Sức bật công nghiệp - đô thị ở TX.Bến Cát: Kỳ 1
Kỳ 1: Tân Định thay da đổi thịt
(BDO) Được “tiếng” là nằm gần TP.Thủ Dầu Một nhưng hơn 10 năm trước, phường Tân Định, TX.Bến Cát vẫn mang nhiều dáng dấp nông thôn; kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng đến nay, sự đổi thay của Tân Định thể hiện rất rõ trên các lĩnh vực.
Công nghiệp phát triển đưa phường Tân Định đổi thay mạnh mẽ. Trong ảnh: Xe cộ tấp nập ra vào các công ty ở phường Tân Định. Ảnh: PHÙNG HIẾU
Khi “ly nông” không “ly hương”
Chúng tôi đi dọc theo con sông Thị Tính khi trời đã xế chiều. Những cơn mưa đầu mùa làm cho vườn cây trái của người dân phường Tân Định thêm xanh mượt hơn. Hai bên tuyến đường đất đỏ đi qua khu phố 3 hầu hết là những ngôi nhà được xây theo lối kiến trúc Nam bộ xưa, nhà vườn kết hợp. Không gian nơi đây khá yên tĩnh, vào ban ngày hầu hết chỉ có người già, trẻ em ở nhà, vì thanh niên, người ở tuổi lao động đã đi làm ở các công ty, xí nghiệp. Riêng trên địa bàn khu phố 3 có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động, đã giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Út, 66 tuổi, đã có nhiều năm sinh sống ở khu phố 3, phường Tân Định cho biết, nhà ông có 6 người con đều đi làm công nhân cho các công ty trên địa bàn phường. Ở cái tuổi ngấp nghé “thất thập cổ lai hy”, ông đang tận hưởng cuộc sống an nhàn của lão nông trải qua hàng chục năm “bán mặt cho đất, bán thân cho trời”. Ông mời chúng tôi dùng trà, chậm rãi trò chuyện. “Hồi trước, ở quê tôi chưa có nhà máy, xí nghiệp, 2 sào đất trồng lúa của gia đình nằm ven sông Thị Tính chỉ đủ lo cho cả nhà khỏi đói. Làm quần quật vất vả, gia đình tôi không thuộc diện nghèo đã là may mắn lắm rồi. Giờ đây, mấy đứa con đều có việc làm ổn định tại các nhà máy, thu nhập cao, ổn định hơn nhiều so với khi còn làm ruộng nên tôi rất mừng”, ông Út vừa kể vừa chỉ ra hướng bờ sông nơi còn mảnh ruộng của gia đình. Rồi ông trầm ngâm: “Diện tích đất ít như thế này thì làm chừng nào mới khá nổi nếu Tân Định không có các doanh nghiệp về đây đầu tư xây dựng nhà máy làm công nghiệp”. Hiện gia đình ông và 6 người con có cuộc sống ổn định, sung túc với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt tivi, tủ lạnh, máy giặt, xe máy…
Hiện nay, số hộ chuyên làm nông ở Tân Định còn rất ít; một số ít gia đình trồng cây cao su, số khác trồng hoa màu, cây kiểng… Bà Nguyễn Thị Hồng Huế, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Định nhớ lại, hơn 10 năm trước, trong cơ cấu kinh tế của địa phương nông nghiệp chiếm tới 70 - 80%. Quá trình hình thành và phát triển khu công nghiệp trên địa bàn phường có phần đóng góp không nhỏ của bà con nông dân nơi đây. Họ trồng cao su lấy mủ, sau đó hình thành các cơ sở sơ chế mủ cao su, manh nha cho các hoạt động sản xuất công nghiệp sau này. Khi tỉnh có chủ trương giải tỏa sức ép phát triển công nghiệp ở các đô thị Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An… theo hướng giãn các khu công nghiệp sang khu vực phía bắc của tỉnh. Đây là cơ hội để công nghiệp phát triển mạnh trên địa bàn phường Tân Định. Do địa bàn có quốc lộ 13 đi qua nên phường Tân Định trở thành điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Bà Huế chia sẻ, bản thân bà cũng rất bất ngờ trước sự đổi thay nhanh chóng của Tân Định. Mới chỉ hơn 10 năm trước, Tân Định còn là vùng đất thuần nông nay trở thành một trong những điểm sáng về phát triển công nghiệp của TX.Bến Cát. Đến năm 2017, trong cơ cấu kinh tế của phường, công nghiệp chiếm hơn 70%, thương mại - dịch vụ chiếm gần 20%, phần còn lại là nông nghiệp. Điều quan trọng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao…
