Sự thật, nhìn từ Tuyên bố Hiroshima…
Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 (các nước công nghiệp phát triển) vừa kết thúc tại Nhật Bản đã đạt được sự đoàn kết khi ra Tuyên bố Hiroshima đề cập đến tình hình trên biển Đông và biển Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải.
(BDO)
Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), đồng thời kêu gọi các quốc gia tuân thủ các phán quyết của tòa án quốc tế về giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Không phải không có lý do để vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông được đặt lên bàn hội nghị các ngoại trưởng nhóm nước công nghiệp phát triển này. Tự do hàng hải, hàng không và tranh chấp chủ quyền đang là vấn đề “nóng” đối với những vùng biển nêu trên. Trong lúc các nước liên quan, trong đó có Việt Nam đòi hỏi phải giữ nguyên hiện trạng, giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, thì Trung Quốc - nước liên quan đến cả hai vùng biển nêu trên lại muốn đơn phương giải quyết theo ý của một “nước lớn”!
Tuyên bố Hiroshima tỏ rõ quan ngại về tình hình biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời phản đối các hành động đơn phương mang tính khiêu khích hoặc gây sức ép nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng. Tuyên bố cũng kêu gọi các nước kiềm chế các hành động bồi đắp trái phép quy mô lớn và xây dựng các cơ sở cũng như sử dụng các cơ sở này phục vụ mục đích quân sự.
Trong thời đại toàn cầu hóa, mọi hành động của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt là các hành động liên quan đến chủ quyền lãnh thổ chắc chắn không thể “qua mặt” được cộng đồng quốc tế. Thực tế những hành động phi pháp như đòi hỏi thiết lập vùng cấm bay trên biển, bồi đắp trái phép, đưa tên lửa, máy bay ra một số hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam mà phía Trung Quốc tiến hành trong thời gian qua đã làm “dậy sóng” công luận quốc tế. Việt Nam cực lực phản đối là chuyện đương nhiên. Bên cạnh đó, cộng đồng thế giới cũng không thể không lên tiếng trước những hành động “kẻ cả”, coi thường luật pháp quốc tế của quốc gia có nền kinh tế mới nổi này.
Trở lại với Tuyên bố Hiroshima, việc các Ngoại trưởng nhóm G7 phản đối mạnh mẽ những hành động phi pháp trên biển bởi vấn đề không đơn thuần liên quan đến các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền. Tự do hàng hải, hàng không là mối quan tâm chung và liên quan đến quyền lợi của tất cả các quốc gia trên toàn cầu. Và mỗi khi cộng đồng quốc tế thể hiện tiếng nói chung, tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia, khi ấy lẽ phải sẽ được công lý quốc tế bảo vệ. Khi ấy tư tưởng “nước lớn” sẽ bị triệt tiêu. Tin chắc là vậy!
CẢNH HƯỞNG