Sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết
Qua gần 10 năm thi hành Luật Đất đai 2003, những hạn chế, bất cập đó là pháp luật về đất đai và các pháp luật khác (Luật Công chứng, Luật Khiếu nại, tố cáo…) có liên quan đến đất đai quy định còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn dẫn đến việc áp dụng khó khăn. Pháp luật về đất đai còn một số nội dung chưa rõ ràng, chưa phù hợp. Việc phân cấp thẩm quyền trong quản lý đất đai chưa đi đôi với quy định cơ chế bảo đảm quản lý thống nhất của Trung ương. Công tác thanh tra, giám sát thi hành pháp luật chưa nghiêm, trong khi chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai còn thiếu và chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm. Nguồn lực về đất đai chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các quy định của pháp luật chưa làm rõ cơ chế thực hiện các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đất đai, chưa giải quyết hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa được quy định đầy đủ, nhất là điều kiện thực hiện các quyền. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm. Quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến nhiều vụ việc phải giải quyết qua nhiều cấp, kéo dài; nhiều bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp; thủ tục hành chính về đất đai vẫn còn rườm rà, thời gian giải quyết còn dài; tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai còn chưa đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ, nhất là ở cấp cơ sở.
Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập là do trong công tác điều hành, một phần do Luật Đất đai 2003 chưa lường trước được diễn biến mối quan hệ về đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN đang phát triển mạnh mẽ như trong giai đoạn hiện nay nên một số quy định trong luật đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp.
Thực tế những năm gần đây đã chứng minh vai trò to lớn của đất đai đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khẳng định đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, tư liệu sản xuất đặc biệt, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước. Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai là việc làm có tính tất yếu nhằm bảo đảm sự phát triển của đất nước.
VÂN GIANG