Sửa đổi bổ sung một số quy định hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi
(BDO) Ngày 5-3-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21-3-2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi. Theo đó, một số nội dung đã được sửa đổi, bổ sung so với trước đây. Cụ thể:
- Về thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước:
Quy định rõ thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi đối với trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
- Về đối tượng là trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi:
Giới hạn lại đối tượng trẻ em được nhận đích danh làm con nuôi gồm: trẻ em bị sứt môi hở hàm ếch; trẻ em bị mù một hoặc cả hai mắt; trẻ em bị câm, điếc; trẻ em bị khoèo chân, tay; trẻ em không có ngón hoặc bàn chân, tay; trẻ em nhiễm HIV; trẻ em mắc các bệnh về tim; trẻ em không có hậu môn hoặc bộ phận sinh dục; trẻ em mắc các bệnh về máu; trẻ em bị khuyết tật khác hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác cần điều trị khẩn cấp hoặc cả đời.
- Về tìm người nhận trẻ em làm con nuôi:
Không còn phân loại trẻ em thuộc danh sách 1 và danh sách 2 theo quy định tại Nghị định số 19/2011/ NĐ-CP mà Sở Tư pháp sẽ kiểm tra, thẩm định hồ sơ trẻ em theo trường hợp được nhận đích danh hoặc trường hợp phải thông qua thủ tục giới thiệu.
- Về xác nhận trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài:
Quy định rõ hơn về việc xác nhận trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi phải bảo đảm trẻ em đáp ứng đủ các yêu cầu về độ tuổi, đối tượng được nhận đích danh, đối tượng phải thông qua thủ tục giới thiệu.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi ở nước ngoài, thì phải có văn bản xác minh và kết luận rõ ràng của công an cấp tỉnh về nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi, không xác định được cha mẹ đẻ.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi mà công an cấp tỉnh xác minh được thông tin về cha, mẹ đẻ và Sở Tư pháp liên hệ được với cha, mẹ đẻ thì Sở Tư pháp tiến hành lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ trước khi xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi.
Trường hợp không thể liên hệ được với cha, mẹ đẻ, Sở Tư pháp niêm yết tại trụ sở Sở Tư pháp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, đồng thời có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của cha, mẹ đẻ niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã về việc cho trẻ em làm con nuôi. Thời hạn niêm yết là 60 ngày kể từ ngày UBND cấp xã nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp.
Nghị định 24/2019/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 25-4-2019 và đã kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong thời gian qua và tăng cường công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
SỞ TƯ PHÁP