Sức bật “tam nông”

Thứ hai, ngày 04/04/2022

(BDO) Chuyển hướng nông nghiệp công nghệ cao

Giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn trái đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị... Đến nay, tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt toàn tỉnh đạt khoảng 5.763,5 ha, diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172,2 ha với nhiều loại cây trồng có giá trị.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối được các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư thâm canh, thiết kế hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, trồng cây theo phương pháp thủy canh, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất. Tính tới nay, toàn tỉnh có khoảng 80 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng 500 ha. Qua đó, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp đạt gần 100 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ha.

Nông nghiệp Bình Dương chuyển hướng mạnh mẽ sang ứng dụng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong ảnh: Sản phẩm mang thương hiệu Unifarm (huyện Phú Giáo) đạt chất lượng cao, có mặt ở thị trường quốc tế

Cùng với đó, ngành chăn nuôi của tỉnh duy trì phát triển ổn định, cơ cấu ngành chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi quy mô nông hộ sang quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 912.000 con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 60%; tổng đàn gia cầm có khoảng 13,9 triệu con, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 70%. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tổng đàn heo tăng trung bình khoảng 9%/năm, tổng đàn gia cầm tăng trung bình khoảng 7%/năm.

Năm 2018, Bình Dương là địa phương đầu tiên trên cả nước đã có 4 vùng chăn nuôi được Cục Thú y công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh cúm gia cầm, bệnh Niu-cát-xơn trên gà tại các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên. Năm 2020, tỉnh có thêm 1 vùng chăn nuôi được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh cúm gia cầm tại TX.Bến Cát.

Xây dựng nông thôn hiện đại

Kinh tế nông nghiệp phát triển, quá trình điện khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn diễn ra nhanh chóng. Qua hơn 10 năm xây dựng NTM đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chương trình đã đổi thay toàn diện diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đến năm 2020, 49/49 xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Hiện nay, tỉnh có 19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 huyện, 2 thị xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ NTM. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM năm 2021 đạt 71 triệu đồng/ người/năm.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy thành quả trong chương trình xây dựng NTM, hướng tới nâng cao, kiểu mẫu theo kế hoạch đề ra, nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng thông minh Bạch Đằng. Cùng với đó, phát triển kết cấu hạ tầng, chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giúp nâng cao giá trị nông sản của các địa phương. Đến nay, Bình Dương đã từng bước tạo thương hiệu, định danh nông sản, xây dựng chuỗi giá trị. Kết quả, có 28 sản phẩm OCOP trong đợt 1 năm 2021, trong đó 8 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết OCOP là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.

Ông Phạm Văn Bông cho biết thêm, tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ theo hướng phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Bước sang giai đoạn mới, ngành nông nghiệp Bình Dương xác định tiếp tục phát huy nền tảng đã có, vận dụng sáng tạo hơn nữa Nghị quyết 26-NQ/TW về “tam nông”, gắn liền với định hướng mới của đề án thành phố thông minh - Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương. Trên cơ sở này, ngành sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt nhất lợi thế sẵn có của tỉnh, phát triển các mặt hàng nông sản có thế mạnh cạnh tranh. Xây dựng hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Xây dựng môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Mặt khác, duy trì và nâng chất các xã đạt chuẩn NTM, phát triển NTM nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng “Làng thông minh”, bảo đảm NTM phồn vinh, nông dân giàu có. 

Năm 1997, quy mô kinh tế của tỉnh chỉ đạt 3.919 tỷ đồng, tỷ trọng các ngành nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế lần lượt chiếm tỷ lệ 22,8% - 50,4% - 26,8%. Sản xuất nông nghiệp với tổng giá trị sản xuất đạt 935 tỷ đồng, trong những năm tiếp theo giá trị sản xuất ngành liên tục tăng với tốc độ bình quân 7,6%/năm. Năm 2001 giá trị sản xuất ngành đạt 1.254 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,7% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng ngành nông nghiệp đến cuối năm 2021 là 3,1%, tuy giảm về tỷ trọng nhưng giá trị sản xuất tăng gấp 14,2 lần so với năm 1997. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng trưởng không ngừng, năm 2021 đạt 71 triệu đồng/năm (cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước là 41,76 triệu đồng/năm).

THOẠI PHƯƠNG