Hối hả nhịp sống công nghiệp
Từ ngã ba Suối Lớn đi vào tầm 1 km về hướng sông Thị Tính (khu phố 3, phường Tân Định) hiện có đến hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động. Con đường vào khu vực này thảm nhựa luôn tấp nập xe vào ra, lên xuống hàng hóa. Các doanh nghiệp ở đây sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề, từ may mặc, sản xuất bột giấy đến linh kiện điện tử, gốm sứ… Lãnh đạo một công ty gốm sứ ở đây chia sẻ với chúng tôi, đồng thuận chủ trương di dời các cơ sở gốm ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, công ty đã dời về đây hơn 6 năm. Khu vực này chỉ cách quốc lộ 13 chưa đầy 2km nên việc vận chuyển lưu thông hàng hóa của công ty gặp nhiều thuận lợi. Quan trọng hơn, nguồn nhân lực có ngay tại chỗ; đa số lao động làm việc cho công ty đều là người dân ở khu vực này nên công ty tiết kiệm được khá nhiều chi phí hỗ trợ ở trọ cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Tân Định cho biết, hiện trên địa bàn phường có 79 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 23.000 lao động trong và ngoài địa phương. Dân số toàn phường có hơn 30.000 người, trong đó hơn phân nửa là người từ các tỉnh, thành khác về làm việc, sinh sống.
Có thể thấy, phường Tân Định có nhiều thuận lợi để phát triển ngành thương mại - dịch vụ. Riêng quốc lộ 13 đoạn đi qua địa bàn Tân Định hàng quán, cửa hàng đã mọc lên san sát 2 bên đường. Hiện toàn phường có hơn 2.600 hộ đăng ký buôn bán nhỏ lẻ và làm dịch vụ cho thuê phòng trọ, trong tổng số hơn 4.000 hộ dân sinh sống tại địa phương. Các khu dân cư mới mở trên địa bàn đến nay đều có đông đảo người dân đến ở, nhịp sống ở đây khá hối hả, nhộn nhịp. Trong khi đó, hàng chục công trình giao thông, chiếu sáng, cấp thoát nước… trên địa bàn đã và đang được thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất đời sống, sinh hoạt của người dân. Toàn phường hiện chỉ còn 26 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Các hộ này đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình…
“Ly nông” không “ly hương”, giờ đây, người dân phường Tân Định có cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn, địa phương đã thay đổi mạnh mẽ. Tuy vậy, trong bức tranh rất sáng về phát triển của Tân Định, địa phương vẫn còn nhiều vấn đề phải làm. Đó là hệ thống hạ tầng cơ sở chưa tương ứng với tốc độ phát triển công nghiệp - đô thị của địa phương; bên cạnh đó là những tác động về môi trường khi phát triển công nghiệp. Thực tế cho thấy, tại các khu vực có đông doanh nghiệp, khu nhà trọ, rác thải sinh hoạt còn vứt bỏ bừa bãi làm nhếch nhác bộ mặt đô thị; cùng với đó còn có những doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra sông Thị Tính gây ô nhiễm môi trường tại đây…
Quả thật, còn rất nhiều việc phải làm để phường Tân Định phát triển bền vững. Với chủ trương của lãnh đạo tỉnh là không đánh đổi để phát triển bằng mọi giá, chúng tôi tin tưởng rằng Tân Định nói riêng, TX.Bến Cát nói chung sẽ thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế luôn gắn với bảo vệ môi trường, để công cuộc phát triển kinh tế của địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Tân Định cho biết, phường đang tiếp tục chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ TX.Bến Cát và Đảng bộ phường. Lãnh đạo phường đã chỉ đạo lực lượng chuyên trách thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất và phát triển kinh doanh. Địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương của tỉnh là hạn chế tối đa các dự án, ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
Bài 2: Mỹ Phước tiên phong phát triển công nghiệp
PHÙNG HIẾU