Sức bật từ vốn FDI

Thứ sáu, ngày 01/09/2017

(BDO) Sau 20 năm không ngừng đổi mới, sáng tạo trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương đã nằm trong tốp 5 tỉnh, thành đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Điều đáng nói, đã có nhiều nhà đầu tư tại Bình Dương tiếp tục mở rộng sản xuất, ngành nghề… đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Những con số biết nói

10 năm đầu, Bình Dương bứt phá mạnh mẽ, mức thu nhập của người dân cũng dần vượt chuẩn nghèo của cả nước. Đây là kết quả của quá trình chuyển hướng, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư kết hợp với việc luôn đổi mới, sáng tạo trong cải cách hành chính của tỉnh nhà. Sự phát triển của Bình Dương đã được cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.939 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 27,43 tỷ USD. Đưa Bình Dương vào tốp 5 tỉnh, thành thu hút vốn FDI dẫn đầu cả nước (xếp hàng thứ 2 về thu hút vốn FDI, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh). Chỉ tính từ đầu năm đến quý III- 2017, toàn tỉnh đã thu hút hơn 1,67 tỷ USD vốn FDI, đạt 119,4% kế hoạch năm. Bình Dương liên tiếp đón chào các nhà đầu tư từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư và tiếp tục mở rộng đầu tư với số vốn lớn hơn, hàm lượng chất xám cao hơn, công nghệ hiện đại hơn, ít sử dụng lao dộng phổ thông hơn.

Có thể điểm qua một số dự án tiêu biểu như: Dự án mở rộng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III của Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, đầu tư gần 285 triệu USD; Tập đoàn Kolon Industries (Hàn Quốc) đầu tư 220 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất sợi lốp ô tô; Công ty Cổ phần Tetra Pak Bình Dương (vốn đầu tư Singapore) đầu tư 124 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất bao bì đóng gói thực phẩm dạng lỏng... Cùng với đó là các dự án tăng vốn lớn nhằm tăng năng lực sản xuất, kinh doanh như: Công ty TNHH Polytex Far Eastern (vốn đầu tư Đài Loan, Trung Quốc) tăng vốn gần 486 triệu USD để sản xuất xơ tổng hợp polyester và sợi cotton, nâng tổng vốn đầu tư của công ty tại Bình Dương lên 760 triệu USD; Công ty TNHH Công nghệ in Alliance (vốn đầu tư Singapore) tăng vốn hơn 14 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 40,6 triệu USD để mở rộng sản xuất nguyên liệu giấy nhôm…


Bảo đảm cơ sở hạ tầng đồng bộ, sáng tạo, đổi mới trong cải cách hành chính, luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp… là chìa khóa cho thành công của Bình Dương trong thu hút đầu tư.
Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam (KCN Mỹ Phước III, TX.Bến Cát). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, thu hút vốn FDI của Bình Dương luôn đạt kết quả tốt là nhờ vào nhiều yếu tố kết hợp, trong đó có vai trò của các khu công nghiệp tập trung đã đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, cho nên phần lớn các dự án đều đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn. Điều này vừa phù hợp định hướng thu hút đầu tư bền vững của tỉnh, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, phải kể đến công tác cải cách hành chính được các ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt, tạo sự an tâm, tin tưởng để các nhà đầu tư tiếp tục rót vốn mở rộng ngành nghề có lợi thế như công nghiệp phụ trợ, điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, thương mại - dịch vụ...

Một Bình Dương luôn năng động

Nói về quyết định đầu tư vào Bình Dương, ông Otoica, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tetra Pak (Singapore) cho biết, Bình Dương có các khu công nghiệp được xây dựng bài bản, hạ tầng kết nối với bên ngoài thông thoáng, quỹ đất sạch chuẩn bị sẵn sàng, cùng với đó là sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh... Các yếu tố này đã tạo nên sự hấp dẫn các nhà đầu tư, trong đó có Tetra Pak.

Theo ông Yamamoto, Chủ tịch Chi hội doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương, sự đổi mới, sáng tạo trong cải cách hành chính của Bình Dương được nhận thấy rõ qua tinh thần trách nhiệm, tính cầu thị, sáng tạo của nhiều ngành, nhiều cấp của tỉnh. Chẳng hạn như Hải quan Bình Dương, cơ quan này đã tổ chức đối thoại để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về những vướng mắc liên quan đến chính sách, pháp luật. Việc làm này đã giúp lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI nắm bắt nhiều vấn đề quan trọng để làm tốt, làm nhanh công việc của mình. Chi hội mong muốn tinh thần này tiếp tục được tỉnh Bình Dương phát huy trong thời gian tới, vì sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà.

Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp với diện tích 10.560 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 71% và 11 cụm công nghiệp có diện tích 802 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 54,9%. Theo Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương có 33 khu công nghiệp với diện tích 14.790 ha. Các khu công nghiệp là động lực quan trọng giúp Bình Dương thu hút vốn FDI hiệu quả.

Về chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh từ nay đến năm 2020, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương sẽ tập trung thu hút mạnh nguồn vốn FDI nhằm tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần tăng thu ngân sách của địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Theo đó, Bình Dương ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các ngành nghề như dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp tạo ra giá trị sản phẩm lớn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đất đai, giảm dần các ngành nghề thâm dụng lao động…

Để thực hiện thành công mục tiêu, chiến lược thu hút đầu tư đến năm 2020, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Bình Dương sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn từ khâu thành lập đến những vướng mắc để ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của chính quyền, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các sở, ngành, địa phương...

Bà Carlotta Colli, Tổng lãnh sự Italia tại TP.Hồ Chí Minh nói: “Khi mới nhận nhiệm vụ, tôi nghe mọi người nói nhiều về môi trường đầu tư và sự thành công của Bình Dương trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua 4 năm công tác tại Việt Nam, tôi dành nhiều thời gian đến Bình Dương và cảm nhận được rằng những gì tôi nghe được trước đó chưa bằng những gì tôi đã thấy, đã cảm nhận được tại Bình Dương. Tại Italia, chúng tôi đã ghi nhận những hoạt động tích cực của lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong xúc tiến đầu tư. Đây là điều rất tốt và đáng được khích lệ. Công tác này cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới, vì các doanh nghiệp Italia đã bắt đầu biết và quan tâm đến Bình Dương. Số doanh nghiệp Italia có mặt tại Việt Nam nói chung và tại Bình Dương nói riêng tuy còn rất khiêm tốn nhưng với khả năng, kinh nghiệm của mình, chắc chắn các doanh nghiệp Italia sẽ có nhiều đóng góp tích cực, nhất là vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Bình Dương”.

 

 DUY CHÍ