Sức bật giáo dục Bình Dương: Cơ sở vật chất từng bước hiện đại, chuẩn hóa

Thứ tư, ngày 12/11/2014

(BDO)  

Kỳ 2: Cơ sở vật chất từng bước hiện đại, chuẩn hóa

Mỗi năm, Bình Dương tăng khoảng 20.000 học sinh (HS) ở các cấp học. Số HS tăng cao nhưng được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, hàng năm ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đều có thêm nhiều công trình trường mới khang trang, đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.

Trường THCS Phước Hòa (Phú Giáo) vừa được xây dựng đưa vào hoạt động trong năm học 2014-2015. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Trường lớp tăng

Công tác xây dựng mạng lưới trường lớp và mua sắm trang thiết bị dạy học luôn được ngành và các địa phương quan tâm. Bước vào mỗi năm học mới, nhiều địa phương có thêm những công trình trường mới đưa vào phục vụ, nhất là ở các địa bàn phát triển công nghiệp. Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 206 công trình trường học với tổng kinh phí là 5.132 tỷ 884 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 30 công trình lầu đang thi công với tổng mức đầu tư là 1.628 tỷ 562 triệu đồng. Địa phương có tốc độ xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp khá nhanh là TP.Thủ Dầu Một. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, thành phố đã có 23 công trình lầu đã hoàn thành và 8 công trình đang thi công trong năm 2014. Để có được những ngôi trường mới như thế này cả là sự quyết tâm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các địa phương của TP đã dành quỹ đất để xây dựng trường học. Ông Nguyễn Hữu Phước, Trưởng phòng GD-ĐT, cho biết để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, từ năm 2011-2015, TP triển khai xây dựng hoàn chỉnh hệ thống trường học theo chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Ngoài đầu tư xây dựng mới, ngành còn thường xuyên duy tu sửa chữa CSVC và bổ sung trang thiết bị cho các trường học.

Mỗi khi có dịp về các huyện ở vùng nông thôn như Phú Giáo, Dầu Tiếng và Tân Uyên chúng tôi lại bất ngờ khi diện mạo bộ mặt vùng quê có nhiều thay đổi, trường học lầu hóa được đầu tư xây dựng khá khang trang. Các trường như Tiểu học Vĩnh Hòa A, THCS An Linh (Phú Giáo), THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Dầu Tiếng), THPT Bàu Bàng (Bàu Bàng)… là những minh chứng cho sự khởi sắc về giáo dục ở các địa phương. Giờ đây ở các địa phương đã chấm dứt cảnh HS vượt hàng chục cây số để đến trường như trước kia, mà các em được tạo điều kiện học tập ở nơi gần nhất, bởi hầu như địa phương nào cũng có trường học từ mầm non, đến THCS.

Ở các địa phương như TX.Thuận An, Dĩ An và Bến Cát, dù hàng năm chịu nhiều áp lực gia tăng HS ngoài tỉnh nhưng nhờ chủ động có kế hoạch phát triển trường lớp, các địa phương bảo đảm đủ chỗ học cho HS, không có trường hợp các em ngồi ngoài trường trong năm học mới.

Đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại

Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT, nhận định CSVC trường lớp của ngành GD-ĐT trong tỉnh về cơ bản đã đáp ứng phục vụ quy mô phát triển giáo dục. Trên địa bàn tỉnh, số phòng học, trường lớp xây kiên cố ngày càng nhiều, nhiều trường được xây dựng lầu hóa. Toàn bộ 100% trường lớp của tỉnh, kể cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đều là nhà cấp 4 trở lên. Tuy nhiên, ở những địa bàn có khu công nghiệp phát triển, số dân ngoài tỉnh tăng nhanh nên nhu cầu xây dựng CSVC trường học và việc quy hoạch quỹ đất sạch là phù hợp để xây dựng trường học phục vụ phát triển giáo dục lại càng thêm bức xúc.

Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX năm 2011 có nêu: “…Triển khai phát triển GD-ĐT đến năm 2020 theo quy hoạch. Bố trí quỹ đất và vốn đầu tư hợp lý để có điều kiện phát triển mạng lưới trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Phấn đấu đến năm 2015 có 60 - 65% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia…”. Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, ngành GD-ĐT đã có định hướng sắp xếp mạng lưới trường lớp và đầu tư xây dựng trường học giai đoạn 2011-2015. Trong giai đoạn này, ngành GD-ĐT phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục đầu tư xây dựng trường học kiên cố và đồng bộ cả về xây lắp và thiết bị, từng bước hiện đại hóa cho các trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đề án, ngành thành lập mới phục vụ phát triển, xây dựng thay thế, cải tạo mở rộng nâng cấp 391 công trình trường. Cụ thể, thành lập và xây dựng mới 31 trường mầm non, 23 trường tiểu học, 23 trường THCS, 7 trường THPT, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên - kỹ thuật - hướng nghiệp; đồng thời tăng quy mô đầu tư đối với 120 công trình xây dựng mới thay thế, xây dựng cải tạo nâng cấp mở rộng 85 công trình trường được xây dựng trước đây. Cũng trong giai đoạn này, chỉ tiêu đề ra là sẽ xây dựng mới 100% các trường mầm non, tiểu học theo mô hình bán trú. Tại mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng 2 trường trung học bán trú hoặc 2 buổi/ngày. Đối với trường chuyên Hùng Vương cũng sẽ được trang bị, xây dựng bổ sung một số hạng mục xứng tầm với một trường chuyên…

Từ khi triển khai đề án kiên cố hóa trường lớp, các huyện, thị, TP đã đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường lớp ở các địa phương, giai đoạn 2011-2015. Chỉ riêng năm 2011 có 43 công trình đã hoàn thành, những năm tiếp theo mỗi năm có hàng chục công trình lầu được đưa vào sử dụng. Tính đến tháng 11-2014, ngoài 124 công trình đã hoàn thành, còn có 30 công trình đang thi công, 50 công trình đang lập dự án, 17 dự án khác đang góp ý, 31 trường học đang lập dự án. Đặc biệt giai đoạn này các địa phương tập trung phát triển trường mầm non, mẫu giáo. Nhờ vậy tỉnh đã thực hiện tốt đề án “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi” và tỉnh đã hoàn thành đề án này vào cuối năm 2013. Như vậy, tiến độ xây dựng CSVC trường học đang trên đà thuận lợi, việc thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra có khả năng sẽ đạt đúng tiến độ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư và dành nhiều quỹ đất để xây dựng trường học

Trong thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã đạt được những thành tích khá tốt, chất lượng dạy và học tại các trường ngày càng nâng lên rõ rệt. Để có được kết quả trên cần cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, trong đó có sự đóng góp của toàn xã hội, chính quyền và đội ngũ công chức - viên chức ngành GD. Tôi mong rằng, ngành GD tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để giữ vững và duy trì những thành quả tốt đẹp này trong những năm học tiếp theo .

Về CSVC, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư và dành nhiều quỹ đất để xây dựng trường học. Đối với các trường còn nhiều diện tích thì tiếp tục xây dựng theo hướng trường chuẩn quốc gia. Theo lộ trình phát triển, trong những năm tới áp lực HS tại các địa bàn TX.Thuận An và TX.Dĩ An sẽ giảm, trong khi tại các huyện mới như Bàu Bàng, Tân Uyên, Bến Cát sẽ tăng. Để đón đầu cho tương lai, từ sĩ số của bậc tiểu học hiện tại, các ngành chức năng sẽ tập trung đầu tư nhiều hơn cho bậc THCS. CSVC trường lớp khang trang, sạch đẹp thì cả giáo viên lẫn HS sẽ có hứng khởi, góp phần phục vụ tốt cho việc dạy và học, từ đó chất lượng giáo dục mới được nâng lên. Tôi đề nghị ngành GD-ĐT nên đưa vấn đề giữ gìn, bảo quản CSVC, trường lớp sạch đẹp vào tiêu chí thi đua của ngành.

 

Kỳ 3: Điểm nhấn giáo dục Bình Dương

ÁNH SÁNG - NGỌC THANH