Sức bật từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ tư, ngày 19/04/2017

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ và đô thị, thời gian qua lĩnh vực nông nghiệp cũng được huyện Bàu Bàng quan tâm. Qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG), trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả và gương điển hình với doanh thu từ 1 - 10 tỷ đồng mỗi năm.

(BDO)

 Thu hoạch quýt đường tại trang trại của ông Lê Văn Phấn, ở xã Trừ Văn Thố. Ảnh: KHÁNH ĐĂNG

 Nhiều mô hình hay

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, ngành nông nghiệp huyện Bàu Bàng đang từng bước chuyển dịch sang hướng sản xuất hàng hóa có giátrị, chất lượng cao; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung. Hiện nay, 100% diện tích đất canh tác cây lâu năm của huyện Bàu Bàng được cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc; 80% trang trại chăn nuôi đã đầu tư hệ thống làm mát và sưởi ấm chuồng trại, hệ thống máng ăn, máng uống tự động; 34% đàn gia cầm và 29% gia súc được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao.

 Ông Võ Thành Giàu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, khẳng định để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, theo đúng định hướng, trong thời gian tới huyện sẽ tập trung chỉ đạo, khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao - nông nghiệp đô thị; phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện như mủ cao su, cây ăn quả, cây cảnh, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm… Địa phương cũng sẽ xây dựng các vùng chuyên canh, khu vực sản xuất nông nghiệp phục vụ cho công nghiệp chế biến…

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng, cho biết thời gian qua hội đã triển khai các điểm trình diễn cây, con giống mới và tổ chức cho các hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất ở nhiều nơi. Trên cơ sở đó, đến nay trong toàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả, như trang trại tổng hợp ở 2 xã Long Nguyên và Lai Hưng, mô hình chăn nuôi vịt xiêm lai ở xã Lai Hưng, mô hình trồng hoa lan ở 2 xã Tân Hưng và Lai Hưng, mô hình chăn nuôi heo ở 2 xã Long Nguyên và Cây Trường… Các mô hình này đều áp dụng công nghệ mới được ứng dụng trong nông nghiệp như trại lạnh, hệ thống tưới tiêu tự động… và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP.

Tại xã Trừ Văn Thố, mô hình trồng quýt đường ứng dụng công nghệ cao của ông Lê Văn Phấn đã được nhiều người biết đến. Với hơn 13 ha trồng quýt đường áp dụng công nghệ tưới tự động, ông giảm được chi phí thuê mướn nhân công và giúp cho cây sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao. Ông Phấn chia sẻ để trồng thành công loại cây có múi, ông đã tìm hiểu nhiều từ tài liệu hướng dẫn, từmột số mô hình ở các nơi. “Mặc dù đã thành công với cây quýt nhưng tôi vẫn luôn học hỏi để có thể nâng cao hơn nữa năng suất vườn cây và chia sẻ kinh nghiệm với bà con có nhu cầu trồng loại cây này”, ông Phấn nói.

Còn tại xã Tân Hưng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp không lớn, nhiều hộ dân ở đây đã đầu tư trang trại trồng nấm, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Hiện xã Tân Hưng đã thành lập được Tổ hợp tác trồng nấm với 12 thành viên, diện tích sản xuất 2.000m2. Tổ hợp tác đang cho thu hoạch 400.000 bịch phôi giống nấm bào ngư xám và 80.000 bịch phôi giống nấm linh chi.

Tạo nguồn thu ổn định

Qua phong trào NDSXKDG, trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã xuất hiện nhiều hộ dân có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm, nhiều mô hình kinh tế cho nguồn thu nhập ổn định. Điển hình như trang trại trồng quýt đường của ông Phấn cho thu lãi từ4 - 6 tỷ đồng mỗi năm; mô hình trồng cây ăn trái và măng điền trúc của anh Nhị Văn Xum, ở xã Trừ Văn Thố cho thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng/năm.

Các mô hình mang lại thu nhập ổn định có thể kể đến như mô hình trồng nấm của Tổ hợp tác trồng nấm xã Tân Hưng, mô hình nuôi bò sữa của Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Lai Hưng, mô hình trồng ổi của Tổ hợp tác ổi lê Đài Loan xã Trừ Văn Thố… Bên cạnh đó, toàn huyện còn hàng trăm hộ nông dân hàng năm có thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng. Anh Hoàng Văn Quyết, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nấm xã Tân Hưng, cho hay mô hình trồng nấm tuy doanh thu không cao nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định, từ10 - 15 triệu đồng/tháng, lãi từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Bà Tuyết cho biết thêm, để nâng cao hiệu quả phong trào NDSXKDG, trong thời gian tới huyện Bàu Bàng sẽ thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm liên kết NDSXKDG theo chuyên hoặc đa ngành, lĩnh vực; đồng thời tạo diễn đàn cho nông dân trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, thông tin thị trường nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao. Huyện cũng tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hoạt động tín chấp của các ngân hàng giúp cho nông dân có vốn sản xuất, cùng với đó đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án để có thêm nguồn vốn, kỹ thuật mới phục vụ cho sản xuất của nông dân…

 KHÁNH ĐĂNG