Sức bật mới của công nghiệp

Thứ tư, ngày 17/07/2024

(BDO)  Với việc đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp (DN), công nghiệp Tân Uyên đang gặt hái kết quả khả quan, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

 Chủ động trong phát triển

6 tháng đầu năm 2024, cơ cấu kinh tế của TP.Tân Uyên chuyển dịch đúng định hướng với tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp lần lượt là 55,2%- 44% - 0,8%. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng thực hiện tăng 12,68% so với cùng kỳ. Các DN trên địa bàn đang nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Phước Dũ Long

Theo bà Dương Tú Trinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Đức Thiện (TP.Tân Uyên), 6 tháng đầu năm dấu hiệu lạm phát ở Mỹ, thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam đã bớt gay gắt hơn, nguồn hàng tồn kho đã giảm, các đối tác đã quay vòng để đặt hàng trở lại, đặc biệt là quý III năm nay. “Tuy vậy số lượng đơn hàng đặt không nhiều, thời gian giao hàng gấp hơn nên các DN ngành gỗ nỗ lực tăng ca, giữ vững sản xuất. Với những diễn biến hiện tại, công ty dự kiến trong năm 2024 sẽ đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 20 - 30%. DN chúng tôi cùng với nỗ lực sản xuất cũng đã nhanh chóng chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, bền vững… đáp ứng yêu cầu của ngành gỗ xuất khẩu và theo đúng định hướng của địa phương”, bà Dương Tú Trinh cho biết thêm.

Tại Công ty TNHH Đại Hoa, những ngày này toàn thể công nhân đang vào guồng sản xuất khi đều đặn tăng ca đến 20 giờ để đáp ứng đơn hàng của các đối tác. Theo lãnh đạo công ty, hiện nay nguồn hàng tăng lên 30% so với cùng kỳ, công ty phải tổ chức tăng ca để đáp ứng cho kịp tiến độ giao hàng, bảo đảm chất lượng, giữ vững thị trường trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty TNHH Phước Dũ Long, cho biết: “Tình hình gốm sứ xuất khẩu không có nhiều thuận lợi như các ngành hàng khác song công ty vẫn nỗ lực giữ vững việc làm cho công nhân, đa dạng hóa mặt hàng để duy trì hoạt động sản xuất. Trong hành trình tìm kiếm hướng đi mới, chúng tôi đầu tư cho nghiên cứu phát triển nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng”.

Để tính chuyện đường dài, đầu năm 2024, mặc dù tình hình xuất khẩu còn nhiều khó khăn, Công ty Phước Dũ Long đã lắp đặt thêm 5 lò mới dung tích 132m3 để chuẩn bị cho thời điểm phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Theo lý giải của ông Tín, thời gian lắp đặt 5 lò mới cũng khá lâu, nếu đến lúc kinh tế khá lên mới đầu tư sẽ không kịp.

Theo ông Đoàn Hồng Tươi, lãnh đạo thành phố ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của các DN, tạo điều kiện để DN phát triển, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điều đáng mừng là trong tình hình khó khăn chung, các DN chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh, đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. TP.Tân Uyên luôn thực hiện nhất quán chủ trương chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ cùng cộng đồng DN. 

Vị thế nâng cao

Tân Uyên đang được biết đến với các dự án khu công nghiệp lớn của Bình Dương và cả nước, những con đường nối dài các tỉnh thành, những cảng sông đưa hàng hóa vươn xa. Tất cả đã mang lại sức sống mới cho Tân Uyên, đồng thời nâng cao vị thế của địa phương trong sự phát triển toàn diện của khu vực.

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, chia sẻ hiện nay kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng công nghiệp. Nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động, giúp thu hút nhiều DN đến đầu tư, thành lập mới và mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh.

Đặc biệt, việc mở rộng không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và đô thị Bình Dương cũng như TP.Hồ Chí Minh và TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang tạo điều kiện “khơi thông” tiềm lực của địa phương trong phát triển. “Tân Uyên cũng hướng đến việc kết nối không gian liên kết, hình thành một “đại đô thị” phía nam. Điều này sẽ tạo ra đầu mối giao thông và trở thành một địa điểm quan trọng của tỉnh và của vùng. Tân Uyên hiện đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và người lao động, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của địa phương”, ông Đoàn Hồng Tươi cho biết.

Đặc biệt, với việc phát triển cảng Thạnh Phước có năng lực khai thác tới năm 2030 đạt 100.000 - 170.000 TEU/năm và nằm gần vị trí kết nối với 14 khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp lớn ở Tân Uyên, Bắc Tân Uyên như VSIP 2A, VSIP 3, Đất Cuốc... kết nối một số cảng quan trọng như Tổng hợp Bình Dương, Hiệp Phước, Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh), Cái Mép - Thị Vải đang là điều mà các DN trên địa bàn Tân Uyên phấn khởi. “Cảng Thạnh Phước góp phần giải quyết tình trạng quá tải của vận chuyển đường bộ, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất hàng hóa của các DN địa phương, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu, kéo theo sự gia tăng cung ứng các dịch vụ”, bà Dương Tú Trinh đánh giá.

 TIỂU MY - VĂN DŨNG