Sức hút mạnh mẽ của âm nhạc đường phố

Thứ năm, ngày 30/03/2023

(BDO) Dù chỉ với một sân khấu dã chiến đơn giản, nhưng chương trình Âm nhạc đường phố lần 2 vẫn thu hút lượng lớn khán giả tại phố đi bộ Bạch Đằng (TP.Thủ Dầu Một). Ban nhạc trẻ gồm: Thành Đạt (guitar bass), Nhật Huy (trống), Tấn Phát (keyboard 1), Thành Long (keyboard 2), Thiên Bảo (guitar solo) và Phục Hưng (MC), cùng các ca sĩ Thảo Nguyên, Hoàng Châu, Thùy Linh, Thùy Giang đã góp phần tăng thêm tính năng động, trẻ trung cho tuyến phố vừa thoáng mát vừa đẹp của TP.Thủ Dầu Một.


Tiết mục nhảy hiện đại do Khoa Công nghiệp Văn hóa, trường Đại học Thủ Dầu Một biểu diễn

Sôi động, hấp dẫn

Từ rất sớm, khán giả đã vây kín khu vực tổ chức biểu diễn chương trình Âm nhạc đường phố lần 2 khiến các ca sĩ và ban nhạc vô cùng háo hức để được cháy hết mình trong buổi tối cuối tuần hằng mong đợi. Mở màn bằng những vũ điệu mạnh mẽ của tuổi trẻ với những trang phục đầy phong cách, nhóm “TDMU” của trường Đại học Thủ Dầu Một đã khuấy động không khí thưởng thức âm nhạc thật sôi động. Tiếp theo là các tiết mục biểu diễn của các ca sĩ là sinh viên Khoa Công nghiệp Văn hóa trường Đại học Thủ Dầu Một và một số ca sĩ khách mời đến từ các địa phương trong tỉnh.

Bạn Ngô Trường An, một người sáng tạo nội dung TikTok ngụ tại TP.Dĩ An tham gia chương trình với vai trò ca sĩ khách mời, cho biết biểu diễn ở sân khấu này bản thân được đứng gần khán giả, dễ dàng cảm nhận và nắm bắt tần số để tương tác cùng mọi người một cách rất ngẫu hứng và tự nhiên. Trường An có được cảm giác vui và muốn “cháy” nhiều hơn với khán giả.

Còn với bạn Vũ Hoàng Nhật Linh (Câu lạc bộ Văn nghệ Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một) thì lại rất thích sân khấu âm nhạc ngoài trời vì giúp mọi người dễ dàng gắn kết với nhau. “Không chỉ nghe hát, mà mình còn có thể tham gia hát giao lưu với ban nhạc, khiến cả người biểu diễn và khán giả quây quần bên nhau rất gần gũi”, Nhật Linh nói.

Sân chơi ý nghĩa

Cũng với những bài hát quen thuộc, đang được yêu thích hiện nay, như: “Giọt sương trên mi mắt”, “Tình yêu màu nắng”, “Ngày chưa giông bão”, “Dẫu có lỗi lầm”, “Mãi yêu”… chương trình lần này có thêm phần giao lưu cùng khán giả với những bài hát đậm chất tuổi trẻ, như: “Tự nguyện”, “Vào hạ”… và các tiết mục nhảy hiện đại, dân vũ quốc tế, hòa tấu nên càng tăng thêm sức hấp dẫn, nhận được rất nhiều tràng vỗ tay tán thường từ khán giả.

Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một, cho biết sau lần ra mắt vào tháng 2-2023, trung tâm tiếp tục phối hợp với Khoa Công nghiệp Văn hóa và chương trình Âm nhạc Khoa Công nghiệp Văn hóa (trường Đại học Thủ Dầu Một) tổ chức chương trình Âm nhạc đường phố lần 2. Sân chơi này nhằm góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá công trình cảnh quan dọc đường Bạch Đằng, kết hợp phố đi bộ, chợ đêm, không gian văn hóa, thưởng thức nghệ thuật đến người dân và du khách.

Âm nhạc đường phố là một sân chơi rất ý nghĩa và hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân địa phương và du khách khi đến phố đi bộ Bạch Đằng. Tuy nhiên, nếu đã xác định đây là chương trình cố định hoặc là điểm tổ chức thường xuyên các chương trình văn hóa nghệ thuật thì cần sự đầu tư bài bản hơn về chủ đề từng chương trình và cơ sở vật chất, như: Hệ thống chiếu sáng cố định, chỗ lắp đặt loa… Có như vậy thì chất lượng sân khấu “dã chiến” vẫn rực sáng, các thiết bị âm thanh, hệ thống điện kết nối với dàn nhạc sẽ an toàn hơn cho cả người diễn và người xem.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lưu An, Giám đốc ngành âm nhạc Khoa Công nghiệp Văn hóa, trường Đại học Thủ Dầu Một, nghệ thuật biểu diễn trên đường phố (Street art) đã được thực hiện hầu hết ở các quốc gia trên thế giới và những nước có nền kinh tế - văn hóa giáo dục phát triển như Hungary, Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan… Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang triển khai việc thực hành âm nhạc đường phố ở nhiều nơi, nhiều không gian văn hóa khác nhau. Tuy sức lan tỏa chưa mạnh mẽ nhưng cũng đã được nhiều tầng lớp công chúng, nhân dân thưởng thức và hưởng ứng, coi đó là một trong những giá trị văn hóa tinh thần của toàn thể cộng đồng trong xã hội; đặc biệt là lứa tuổi học sinh phổ thông trung học và sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng…

MINH HIẾU