Từ đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị của tỉnh hiệu quả hơn, giúp tỉnh phát triển bền vững và thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 đưa Bình Dương trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Sự hình thành và phát triển của TPM Bình Dương, cùng với sự ra đời của Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh là cụ thể hóa mục tiêu đưa Bình Dương thành đô thị công nghiệp vào năm 2020. Đến nay, TPM Bình Dương đã dần hiện thực hóa định hướng phát triển tương xứng giữa công nghiệp, dịch vụ và đô thị theo hướng bền vững.

Yếu tố tạo sự khác biệt rất đáng ghi nhận của Bình Dương là việc xây dựng TPM không sử dụng ngân sách Nhà nước mà vẫn phát huy hiệu quả. Từ việc xây dựng hạ tầng công nghiệp để tạo lực phát triển kinh tế đến xây dựng TPM, Bình Dương không có cơ chế, chính sách đặc thù riêng nào. Tỉnh luôn chấp hành nghiêm túc chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trên tinh thần đó, tỉnh có phương pháp, cách làm khoa học, căn cứ vào thực tiễn và điều kiện của địa phương, trong khuôn khổ luật pháp cho phép đã vận dụng hiệu quả những hướng đi mới để phát huy thế mạnh. Ngoài khẳng định là địa phương phát triển mạnh mẽ, năng động về công nghiệp, Bình Dương còn có sự đột phá về phát triển đô thị. Về khía cạnh này, Bình Dương là tỉnh đi đầu trong cả nước.

Đánh giá cao TPM, công trình mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đang tập trung xây dựng, tại lễ khởi động xây dựng, phát triển TPM Bình Dương và khánh thành Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh ngày 20-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là một công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Bình Dương. Thủ tướng khen ngợi những kết quả bước đầu rất quan trọng trong xây dựng, phát triển TPM và hoan nghênh Bình Dương phát triển, xây dựng một thành phố quy mô nhưng đã áp dụng phương pháp công tư kết hợp. Công trình này Nhà nước chỉ đầu tư một số ít dự án hạ tầng quan trọng; còn lại là doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển thành phố theo hướng văn minh, hiện đại…

 

 TRỌNG MINH